Xuất bản sách tôn vinh họa sĩ vẽ tranh lụa hàng đầu Việt Nam
Bìa cuốn sách “Năng Hiển - Zuy Nhất (1921 – 2014)”
Bài liên quan
Lần đầu tiên công bố “Nhật ký Nguyên Hồng”
Yêu Hà Nội qua từng khoảnh khắc nhỏ
Chuỗi các sự kiện đặc biệt trong tháng 11/2018 của tỉnh Cao Bằng
Sách gồm tập hợp bài viết của nhiều tác giả và 399 bức tranh trong bộ sưu tập của gia đình và nhiều nhà sưu tập khác đã dựng lên một chân dung cố họa sĩ Năng Hiển với nhiều chiều kích khác nhau.
Họa sĩ Lê Năng Hiển (bút danh Zuy Nhất) sinh năm 1921 trong một gia đình ở phố Hàng Buồm, Hà Nội. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957. Cùng thời với họa sĩ Bùi Xuân Phái, Lê Năng Hiển nổi lên là một tài tử trong giới nghệ thuật Hà Nội khi có thể đóng kịch, viết văn và vẽ tranh. Ông còn là một họa sĩ vẽ tranh lụa hàng đầu Việt Nam dù không qua bất kỳ một trường lớp đào tạo nào về hội họa.
Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật, Lê Năng Hiển là một hoạ sĩ có nền tảng học vấn sâu, rộng và một cuộc sống từng trải, phong phú, nhiều năm tìm tòi, thể nghiệm trên chất liệu lụa, lại là người thông minh, mẫn cảm và đam mê sáng tạo, Lê Năng Hiển đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ.
Thiếu nữ Hà Nội qua nét vẽ Lê Năng Hiển |
Cuốn sách ra đời là sự nỗ lực của con gái cố họa sĩ Năng Hiển – họa sĩ Lê Ngọc Huyền cùng toàn thể gia đình. Một năm sau ngày cha mất, Ngọc Huyền mở xưởng họa của ông và chứng kiến hơn 200 bức tranh lớn nhỏ, bụi phủ mờ cùng rất nhiều tập phác thảo trên mọi chất liệu, cả những bức tranh họa sĩ Năng Hiển đang vẽ dở, chưa đặt bút ký.
Lê Ngọc Huyền nảy ra ý tưởng mở một triển lãm tranh và in sách cho cha. Vậy là vượt qua nhiều khó khăn, bằng nhiều cách khác nhau, chị tìm gặp những họa sĩ, nhà nghiên cứu, nhà sưu tập… Rất may, trong số đó, có những người đã đóng góp ý kiến, chia sẻ tư liệu và nhận lời cùng chị làm cuốn sách về họa sĩ Năng Hiển.
Cuộc triển lãm tranh của cố họa sĩ Năng Hiển thì đã diễn ra trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hồi tháng 9 vừa qua, giới thiệu hơn 60 bức tranh ở nhiều chất liệu như lụa, sơn mài... Còn cuốn sách, đầu tháng 11 đã ra mắt một cách trang trọng.
Qua cuốn sách, người yêu hội họa thế hệ sau có thể biết nhiều câu chuyện cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Năng Hiển, bắt đầu từ thủa ấu thơ, sau đó sống, học tập, hoạt động nghệ thuật trải dài trong suốt gần một thế kỷ.
Qua cuốn sách, chân dung họa sĩ Năng Hiển trở nên rõ nét với tính cách một nghệ sĩ yêu thích cái đẹp, tận tâm với nghề, say mê với sáng tác. Những tác phẩm của ông dù theo chủ đề nào cũng đều lấy sự tinh tế, hài hòa về đường nét, tạo hình làm chủ đạo. Cuốn sách cũng cho độc giả thấy rõ gia thế danh gia vọng tộc của ông, thấy con đường học tập, sáng tạo bài bản tư duy và khúc triết (dù ông không học trong trường mỹ thuật), thêm vào đó là cả một quãng thời gian dài trau dồi kiến thức, khổ công tự họa, tự rèn luyện mài bút mà thành tài...
Họa sĩ Lê Năng Hiển đang vẽ bức chân dung Diệu Ảnh- con gái riêng của vợ họa sĩ (ảnh chụp năm 1981) |
Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, xuất thân trong một gia đình Nho Học trung lưu với những ràng buộc đạo lý cùng tư tưởng tân học phương Tây đầu thế kỉ 20, họa sĩ Lê Năng Hiển đã gắn bó cuộc đời mình nơi cố đô Thăng Long xưa và Hà Nội ngàn năm văn hiến, được chắt lọc tinh hoa từ mảnh đất kinh kỳ".
Còn họa sĩ Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thì nhận xét: "Là một trong những số ít họa sĩ sáng tác tự do và sống được bằng các tác phẩm của mình. Là người Hà Nội nho nhã, lịch thiệp và tài hoa, ông đã để lại cho đời sự cảm mến của nhiều đồng nghiệp, những tác phẩm Mỹ thuật với nhiều chất liệu, thể loại khác nhau sẽ còn lưu giữ cho đời sau, góp phần vào sự nghiệp phát triển Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông còn là một trong những họa sĩ đa tài ghi dấu ấn cả trong lĩnh vực sân khấu, văn học, đặc biệt là những sách về đề tài lịch sử Việt Nam do ông viết và vẽ minh họa".