Xem lễ cưới của người Dao đỏ tại Thủ đô
Hoạt động này nằm trong chuỗi các sự kiện của Ngày hội “Hương sắc vùng cao tại Hà Nội" vừa khai mạc tối 21/11. Ngày hội có sự tham gia của 10 tỉnh, thành với nhiều hoạt động tái hiện những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc vùng cao phía Bắc.
Tái hiện Lễ cưới của người Dao Đỏ
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên: “Ngày hội Hương sắc vùng cao tại Hà Nội năm 2016 là hoạt động nghệ thuật quan trọng, nhiều ý nghĩa, nhằm tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của cộng đồng các dân tộc vùng cao phía Bắc nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11)”.
Thông qua đó nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về di sản văn hóa, du lịch vùng cao, ý thức trách nhiệm và vai trò của từng cá nhân trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị của văn hóa dân tộc.
Chị em vùng cao khéo léo dệt vải
“Việt Nam có bản sắc văn hóa thống nhất nhưng cũng rất đa dạng của 54 dân tộc anh em. Ngày hội dù chỉ là một bức tranh nhỏ của đồng bào các dân tộc phía Bắc, với khoảng 10 dân tộc nhưng rất phong phú. Ngay tại Hà Nội có không gian của các cộng đồng dân tộc, hoạt động lễ hội cùng các hoạt động văn hóa tinh thần là cơ hội đáng quý dành cho công chúng Thủ đô tìm hiểu về nét đẹp truyền thống văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc”, Thứ trưởng Vương Duy Biên nêu rõ.
Ngày hội “Hương sắc vùng cao tại Hà Nội" năm 2016 diễn ra đến ngày 23/11
Trong buổi sáng 22/11, rất nhiều hoạt động đã diễn ra, thu hút khá đông người dân Thủ đô. Nhiều sản vật đặc trưng của các địa phương cũng đã được trưng bày, bán tới tay người tiêu dùng… Thú vị với nhiều người có lẽ là được chứng kiến Lễ cưới của dân tộc Dao Đỏ…
Trải nghiệm trong ngôi nhà sàn của người Tày tỉnh Thái Nguyên
Bên cạnh đó, người dân va du khách còn được trải nghiệm trong không gian ngôi nhà sàn của người Tày tỉnh Thái Nguyên, tái hiện những nét sinh hoạt đời thường như luộc sắn, đồ sôi ngũ sắc… và bản sắc của đồng bào các dân tộc.
Phụ nữ Hà Nhì trong Ngày hội
Phiên chợ vùng cao đã được sắp đặt thu nhỏ hòa sắc cùng trang phục dân tộc, cảnh xuống chợ, bán vải, gùi hàng, bán các loại hàng nông sản. Chương trình nghệ thuật và trình diễn trang phục dân tộc đã được tái hiện qua trích đoạn một số lễ hội như: Lễ Cấp sắc của người Sán Dìu, tỉnh Vĩnh Phúc; giao lưu tìm hiểu “Nét đẹp vùng cao” và “Vòng xòe Tây Bắc”…
Cẩm Tú