9X khởi nghiệp thành công từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Kỹ sư cơ điện đam mê làm nông hiện đại
Nguyễn Việt Lâm (sinh năm 1992), là cựu sinh viên khoa Cơ điện - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Thời còn ngồi trên giảng đường, thành tích học tập của cậu luôn đứng trong top 15 người có thành tích tốt nhất khoa, cũng là một trong những sinh viên được tập đoàn Nistan của Nhật liên kết với trường đào tạo chuyên sâu.
Tốt nghiệp đại học, Lâm lựa chọn làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài để học cách thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức. Bốn năm ở Thủ đô, khi thì làm kỹ sư hóa dầu, khi thì làm kỹ sư cơ điện, cậu học được rất nhiều thứ. Đặc biệt trong đó phải kể đến là việc sử dụng ngoại ngữ để phục vụ dịch sách khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp.
Năm 2017, bỏ lại công việc ổn định với mức lương 15 triệu đồng/tháng mà nhiều người mơ ước, Lâm trở về quê hương Tuyên Quang lập nghiệp. Chia sẻ về quyết định, cậu nói: “Thú thật làm kinh tế trang trại là đam mê từ lúc còn là học sinh của tôi. Tôi luôn ấp ủ dự định làm kinh tế trang trại nhưng là làm nông nghiệp hiện đại nên đã kiên trì hai năm dịch tất cả các loại sách, tài liệu liên quan đến sản xuất nông nghiệp, phương pháp trồng rau, quả bằng thủy canh của người Nhật. Khi kiến thức đã hòm hòm mới quyết định về quê lập nghiệp”.
Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Công ty Sơn Dương Green Farm |
Có vốn tích góp, Lâm tập trung vào cây nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao ở vùng chân núi thôn Khuôn Phầy ở Tuyên Quang. Qua tài liệu trên Internet và tham khảo kinh nghiệm những nước nông nghiệp tiên tiến, cậu lựa chọn trồng ba loại cây là rau ăn lá ngắn ngày, chè và dưa lưới. Thời gian đầu, cậu tập trung trồng các loại rau như cải, dưa chuột…
Chuẩn bị kỹ càng, đầu tư học hỏi, ấy vậy mà khi bắt tay vào làm cậu mới nhận thấy lý thuyết và thực tế khác nhau khá nhiều. Trên khu đất rộng hơn 20ha, Lâm dựa vào sức của chính mình và sự hỗ trợ từ phía gia đình để khai phá, giải phóng mặt bằng, thiết kế nhà kính, xử lý nước, đất, hệ thống máng trồng. Thời gian đó, cậu dựng lán bạt ở lại chân núi gần như cả ngày. Dầm mưa, dãi nắng nhiều, bạn bè đến thăm còn không nhận ra vì nhìn cậu đen nhẻm.
Nỗ lực suốt 2 năm, khu trang trại nông nghiệp 4.0 của Lâm dần được quy hoạch bài bản, tự động hóa. Từ quạt mát, phun sương tưới ẩm đến hệ thống đường ống dẫn nước lập trình sẵn, có cảm biến để điều hòa độ ẩm, mực nước. Năm 2019, Lâm đã có một khu nhà kính rộng hơn 1.000m2, khu đóng gói, khu hầm chứa vi chất dinh dưỡng. Hiện tại, diện tích nhà kính còn mở rộng hơn gấp nhiều lần để tập trung trồng dưa lưới công nghệ cao.
Thành công từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ
Đầu năm 2018, lứa rau trồng thử nghiệm theo hướng công nghệ cao đầu tiên thành công, Lâm vui không ngủ được. Chất lượng đảm bảo, cậu bắt tay vào sản xuất đồng loạt ở lứa thứ hai cung cấp ra thị trường. Sau khi có chứng nhận an toàn thực phẩm, cậu làm tem truy xuất nguồn gốc cam kết chất lượng, xây dựng thương hiệu Công ty TNHH MTV Sơn Dương GREENFARM.
Năm 2019, sản phẩm rau sạch thủy canh do công ty Lâm sản xuất được bày bán ở các chuỗi cửa hàng rau sạch ở Hà Nội, Vĩnh Phúc và một ít ở thành phố Tuyên Quang. Các loại rau cải cậu bán ra với giá khoảng 25 nghìn đồng/kg, chênh lệch so với rau trồng truyền thống khoảng 7-8 nghìn đồng nhưng đảm bảo an toàn và dinh dưỡng.
Lâm chăm sóc dưa lưới trong hệ thống nhà màng |
Giá thành sản phẩm cao hơn cộng với chi phí vận chuyển, Lâm bắt đầu gặp khó khăn. Ở trong thành phố thì không vấn đề nhưng vận chuyển rau đi thành phố khác tiền công rất lớn. Thành phẩm bị đội giá lên khá nhiều, khiến sức cạnh tranh suy giảm.
Mất ăn, mất ngủ nhiều đêm, cậu quyết định chuyển hướng tập trung sang trồng dưa lưới ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel. Dưa được trồng trên xơ dừa được kiểm soát nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng bằng hệ thống tự động. Lâm cho biết, so với rau ăn lá, vận chuyển dưa “khỏe” hơn nhiều. Cùng một chuyến xe, lượng dưa chở xuống xuôi thường gấp ba đến năm lần so với rau.
Trồng dưa vất vả hơn nhưng kết quả thu lại cũng cao hơn nhiều lần. Thời điểm hiện tại, Green Farm do Lâm làm giám đốc đã có doanh thu hàng năm lên đến hàng tỷ đồng. Công việc tại trang trại cũng tạo việc làm thường xuyên cho 7 người, chủ yếu là lao động nữ ở địa phương.
Hệ thống nhà màng nông nghiệp do Lâm xây dựng đủ sức chắn mưa, che nắng, đồng thời ngăn chặn sự tấn công của côn trùng. Toàn bộ chế độ dinh dưỡng chăm sóc cho cây trồng được quản lý bằng hệ thống tự động hoàn toàn. Điều đó vẫn chưa làm giám đốc trẻ Nguyễn Việt Lâm hài lòng. Cậu cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp đầu tư để xây dựng hệ thống mái che tự động bên ngoài thay vì thực hiện thủ công như hiện tại.
Ngoài ra, Lâm cũng dự định sẽ tiếp tục hiện đại hóa tủ điều khiển trung tâm. Ngoài các tính năng hiện có như đo nhiệt độ và độ ẩm không khí, cậu mong muốn phát triển để hệ thống có thể dẫn điện, đo cường độ bức xạ mặt trời, cường độ ánh sáng… từ đó hướng đến việc xuất khẩu dưa lưới ra thị trường nước ngoài.