Tag

Chuyển đổi sang địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 là việc không thể chậm trễ

Chuyển đổi số 03/04/2024 18:00
aa
TTTĐ - Nhấn mạnh chuyển đổi sang địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 là việc không thể chậm trễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cũng kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương đồng lòng, phối hợp đồng bộ trong triển khai công tác này.
Hạ tầng nền tảng cho chuyển đổi số quốc gia

Ngày 3/4, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã chủ trì hội nghị triển khai ‘Kế hoạch chuyển đổi IPv6, IPv6 For Gov năm 2024’. Được kết nối tới các Sở TT&TT trên toàn quốc, hội nghị nhằm đánh giá kết quả đã đạt được, đặc biệt là tập trung thảo luận để tìm ra các giải pháp hiệu quả hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho năm 2024 và giai đoạn tiếp theo.

Mạng Internet IP - mạng IPv6 là hạ tầng nền tảng cho phát triển kỹ thuật số, chuyển đổi số quốc gia. Toàn cầu đang chuyển đổi từ địa chỉ IPv4 sang thế hệ mới IPv6 để đáp ứng nhu cầu triển khai các dịch vụ mới, chất lượng cao như Internet vạn vật, đô thị thông minh, điện toán đám mây và các mạng viễn thông thế hệ mới 5G, 6G...

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi IPv6 là xu thế không thể đảo ngược, không thể chậm trễ và cần có sự tham gia đồng lòng của tất cả cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Ảnh: T.M
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi IPv6 là xu thế không thể đảo ngược, không thể chậm trễ và cần có sự tham gia đồng lòng của tất cả cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Ảnh: T.M

Nhấn mạnh Việt Nam đi đ­­úng hướng trong công tác chuyển đổi sang IPv6, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng thông tin: Từ năm 2021 đến nay nhịp tăng trưởng về tỷ lệ sử dụng IPv6 luôn được giữ và Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tiêu biểu toàn cầu.

Theo Trung tâm Internet Việt Nam – VNNIC, hiện tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt Nam đạt trên 60%, có tên trong top 10 quốc gia tiêu biểu toàn cầu. Toàn bộ hạ tầng Internet quan trọng quốc gia đã hoạt động với IPv6.

Các nhà mạng, nhất là 4 doanh nghiệp lớn VNPT, Viettel, MobiFone và FPT đã triển khai mạng lõi, dịch vụ khách hàng với IPv6. Theo báo cáo các nhà mạng, đến nay đã có 76,5 triệu thuê bao Internet băng rộng sử dụng IPv6, gồm cả thuê bao băng rộng cố định và di động.

Với khối cơ quan nhà nước, 96% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6 và gần 90% bộ, tỉnh đã chuyển đổi IPv6 thành công cho cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công.

Đồng lòng để đẩy nhanh công tác chuyển đổi sang sử dụng IPv6

Ngày 25/3, Bộ TT&TT đã ban hành ‘Kế hoạch chuyển đổi IPv6, IPv6 For Gov năm 2024’ để vạch ra các chỉ tiêu, phân công nhiệm vụ cần tập trung thực hiện của từng nhóm đối tượng. Theo đó, đến hết năm nay, tỷ lệ sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 trên mạng Internet Việt Nam cần đạt từ 65 – 80% và Việt Nam có trong nhóm 8 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi IPv6.

Tại hội nghị, trên cơ sở phân tích rõ những tồn tại, hạn chế của các nhóm vấn đề về triển khai IPv6 cho Internet băng rộng cũng như Cloud, IDC, hosting và nội dung số trong nước thời gian qua, các đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương đã trao đổi, bàn bạc các giải pháp hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ thời gian tới, giúp công tác chuyển đổi IPv6 đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định mục tiêu đến năm 2025 chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ IPv6. Ảnh minh họa: K.H
Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định mục tiêu đến năm 2025 chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ IPv6. Ảnh minh họa: K.H

Qua nghe ý kiến của các đơn vị và doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu rõ, trong giai đoạn 2024 – 2025, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần dồn lực nhiều hơn để về đích, đảm bảo các mục tiêu IPv6, IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn đến năm 2025, cũng như định hướng xây dựng chương trình cho giai đoạn tiếp theo.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng chỉ đạo cụ thể những công việc cần quyết liệt triển khai và các chỉ tiêu cần đạt của từng nhóm đối tượng. Đơn cử, nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet - ISP, dịch vụ di động, trung tâm dữ liệu – IDC, dịch vụ đám mây, nội dung số, OTT/Media cần đảm bảo hạ tầng cung cấp dịch vụ IPv6 toàn diện, liên tục tới toàn bộ thuê bao, có giám sát và theo dõi định kỳ, thực hiện đúng cam kết về số lượng kích hoạt thuê bao mới.

Nhóm doanh nghiệp này còn được yêu cầu tập trung thay thế thiết bị đầu cuối không hỗ trợ IPv6 theo lộ trình chủ động của doanh nghiệp, hoàn thành trong các năm 2024 và 2025; cung cấp dịch vụ IPv6 mặc định cho các dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; chuyển đổi sang sử dụng IPv6 cho các dịch vụ OTT/Media; triển khai các gói dịch vụ tư vấn, dịch vụ chuyển đổi IPv6 dành riêng cho nhóm cơ quan nhà nước.

Với nhóm cơ quan nhà nước, công tác chuyển đổi IPv6 của nhóm này cần bám sát yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu của ‘Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021 – 2025’, với mục tiêu đặt ra cho năm 2024 là trên 90% bộ, ngành, các địa phương chuyển đổi IPv6 thành công cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công. Bên cạnh đó, VNNIC và một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT được phân công nhiệm vụ cần thực hiện trong năm nay.

“Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hãy xác định tinh thần phối hợp đồng bộ, quyết tâm, đẩy nhanh công tác IPv6 để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch đặt ra”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kêu gọi.

Chỉ tiêu chuyển đổi sang IPv6 các doanh nghiệp cần đạt trong năm 2024

- VNPT, Viettel, FPT Telecom, MobiFone cần đạt 95% thuê bao FTTH và thuê bao di động hoạt động với IPv6; tỷ lệ sử dụng IPv6 trên toàn mạng doanh nghiệp đạt từ 80% trở lên. Những doanh nghiệp còn lại cần quyết liệt triển khai, đạt tối thiểu 50% tỷ lệ sử dụng IPv6.

- Các doanh nghiệp nội dung, cơ quan báo chí lớn hoàn thành chuyển đổi IPv6 trong năm nay.

- Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho cơ quan nhà nước cần đồng bộ, triệt để kích hoạt dịch vụ IPv6, hỗ trợ các cơ quan nhà nước chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng thông tin, cổng dịch vụ công và mạng truy cập của các cơ quan

Theo VNN

Đọc thêm

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan Công nghệ số

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan

TTTĐ - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký văn bản yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan.
Mô hình kích hoạt tăng trưởng bền vững cho thương hiệu trên TikTok Shop Công nghệ số

Mô hình kích hoạt tăng trưởng bền vững cho thương hiệu trên TikTok Shop

TTTĐ - Đánh dấu cột mốc 2 năm tăng trưởng ấn tượng và dẫn đầu xu hướng Shoppertainment tại Việt Nam, TikTok Shop đã tổ chức thành công sự kiện TikTok Shop Summit 2024 với chủ đề “Giải pháp toàn diện thúc đẩy tăng trưởng bền vững” (One-stop Solution for Sustainable Growth).
Triệt tiêu gian lận bằng thu phí không dùng tiền mặt Công nghệ số

Triệt tiêu gian lận bằng thu phí không dùng tiền mặt

TTTĐ - Ngày 15/4, quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) bắt đầu thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 16 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tĩnh. Các đơn vị liên quan bước đầu hoàn tất công tác chuẩn bị thí điểm ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành các bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe trên địa bàn.
Làm sao bảo vệ an toàn thông tin, dữ liệu trong kỷ nguyên số? Công nghệ số

Làm sao bảo vệ an toàn thông tin, dữ liệu trong kỷ nguyên số?

TTTĐ - Theo các chuyên gia công nghệ, trong kỷ nguyên số, rủi ro mất an toàn thông tin (ATTT) là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất đối với các doanh nghiệp.
Khám phá bên trong "cứ điểm" của Samsung tại Đông Nam Á Chuyển đổi số

Khám phá bên trong "cứ điểm" của Samsung tại Đông Nam Á

TTTĐ - Được khánh thành và đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2022, Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung Việt Nam (SRV) đã hiện thực hóa kế hoạch của Samsung trong việc đưa Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu để trở thành cứ điểm chiến lược về nghiên cứu và phát triền của tập đoàn.
Chuyển đổi số góp phần đổi mới ngành Y tế Chuyển đổi số

Chuyển đổi số góp phần đổi mới ngành Y tế

TTTĐ - Ngày 10/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá các hoạt động chuyển đổi số năm 2023 và Kế hoạch hoạt động năm 2024. Hội nghị được kết nối với 1.200 điểm cầu ở 63 tỉnh/ thành phố.
Tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng Công nghệ số

Tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng

TTTĐ - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 33/CĐ-TTg ngày 7/4/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Ra mắt cẩm nang phòng chống, giảm thiểu rủi ro từ tấn công Ransomware Công nghệ số

Ra mắt cẩm nang phòng chống, giảm thiểu rủi ro từ tấn công Ransomware

TTTĐ - Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xây dựng cẩm nang về một số biện pháp phòng chống, giảm thiểu rủi ro từ tấn công Ransomware cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp...
Chữ ký số - "chìa khoá" xây dựng công dân số, chính quyền số Chuyển đổi số

Chữ ký số - "chìa khoá" xây dựng công dân số, chính quyền số

TTTĐ - Việc phổ cập chữ ký số cá nhân sẽ giúp giải quyết tất cả các thủ tục hành chính qua mạng, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm thiểu chi phí hành chính. Đồng thời, chữ ký số cá nhân còn có thể ứng dụng để thay thế việc xác thực bằng mã OTP trong các giao dịch ngân hàng, tài chính với tính bảo mật cao hơn.
Chuyển đổi số là yếu tố "sống còn" với doanh nghiệp du lịch Nhịp sống phương Nam

Chuyển đổi số là yếu tố "sống còn" với doanh nghiệp du lịch

TTTĐ - Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong tại hội thảo “Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch cập nhật xu hướng thế giới” diễn ra tại TP HCM.
Xem thêm