Xử lý nghiêm ngân hàng nếu người dân không rút được tiền tại máy ATM
Liên quan đến vấn đề này, Ông Phạm Bảo Lâm, Cục Trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, từ đầu tháng 12/2017, Ngân hàng Nhà nước đã điều chuyển tiền mặt về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố và đặc biệt ưu tiên các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhiều điểm ATM như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương...
Bên cạnh đó, ngành thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thu chi tiền mặt và tồn quỹ tiền mặt tại các chi nhánh tỉnh, thành phố, tập trung mọi nguồn lực, sẵn sàng ứng trực mức cao nhất để kịp thời điều chuyển tiền, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt cho nhân dân.
Ngoài việc thường xuyên theo dõi, giám sát để kịp thời chỉ đạo tổ chức tín dụng về chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn hoạt động ATM, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức tín dụng để người dân không rút được tiền tại máy ATM.
Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm tổ chức tín dụng nếu người dân không rút được tiền tại máy ATM
Cụ thể, theo Thông tư số 36/2012/TT-NHNN quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động, ATM nằm trong nội đô, thị xã, trung tâm huyện nơi có đơn vị tiếp quỹ của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thực hiện tiếp quỹ để đảm bảo thời gian ATM hết tiền không quá 4 giờ làm việc và không quá 1 ngày nếu ngoài giờ làm việc.
Các trường hợp khác, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thực hiện tiếp quỹ để đảm bảo thời gian ATM hết tiền không quá 08 giờ làm việc và không quá 1 ngày nếu ngoài giờ làm việc.
Trường hợp các tổ chức cung ứng dịch vụ không giám sát mức tồn quỹ tại máy giao dịch tự động, không đảm bảo máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định cũng như không đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống máy giao dịch tự động sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn hoạt động ATM trong dịp Tết Nguyên đán 2018. Theo đó, các tổ chức tín dụng cung ứng hạ tầng chuyển mạch giám sát chặt chẽ để đảm bảo hoạt động chuyển mạch thẻ an toàn, thông suốt và ổn định trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện các vụ việc ATM của các ngân hàng thành viên gặp sự cố để NHNN biết và kịp thời chỉ đạo xử lý.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thành viên theo dõi, phát hiện, xử lý các sai sót, sự cố phát sinh, hạn chế thấp nhất lỗi kỹ thuật, nghẽn mạng; phản hồi tra soát; khiếu nại đối với các giao dịch ATM liên mạng một cách nhanh chóng, kịp thời.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các Ngân hàng thương mại đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại các ATM; xử lý nhanh và triệt để các giao dịch khiếu nại, khiếu kiện của khách hàng theo quy định.