10 sự kiện nổi bật ngành Công thương năm 2016
![]() |
1. Ngành Công Thương đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập (14/5/1951 - 14/5/2016)
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành Công Thương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, với kết quả đạt vượt mức nhiều chỉ tiêu, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngành Công Thương đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập
Đặc biệt, giai đoạn 2006 - 2015, ngành Công Thương đã có những đóng góp quan trọng đối với cả nước như: Giá trị sản xuất công nghiệp toàn Ngành có tốc độ tăng trưởng bình quân 12,2%/năm; xuất khẩu bình quân tăng trưởng 17,5%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân tăng 21%/năm. Hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa đã bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ với giá cả khá ổn định các nhu cầu hàng hóa, dịch vụ cho sản xuất và tiêu dùng xã hội…
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Công Thương (14/5/1951 – 14/5/2016), để ghi nhận những thành tích xuất sắc của Bộ Công Thương đã đóng góp cho sự nghiệp phát triển của ngành Công Thương nói riêng, sự phát triển của kinh tế đất nước nói chung, ngày 13 tháng 4 năm 2016, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 750/QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Bộ Công Thương.
2. Thủy điện Lai Châu khánh thành sớm hơn một năm so với kế hoạch
Ngày 20/12/2016, tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức Lễ Khánh thành công trình Thủy điện Lai Châu, vượt tiến độ hoàn thành sớm 01 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.
Thủy điện Lai Châu khánh thành sớm hơn một năm so với kế hoạch
Dự án Thủy điện Lai Châu với tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng là công trình xây dựng cấp đặc biệt và là công trình thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên sông Đà, gắn liền với thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình. Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện Quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm đạt khoảng 4,7 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
3. Đẩy mạnh việc kiện toàn công tác cán bộ và triển khai xây dựng cơ cấu tổ chức mới nhằm khắc phục các vấn đề đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận.
Thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 10 tháng 10 năm 2016, Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 13 tháng 10 năm 2016 về việc kiện toàn công tác tổ chức cán bộ theo Nghị quyết của Ban cán sự đảng.
Trên cơ sở đó, công tác tổ chức cán bộ được đẩy mạnh thực hiện kiện toàn trên cả 3 phương diện: hoàn thiện các quy chế, quy định nội bộ về tiêu chuẩn bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt, đánh giá cán bộ; xây dựng phương án kiện toàn nhân sự và kiện toàn bước đầu các vị trí nhân sự chủ chốt theo phương châm ưu tiên bố trí, sử dụng các cán bộ lãnh đạo trẻ, có năng lực, nhiệt huyết với công việc, dám nghĩ, dám làm, tạo lực lượng nòng cốt trong công tác cán bộ; kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp theo hướng tinh gọn, tránh sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
4. Đột phá trong công tác cải cách hành chính: Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ online.moit.gov.vn vận hành; bãi bỏ và đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính.
Ngày 23/12/2016, Bộ Công Thương khai trương Cổng Dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương và Dịch vụ công mức độ 4 Dán nhãn năng lượng.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương (http://online.moit.gov.vn) khi đưa vào hoạt động sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện khai báo hồ sơ trực tuyến tại Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương khai trương Cổng Dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương
Việc triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến được người đứng đầu ngành Công Thương - Trần Tuấn Anh đánh giá là một cố gắng lớn của các đơn vị thuộc Bộ, nhằm thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ của Bộ Công Thương đối với cộng đồng doanh nghiệp.
5. Giàn khoan Tam Đảo 05 tự nâng do Việt Nam chế tạo hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào hoạt động.
Công trình giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 do Vietsovpetro làm chủ đầu tư và PV Shipyard làm tổng thầu, là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia. Đây là giàn tự nâng lớn nhất từ trước đến nay do Việt Nam tự thiết kế và chế tạo. Công trình được thiết kế theo mẫu JU-2000E hiện đại nhất của hãng Friede & Goldman (Mỹ).
Giàn Tam Đảo 05 có tổng khối lượng hơn 18 nghìn tấn, chiều dài thân giàn 167 m, khả năng chất tải 2.995 tấn. Đây là công trình có tính chất công nghệ rất phức tạp, khối lượng thi công lớn (lớn hơn 1,5 lần so với giàn khoan đầu tiên – giàn Tam Đảo 03). Giàn được thiết kế hoạt động ở độ sâu mực nước biển tới 120m, khả năng khoan tới độ sâu 9.000m và có khả năng chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chịu được sức gió bão trên cấp 12, chiều cao sóng 22m. Giàn khoan Tam Đảo 05 có giá trị 230 triệu USD.
6. Sabeco và Habeco niêm yết trên sàn chứng khoán
Ngày 7/9/2016, Văn phòng Chính phủ có công văn số 281/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, trong đó có việc thoái vốn Nhà nước tại Habeco và Sabeco.
Sabeco và Habeco niêm yết trên sàn chứng khoán
Habeco: đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn Upcom từ ngày 28/10/2016 và đã ký hợp đồng tư vấn niêm yết trên sàn HOSE, dự kiến hoàn thành việc chấp thuận niêm yết vào ngày 20/1/2017; Sabeco: đã thực hiên việc niêm yết trên sàn HOSE từ ngày 6/12/2016.
7. Năm 2016 ghi nhận nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được các chỉ tiêu của ngành.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,19%; xuất khẩu tăng trưởng 8,6%, cán cân thương mại thặng dư 2,68 tỷ USD; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,4%.
8. Pháp lệnh Quản lý thị trường được ban hành
Ngày 8/3/2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường. Pháp lệnh này là văn bản pháp luật cao nhất từ trước tới nay cho lực lượng quản lý thị trường và là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường.
9. FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực, mở ra những cơ hội lớn cho xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam
Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (gồm 5 nước LB Nga, CH Belarus, CH Kazakhstan, CH Armenia và CH Kyrgyzstan) được ký kết chính thức ở cấp Thủ tướng Chính phủ, nhân danh Nhà nước vào ngày 29/5/2015 tại thị trấn Burabay, Cộng hòa Kazakhstan. Hiệp định đã có hiệu lực từ ngày 5/10/2016.
Việc ký kết và thực thi các cam kết của Hiệp định này được mong đợi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư song phương, đặc biệt là đối với lĩnh vực thương mại hàng hóa, với mức hai bên cam kết mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương vào thời điểm ký kết.
10. Ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương.
Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường gia tăng, xảy ra nhiều sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của các tầng lớp nhân dân, đe dọa sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19 tháng 10 năm 2016 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân đạt 55 - 60% GRDP

Đà Nẵng là điểm đến đầu tư tin cậy cho đối tác Nhật Bản

Petrovietnam tạo đà cho chiến lược dài hạn

Cà Mau khởi đầu hành trình mới với chuyển đổi số là đột phá

Thay đổi nhỏ nhiệt độ điều hoà, tạo khác biệt lớn trong hóa đơn

Không lo thiếu vốn nhờ gói lãi suất thấp nhất thị trường của VPBank

PV GAS vượt kế hoạch 6 tháng đầu năm 2025, tăng tốc cho giai đoạn cuối năm

Cà Mau khơi thông “mạch nguồn” kinh tế biển

Pháp luật về hợp đồng lao động trong xu hướng phát triển kinh tế nền tảng ở Việt Nam
