Xây dựng môi trường sống an toàn cho công nhân
Hà Nội đi đầu trong xây dựng đội ngũ công nhân hiện đại Để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng đời sống công nhân... |
Gắn kết công nhân với địa phương tạm trú
Hiện nay, thành phố Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt trên 97%.
Đến hết năm 2023, tổng số lao động làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội có khoảng 167.000 người. Trong đó lao động nước ngoài khoảng 1.270 người. Dù công tác đại diện, bảo vệ, chăm lo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động được quan tâm làm tốt nhưng có một thực tế là đời sống phần lớn người lao động, đặc biệt những công nhân ngoại tỉnh đang thuê trọ trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều khó khăn.
Cán bộ công đoàn xã Hải Bối phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra nhắc nhở chấp hành việc đăng ký tạm trú, tạm vắng tại một Tổ tự quản trên địa ban (ảnh: CĐHN) |
Để giúp đỡ công nhân yên tâm làm ăn, công tác quản lý lao động và giải quyết việc làm ngày càng được quan tâm làm tốt, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội chia sẻ, để người lao động yên tâm làm ăn, Liên đoàn Lao động Hà Nội đã xây dựng Tổ tự quản trong công nhân. Đây là một hình thức hoạt động để thực hiện tốt hơn chức năng đại diện chăm lo bảo vệ người lao động (NLD) và tập hợp công nhân lao động trong tình hình mới, góp phần tạo dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa chính quyền, Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở.
“Thông qua Tổ Tự quản, tổ chức Công đoàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của công nhân, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, bức xúc của công nhân, hạn chế xảy ra các vụ lộn xộn, gây mất trật tự an toàn xã hội tại địa phương” bà Thuỷ cho biết.
Liên đoàn lao động quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Công an đồng cấp, cùng công đoàn xã, phường tiến hành khảo sát các khu nhà trọ có đông NLD, phân công cán bộ làm việc với cấp uỷ, chính quyền và công an địa phương về mục đích, yêu cầu của việc thành lập tổ tự quản công nhân, làm việc với chủ các khu nhà trọ, tổng hợp danh sách công nhân lao động trọ, xét chọn các thành viên công nhân nòng cốt tham gia Ban điều hành Tổ tự quản Khu nhà trọ công nhân. Phối hợp với Chính quyền, phường, thị xã xây dựng và lấy ý kiến của NLD và chủ nhà trọ về nội dung bản “Quy ước Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, ra quyết định thành lập và tiến tới tổ chức lễ ra mắt “Tổ Tự quản khu nhà trọ công nhân”.
Nhiều hoạt động của tổ chức Công đoàn chăm lo đời sống cho người lao động |
Đến nay, toàn Thành phố đã xây dựng được 92 Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân với trên 20.000 công nhân lao động (Trung bình mỗi Tổ có từ 50 đến 280 lao động thuê trọ). Các Tổ Tự quản tập trung trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh. Đa số các Tổ tự quản đã xây dựng được “Quy ước tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”. Định kỳ hàng tháng các Tổ duy trì họp đánh giá việc thực hiện của từng Tổ và phổ biến chủ trương, nhiệm vụ trong thời gian tới (gắn với họp Tổ dân phố, cụm dân cư).
Nội dung hoạt động, sinh hoạt tại Tổ Tự quản khu nhà trọ tập trung tuyên truyền, vận động công nhân lao động chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…; Tổ chức phát động phong trào phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội; tiến hành kiểm tra, nhắc nhở việc chấp hành đăng ký tạm trú, tạm vắng…; Nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống, nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động để kiến nghị giải quyết kịp thời những bức xúc trong công nhân lao động.
Làm phong phú đời sống tinh thần cho công nhân
Cùng với việc làm tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, việc chăm lo đời sống văn hoá, tinh thần cho công nhân, lao động cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch công đoàn Khu công nghiệp (KCN) và Chế xuất Hà Nội, công đoàn các KCN chế xuất đã thành lập 7 “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân” tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp, đồng thời thành lập các “Góc văn hóa công nhân” tại các doanh nghiệp, phân xưởng sản xuất…phục vụ nhu cầu đọc sách báo và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của đoàn viên, CNVCLĐ, qua đó làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, CNLĐ.
Ngoài ra, Công đoàn Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội còn phối hợp lực lượng Công an đến doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân, tuyên truyền kỹ năng, kiến thức phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, hoạt động của “tín dụng đen”…, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức tự phòng tránh, giữ gìn an ninh trật tự, giúp công nhân cảnh giác với các loại tội phạm, không bị lôi kéo, sa vào các tệ nạn xã hội.
Công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long tham gia Giải chạy EKIDEN 2024 |
“Bên cạnh công tác tuyên truyền theo truyền thống, từ thực tiễn hoạt động chúng tôi luôn tìm tòi đổi mới trong công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa, tinh thần cho côgn nhân. Thành lập và tuyên truyền trên các nhóm zalo, Fanpage Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, các nền tảng xã hội…”, ông Thắng cho biết thêm.
Ngoài ra, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cũng chỉ đạo côgn đoàn cơ sở đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức tập thể dục giữa giờ cho CNLĐ để giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi qua; Thành lập Đội văn nghệ Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; Tổ chức “Ngày hội văn hóa thể thao công nhân”, chương trình văn nghệ “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”, chiếu phim miễn phí phục vụ công nhân…