Xử lý nghiêm các trường hợp tung tin xấu độc, phản văn hóa trên mạng xã hội
Thông tin mạng xã hội có tình trạng lệch chuẩn, phản văn hóa
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (Hà Giang) cho biết, hiện nay, mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích xã hội mang lại cũng nảy sinh không ít những vấn đề biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, những giải pháp để chấn chỉnh, giải quyết tình trạng trên?
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng |
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, mạng xã hội hiện nay có tình trạng thông tin lệch chuẩn, phản văn hóa. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đề nghị, người dân tôn trọng và làm theo bộ quy tắc này để tạo dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh.
Thời gian tới, các cơ quan của bộ sẽ phối hợp với các ngành liên quan tích cực kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tung tin xấu độc, lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin lệch chuẩn, phản văn hóa.
Ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, trách nhiệm thuộc về ai?
Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, vấn đề quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội. Vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết. Đại biểu cho rằng "ai cũng hiểu một mình ngành văn hóa không giải quyết được việc này", nhưng là người đứng đầu cơ quan nhà nước về văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm của mình đến đâu và có kiến nghị gì để thay đổi thực trạng "cơ quan quản lý nhà nước thì không đủ thẩm quyền mà cơ quan có thẩm quyền thì không phải chịu trách nhiệm"?
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy |
Liên quan đến việc xây dựng môi trường văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, văn hóa rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ cũng đã chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa, thông qua các công cụ pháp luật.
Bộ cũng đã chủ động rà soát, báo cáo với Quốc hội ban hành các bộ Luật, tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định, Quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ động phối hợp với các cơ quan khác bằng các chương trình liên kết để tổ chức thực hiện, cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết với Bộ Giao thông về việc xây dựng văn hóa giao thông, ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng văn hóa học đường, ký kết với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân, người lao động…
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các cấp, các ngành phối hợp tích cực và chặt chẽ với bộ trong việc xây dựng môi trường văn hóa.
Cần giữ được nếp nhà thời hiện đại
Trả lời câu hỏi thứ 2 của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy về việc "Bộ chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực gia đình", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh: "Bộ có Vụ Gia đình, tham mưu về các vấn đề liên quan đến văn hóa gia đình. Gia đình chịu nhiều yếu tố tác động và nhiều cơ quan khác nhau, nhiều bộ luật khác chi phối, chứ không chỉ là Luật Phòng chống bạo lực gia đình. "Không phải nói đến gia đình là chỉ nói đến văn hóa. Tôi nói như vậy không phải là đẩy trách nhiệm cho các bộ, ngành khác nhưng vì tính giao thoa nên chúng tôi có trách nhiệm đề xuất xây dựng gia đình văn hóa", ông Hùng nói.
Bộ đang triển khai chỉ thị của Ban Bí thư xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc trong tình hình mới theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn giữa các đơn vị. Làm sao giữ được truyền thống, nói gọn là nếp nhà, biết ơn người sinh thành, trách nhiệm, yêu thương, đùm bọc. "Vì lĩnh vực rộng chứ không phải chúng tôi không quan tâm", ông Hùng khẳng định.