Xuân về lan tỏa yêu thương
Thảo thơm những “ATM gạo” miễn phí, “siêu thị 0 đồng” giữa mùa dịch
Thủ đô Hà Nội đã trở thành tâm điểm dịch thứ hai sau xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây chính là thời điểm người dân Thủ đô thể hiện tình cảm yêu thương, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Ý tưởng tạo ra những “ATM gạo” xuất phát từ chính những tình cảm đó.
“Mình có thể không cần mặc đẹp, giải trí nhưng không thể không ăn”, ông Hoàng Tuấn Anh - CEO PHGLock Tuấn Anh, chủ nhân của sáng kiến “ATM gạo” cho người nghèo giữa mùa dịch Covid-19.
Từ một ý tưởng vô cùng độc đáo, sáng tạo và cũng rất nhân văn này, mô hình “ATM gạo” được nhân rộng ở Hà Nội, Hòa Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Cần Thơ, Cà Mau và nhiều địa phương khác trên cả nước.
Đồng chí Chu Hồng Minh - Thành ủy viên - Bí thư Thành đoàn Hà Nội, tặng quà bà con vùng lũ |
Trong thiên tai, dịch bệnh, những lao động phi chính thức, người nghèo, người ốm đau, bệnh tật... chịu nhiều tác động nhất. Khi ấy, sự "cho đi" của nhóm "Ai cần đến lấy" tại điểm phát quà số 12 Đào Tấn, quận Ba Đình được thể hiện bằng 950 suất gạo (1kg/suất) được phát mỗi ngày, bắt đầu từ 8h và kết thúc vào lúc 16h bất kể trời mưa hay nắng... đã góp phần làm vơi đi những khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh.
Để nhân rộng mô hình “ATM gạo”, rất nhiều những tấm lòng hảo tâm đã ngày đêm miệt mài vận động, kêu gọi và trực tiếp ủng hộ tiền, của để "hồi sức" cho những hoàn cảnh khó khăn giữa vòng xoáy của đại dịch Covid-19. Hành động cao đẹp này đã lan tỏa ra thế giới với lời khen ngợi dành cho những chiếc "ATM gạo" hoạt động ngày đêm "cho đi sự tử tế" của mình.
Tấm lòng của các "Mạnh Thường Quân" khi đó đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ. Người góp từ hàng chục đến hàng trăm cân gạo; Người góp sức, miệt mài ngày đêm đóng gói, nhận hàng, vận chuyển và trực tiếp đứng phát gạo.
Cho đến nay, chưa có số liệu thống kê cụ thể trên địa bàn Hà Nội đã có bao nhiêu cây "ATM gạo" miễn phí, bao nhiêu ki-lô-gram gạo được cho đi... Có lẽ cũng không cần phải thống kê vì cho đi là còn mãi. Bởi lẽ những người có tấm lòng thơm thảo biết chắc chắn một điều, rất nhiều người đã vượt qua được khó khăn nhờ có những “ATM” gạo như thế này.
Người dân hứng gạo chảy qua từ đường ống dẫn của cây “ATM gạo” |
Ngoài những “ATM gạo” miễn phí, trong đại dịch Covid-19, dự án “Siêu thị 0 đồng” được triển khai ở Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Nam, Hòa Bình… cũng làm ấm lòng rất nhiều người trong khi thiếu thốn.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đơn vị tổ chức triển khai dự án “Siêu thị 0 đồng" đã chia sẻ với báo chí rằng: Mỗi người đến đây đều có những khó khăn riêng.
Ví dụ, có những cụ già 87 tuổi bán tăm bông dạo, khi giãn cách xã hội, cụ không đi bán được nên đã nhờ hàng xóm chở đến nhận đồ ở siêu thị; Hay có những cụ ông 70 - 80 tuổi đạp xe từ 5 - 6h sáng đến nhận quà của siêu thị; Rồi có người phải cắm cả điện thoại 100.000 đồng để mua đồ vì không ai bán chịu, khi nhận quà đã rất cảm động… “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, hệ thống “Siêu thị 0 đồng” thực sự là một món quà mang hạnh phúc đến cho người lao động nghèo giữa đại dịch Covid-19. Những hành động tuy nhỏ nhưng lại ấm áp, đượm tình người càng làm tô thắm thêm truyền thống yêu thương đồng bào, “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam ta.
Lan tỏa tấm lòng nhân ái trong mùa lũ
Thiên tai, bão lũ là hiện tượng tự nhiên không thể tránh khỏi. Mỗi năm, nước ta có đến hàng chục cơn bão đổ bộ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Lũ lụt miền Trung năm 2020 được coi là một đợt lũ lụt lịch sử mới, ở mức báo động IV - thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn của Việt Nam. Những đợt lũ đã ảnh hưởng sâu rộng và gây tổn thất toàn khu vực miền Trung, phá hủy, trì hoãn và đẩy ngược nền kinh tế - xã hội tại các địa phương: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Các địa phương này vốn trước đó không lâu cũng là điểm nóng của đại dịch Covid-19 đợt hai.
Những người dân miền Trung cần cù, chịu thương chịu khó, quanh năm vất vả làm lụng nhưng những trận lũ vừa qua đã cướp đi tất cả những thành quả của họ. Ngoài tài sản vật chất, số người thiệt mạng thương tâm là không gì có thể bù đắp. Những mái nhà nhấp nhô, hoa màu, vật nuôi, thủy sản ngập chìm trong biển nước... là hình ảnh khiến chúng ta không khỏi xót xa.
Chấp chới cánh tay kêu cứu qua mái ngói; Những thân người nửa chìm nửa nổi; Những gương mặt hoảng sợ, thất thần của những cụ già ngồi ăn từng miếng mì tôm; Em nhỏ “mặc nguyên bộ quần áo bùn đất”; Rồi tiếng khóc xé ruột của các em bé khát sữa, đói ăn; Tiếng khóc của những gia đình mất đi người thân. Tang thương chồng tang thương, đau đớn và quặn lòng hơn nữa khi nhìn đám tang tập thể của các chiến sĩ hy sinh khi đi cứu nạn; Những vành khăn trắng với những tiếng khóc lặng, nấc nghẹn của người thân ngất lả đi vì mất mát quá sức chịu đựng... Cả nước đau thương vì mất mát, tổn thất quá lớn của quân đội trong thời bình và của những người thiệt mạng do bão lũ, sạt lở đất trong năm 2020. Lúc ấy, tình dân tộc, nghĩa đồng bào một lần nữa lại bùng cháy...
Dù thức thâu đêm để nấu bánh nhưng tất cả người dân đều rất phấn khởi vì góp phần nhỏ hỗ trợ bà con vùng thiên tai |
Thế rồi, làn sóng “từ thiện” trào dâng mạnh mẽ trong cộng đồng, chạy đua với lũ bão để giúp đồng bào ở vùng thiên tai. Khi ấy cả dân tộc đang chung một nhịp đập yêu thương và nhân ái. Đâu đâu cũng quyên góp, ai ai cũng muốn chung tay chia sẻ, từ miếng cơm, tấm áo, chai nước, lọ dầu đến những vật dụng cần thiết nhất cho cuộc sống để giúp đồng bào vùng lũ vượt qua cơn hoạn nạn.
Ai cũng có thể trở thành mạnh thường quân, chẳng cần phải người giàu có, dư dả. Từ cô ca sĩ đến những vận động viên, từ em học sinh góp giấy “kế hoạch nhỏ” hay đập heo đất đến những cụ già còng lưng cõng thùng mì, quần áo cũ đến đóng góp ở điểm tiếp nhận cứu trợ; Từ nguồn của cán bộ, công nhân đóng góp bằng ngày công, ngày lương đến nguồn của những tập đoàn lớn hàng nghìn tỷ đồng. Đâu có phân biệt lớn bé, già trẻ, ít nhiều…
Chưa phải Tết mà ở đâu cũng đỏ lửa nấu bánh tét, bánh chưng để giúp người dân vùng lũ. Bếp tình thương với hàng nghìn suất cơm của các chị, các mẹ gửi cho đoàn cứu nạn, gửi qua đội cứu hộ đến những nơi sơ tán, những người còn kẹt lại trong ngôi nhà khi nước vẫn đang dâng cao.
Thanh niên Thủ đô hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách |
Khi nước rút hết, việc tái thiết sau thiên tai để người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống, Nhân dân khắp cả nước cùng chính quyền địa phương tiếp tục chung tay cứu trợ. Từ nhân lực để sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất đến vật lực như tiền mặt, dụng cụ sinh hoạt và sản xuất, cây giống, con giống; Hỗ trợ tâm lý và chăm sóc sức khoẻ cho người già, trẻ nhỏ và các đối tượng dễ tổn thương trong vùng.
Thiên tai thảm họa rồi sẽ qua, dù để lại hậu quả lớn nhưng tình người, lòng nhân ái đã góp phần xoa dịu nỗi đau, để mỗi người dân Việt Nam thêm tin yêu vào “sự tử tế” sẵn có trong mỗi người và cùng nhau lan tỏa các giá trị nhân văn trong cộng đồng.
Khép lại năm 2020 đầy thách thức, đón chào Xuân Tân Sửu 2021với kỳ vọng một năm mới ấm no, thịnh vượng hơn cho mỗi nhà và cho đất nước. Tin tưởng rằng, chỉ cần giữ vững tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái”, chúng ta sẽ vượt qua mọi thử thách để cùng nhau xây dựng một Việt Nam thịnh vượng vững bền.