Xử phạt 400 triệu đồng Chủ đầu tư Dự án Xây dựng và Kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương
Địa chỉ của Công ty Cổ phần Xây dựng Đô thị số 1 Hà Nội trong Quyết định xử phạt lại treo biển một công ty khác.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ký Quyết định xử phạt 400 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Xây dựng Đô thị số 1 Hà Nội.
Quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Xây dựng Đô thị số 1 Hà Nội do Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký |
Theo đó, Công ty Cổ phần Xây dựng Đô thị số 1 Hà Nội đã thi công xây dựng một số hạng mục công trình (xây dựng hệ thống cống bê tông thoát nước, rải đường nội bộ trong dự án) thuộc Dự án Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Cũng theo Quyết định trên, Công ty này bị xử phạt 400 triệu đồng.
Đồng thời đình chỉ hoạt động đối với Dự án Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương tại xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ban hành Quyết định này để khắc phục vi phạm. Buộc Công ty Cổ phần Xây dựng Đô thị số 1 Hà Nội phải tạm dừng hoạt động để khắc phục hành vi phạm nêu trên theo quy định; báo cáo bằng văn bản kết quả khắc phục vi phạm gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang, UBND huyện Hiệp Hòa, UBND xã Hương Lâm theo quy định để kiểm tra, giám sát.
Để làm rõ thông tin liên quan tới việc này, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tìm đến địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty Cổ phần Đô thị Xây dựng số 1 Hà Nội tại số nhà 17A, ngõ 251, Nguyễn Khang, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội thì nơi đây lại treo biển của một công ty khác (Công ty TNHH Kiểm toán Việt Tin).
Không "khai báo" đúng địa chỉ kinh doanh là cách Công ty Cổ phần Xây dựng Đô thị số 1 Hà Nội đang trốn tránh pháp luật |
Theo tìm hiểu của phóng viên, cách đây hơn 2 năm, lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây dựng Đô thị số 1 Hà Nội đã về thôn Phúc Linh, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa để tổ chức họp bàn với người dân có diện tích đất sản xuất tại khu đồng chùa Vang, Bồ Đài, Đầu Hổ… Công ty đề xuất chuyển nhượng đất trồng lúa ở khu vực trên của các hộ gia đình với giá mua là 85 triệu đồng/sào để triển khai Dự án Xây dựng và Kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương.
Sau cuộc họp trên, UBND huyện Hiệp Hòa ban hành Thông báo thu hồi đất của các hộ gia đình tại thôn Phúc Linh để thực hiện Dự án. Tiếp đó ban hành các quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường cho từng đợt.
Cụ thể, ngày 24/10/2016, UBND huyện Hiệp Hòa ban hành Quyết định số 1089/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và Quyết định số 1090/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, để thực hiện Dự án (giai đoạn 1 - đợt 3) đối với thửa đất của các gia đình với đơn giá là 50.000 đồng/m2. Kể từ đó, chính quyền phối hợp với Chủ đầu tư lần lượt thu hồi đất của các hộ dân có tên trong Dự án, nhà nào không đồng ý sẽ bị… cưỡng chế.
Việc bồi thường đất bị thu hồi được thực hiện theo phương thức: Người có diện tích đất bị thu hồi sẽ được đền bù trên dưới 80 triệu đồng/sào (tương đương 360m2) hoặc được nhận lại 10% diện tích đất bị thu hồi đã chuyển thành đất ở (nếu chọn vị trí thuận lợi phải nộp tiền theo quy định từ khoảng 2 - 6 triệu/m2 tùy vị trí đất).
Đáng chú ý, 10% diện tích đất bị thu hồi được Chủ đầu tư hứa hẹn sẽ được cấp sổ đỏ và không phải đóng tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa khẳng định: Dự án thuộc hạng mục thu hồi nhằm phát triển kinh tế nên việc thu hồi và đền bù sẽ theo quy định của Nhà nước ban hành. Tuy vậy, do là Dự án làng nghề liên quan đến sản xuất và kinh doanh gỗ nên đất thuộc Dự án chỉ là đất cho thuê 49 năm, không được cấp sổ đỏ và tất cả người sử dụng phải thực hiện đúng mục đích của Dự án đã quy hoạch. Mọi hành vi xây dựng, hoạt động kinh doanh sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Chính vì vậy, việc Chủ đầu tư Dự án cho xây dựng một số công trình không đúng quy hoạch trên đất Dự án là trái với quy định của pháp luật.
Đến lúc này, người dân có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi mới “ngã ngửa” vì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất ruộng sang đất ở lâu dài đã không thực hiện được bởi đây là Dự án thuê đất với thời hạn 49 năm. Nhiều người cho rằng mình bị Công ty Cổ phần Xây dựng Đô thị số 1 Hà Nội lừa dối. Họ đặt ra nghi vấn liệu đây có phải một công ty “ma” chuyên kiếm lời bằng cách lợi dụng sự cả tin của người dân để đẩy họ vào cảnh tiến thoái lưỡng nan?.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục thông tin.