Xây dựng khối đoàn kết, bình đẳng giữa cộng đồng các dân tộc
![]() |
Hiến pháp và pháp luật bảo đảm quyền con người cho mọi người, mọi công dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số |
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991) đã xác định tầm quan trọng của chính sách dân tộc, trong đó nhấn mạnh quyền bình đẳng chính trị của các dân tộc thiểu số (DTTS) là: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh tiến bộ, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Tôn trọng lợi ích, truyền thống, văn hoá, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc”.
Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị năm 1989 (khoá VI) về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi cũng chỉ rõ về nguyên tắc để thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc: “để thực hiện trên thực tế quyền bình đẳng giữa các dân tộc, một mặt, pháp luật phải bảo đảm quyền bình đẳng đó; mặt khác, phải có chính sách và tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc miền núi vươn lên mạnh mẽ, phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, coi trọng đào tạo cán bộ người dân tộc; tôn trọng và phát huy những phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Nền văn minh ở miền núi phải được xây dựng trên cơ sở mỗi dân tộc phát huy bản sắc văn hóa của mình, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác và góp phần phát triển nền văn hóa chung của cả nước, tạo ra sự phong phú, đa dạng trong nền văn minh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khoá IX đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện chính sách dân tộc nhằm bảo đảm các quyền của đồng bào DTTS, đó là: “Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống các DTTS trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất”.
Có thể thấy rằng, trải qua các giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương, nguyên tắc trong đường lối chính sách dân tộc, đó là xây dựng khối đoàn kết, bình đẳng giữa cộng đồng các dân tộc, phát triển toàn diện về kinh tế - chính trị - xã hội nhằm bảo đảm các quyền và tiếp cận các quyền của đồng bào DTTS trên mọi mặt của đời sống trên cơ sở hệ thống pháp luật quốc gia và một số chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc.
Hiến pháp năm 1992 ra đời trên cơ sở Cương lĩnh 1991, đã hội tụ nhiều yếu tố, vừa mang tư tưởng cốt lõi về nhà nước pháp quyền dân chủ nhân dân, vừa mang hơi thở giá trị phát triển của nhân loại về quyền con người, quyền công dân, vừa mang yếu tố dân tộc thời đại. Đây là bản Hiến pháp đầu tiên đã đề cập đến khái niệm quyền con người và khẳng định: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.
![]() |
Ảnh minh họa |
Cùng với sự phát triển về “quyền con người”, các quyền con người liên quan đến từng nhóm đối tượng xã hội, thành phần xã hội cũng được đề cập như: quyền phụ nữ, quyền bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền của người khuyết tật, quyền được phát triển, quyền của các DTTS v.v.. là sự cụ thể hóa các khía cạnh và mức độ sâu sắc về quyền con người và đã được từng bước thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật.
Về quyền của các dân tộc, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước (Điều 5);Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước (Điều 23); Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42); Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào DTTS, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Điều 58); Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào DTTS và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề (Điều 61).
Những quyền cơ bản đó được thể hiện ở các nhóm quyền dân sự, chính trị, kinh tế và Nhà nước Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật với việc ban hành hàng loạt các văn bản luật, quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm các quyền con người, quyền công dân.
Về quyền dân sự, được quy định với những quyền cơ bản về: quyền sở hữu tài sản (bao gồm cả tư liệu sản xuất), quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm[2], quyền được thông tin theo luật định, quyền về chỗ ở, quyền tự do cư trú, quyền bình đẳng của các tôn giáo, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng… được quy định trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Cư trú, Luật Hộ tịch, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp v.v..
Về quyền chính trị, quy định về bình đẳng trong ứng cử, bầu cử, quyền tham chính, quyền tự do lập hội, hội họp, quyền bình đẳng trước pháp luật… được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương v.v..
Về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bao gồm: các quyền về lao động, việc làm, quyền tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế, quyền được bảo đảm an sinh xã hội, quyền tiếp cận và hưởng thụ văn hóa… quy định trong Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Giáo dục, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế…
Đồng bào DTTS là các công dân Việt Nam, được hưởng quyền của “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, được hưởng đầy đủ các quyền theo luật định. Bên cạnh đó, do những yếu tố đặc thù về trình độ phát triển và đặc điểm kinh tế - văn hóa, hệ thống pháp luật còn quy định thêm những điều khoản cụ thể hay chính sách có liên quan nhằm bảo đảm cơ chế thực thi để đồng bào DTTS có cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các quyền này. Quy định về quyền của các DTTS thể hiện rõ quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với các DTTS, với việc giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam, đồng thời cũng là mục tiêu, động lực của công cuộc phát triển đất nước.
Xét dưới góc độ quyền con người và quyền của các DTTS, hệ thống pháp luật của nước ta đã có những bước phát triển và tiến bộ đáng kể trong quá trình hòa nhập vào sự phát triển chung các giá trị tiến bộ của nhân loại. Bên cạnh những quy định bảo đảm quyền con người nói chung còn có những điều luật quy định đặc thù và các chính sách cụ thể như chính sách về đất đai, giáo dục, y tế, vay vốn tạo việc làm, chính sách bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người v.v.. nhằm bảo đảm quyền và thúc đẩy thực thi quyền cho các đối tượng đồng bào DTTS, phấn đấu cho mục tiêu chung là thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Một cuộc đời cống hiến vì sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước

TP Hồ Chí Minh thông tin về Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Đồng chí Trần Đức Lương - Nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc

Cả tài sản công, đất công và tư đang bị lãng phí

Vẫn còn “trên nóng, dưới lạnh”, đổi mới phải thấm xuống cấp xã

Hàng giả, hàng nhái tràn lan, vai trò cơ quan chức năng ở đâu?

ĐBQH đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Danh sách Ban lễ tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Không lo học sinh dồn vào trường công khi miễn học phí
