Yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng đốt rơm rạ
Hà Nội kiểm tra tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch của 20 huyện, thị xã Đề nghị xử lý nghiêm việc đốt rơm rạ không đúng quy định Hà Nội: Hệ lụy khó lường từ vấn nạn đốt rơm rạ |
Tình trạng người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế (Ảnh Đ.Minh) |
Ngày 17/8, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tình trạng người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, gây tình trạng ô nhiễm môi trường và làm mất an toàn giao thông.
Vụ hè thu 2024 chuẩn bị đến giai đoạn thu hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố chỉ đạo giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch trên địa bàn.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc để người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thiết lập đường dây nóng và triển khai ứng dụng Hue-S để tiếp nhận phản ánh của các cá nhân, tổ chức về tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng nhằm kịp thời có biện pháp xử lý.
Đồng thời, UBND cấp huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đốt rơm rạ trên đồng ruộng, trên đường giao thông, gây cản trở và làm mất an toàn giao thông.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương hỗ trợ việc áp dụng cơ giới hóa (như máy cuộn rơm) trong thu gom, vận chuyển rơm rạ.
Bên cạch đó, khuyến cáo người dân ứng dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.