70 năm bồi đắp tri thức, gìn giữ nét đẹp thanh lịch, văn minh
Lan tỏa hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, trí tuệ Lễ trao giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VII |
Thành tựu vươn tầm khu vực, quốc tế
70 năm chiều dài lịch sử song hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thủ đô luôn là đơn vị tiên phong tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục. Đặc biệt, từ năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tuy sau hợp nhất gặp vô vàn khó khăn song chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao một cách thực chất.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc đến Sở GD&ĐT Hà Nội (Ảnh: Phạm Mạnh) |
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh: Cho đến nay, quy mô giáo dục của thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ. Năm học 2023 - 2024, toàn thành phố có 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp (tăng 39 trường mầm non, phổ thông so với cùng kỳ năm trước), với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên.
Ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả toàn diện ở các cấp học, ngành học, hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm đã đề ra.
Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố đạt gần 80%. Thành phố đã công nhận được 23 trường chất lượng cao, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên trên địa bàn thành phố. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên.
Cô và trò trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm (Ảnh: Thanh Tùng) |
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT chung toàn thành phố đạt 99,81%, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11).
Toàn thành phố có 194/269 trường có tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100% - tăng 54% so với năm 2023. Điểm trung bình nhiều môn của thí sinh Hà Nội đều tăng so với điểm trung bình của cả nước như các môn: Toán, Văn, Lý, Sử, Ngoại ngữ...
Về chất lượng giáo dục mũi nhọn, học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia - cao hơn năm 2023: 43 học sinh đoạt giải. Học sinh Thủ đô đoạt 2 giải Nhất, 1 giải Ba tại Kỳ thi Khoa học kỹ thuật quốc gia; 35 học sinh đoạt giải quốc gia trong Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm học 2023 - 2024. Đặc biệt, học sinh Hà Nội đoạt 2 huy chương vàng Olympic môn Sinh học, Hóa học năm 2024.
Trong năm học 2023 - 2024, các trường THPT đã tổ chức kết nạp Đảng cho 200 học sinh, bằng hơn 2 lần so với năm học 2022 - 2023 (92 học sinh).
Với những kết quả toàn diện đã đạt được, sự nghiệp giáo dục Thủ đô được thành phố ghi nhận, bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2023: “Đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế”.
Với những đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước, 70 năm qua, ngành Giáo dục Thủ đô hai lần vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, nhiều Bằng khen, Cờ Thi đua của TP Hà Nội, Bộ GD&ĐT...
Học sinh trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm (Ảnh: Thanh Tùng) |
Tuy nhiên, niềm tự hào lớn hơn tất thảy những khen thưởng trên chính là ngành giáo dục Thủ đô đã hoàn thành trọng trách “trồng người” trong việc phát hiện và bồi dưỡng những tài năng của Hà Nội; giáo dục các thế hệ “học sinh Thủ đô” trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế tri thức, đóng góp tài năng, trí tuệ của mình vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Niềm tự hào của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội
Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngành Giáo dục Thủ đô, nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể tự hào về một nền giáo dục Thăng Long - Hà Nội, mà ở đó, ngành Giáo dục Thủ đô đã góp phần rất lớn vào việc vun đắp và phát triển cho nền giáo dục chung của cả nước. Thầy và trò Hà Nội đã cùng nhau phát huy những nét đẹp trong truyền thống xây dựng trí tuệ và nhân cách người Hà Nội trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô thành một thành phố văn minh và giàu đẹp; xứng đáng là Thủ đô của Việt Nam ngàn năm văn hiến.
Nhận thức rõ mục tiêu của giáo dục không chỉ là tri thức mà còn là giáo dục đạo đức, hoàn thiện kĩ năng sống. Vì vậy, giáo dục nếp sống văn minh thanh lịch cho học sinh đã được ngành giáo dục Hà Nội chú trọng triển khai.
Cho đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đã biên soạn và đưa vào giảng dạy bộ Tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh. Theo đó, bộ tài liệu đã đề cập các nội dung giáo dục từ những điều đơn giản đến các bình diện và lĩnh vực tinh tế, thiết thực.
Với thời gian hơn 13 năm được giảng dạy trong các trường học, bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh của ngành Giáo dục Thủ đô đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Nội dung các bài giảng được thiết kế phù hợp với từng lớp học, phù hợp với tâm sinh lý của học sinh. Nhờ vậy ứng xử của học sinh trong các mối quan hệ với thầy cô, cha mẹ, bạn bè, anh chị lớp trên, với người cùng tham gia giao thông… đều có sự chỉn chu, hòa nhã hơn; đồng thời, góp phần giáo dục các em học sinh về thái độ và hành vi cần có trong sinh hoạt, giao tiếp…
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khẳng định vị thế dẫn đầu, xây dựng Hà Nội là trung tâm tiêu biểu cả nước về giáo dục chất lượng cao, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Cùng với các giải pháp quan trọng khác đang triển khai như phát triển mạng lưới trường học; tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, ưu tiên đầu tư cho các trường học ở địa bàn khó khăn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, Hà Nội đang nỗ lực xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục… nhằm nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục của Thủ đô.