Ai mạo hiểm cho vay 450 tỷ trái phiếu rót vào dự án sai phạm Halla Jade Residence?
Công ty Sao đỏ Đà Nẵng vay 450 tỷ trái phiếu cho dự án sai phạm Halla Jade Residence Kiểm toán Nhà Nước “vạch” sai phạm tại dự án Halla Jeda Residence Đà Nẵng |
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, ngày 23/9 vừa qua, Công ty Cổ phần Sao đỏ Đà Nẵng (Danang Red Star) đã phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo đảm bằng tài sản.
Theo đó, lô trái phiếu này có kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cố định 10,5%/năm, được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lại tại 5 lô đất tại Đà Nẵng có Giấy chứng nhận số BY 790000, CK 329251, CĐ 671213, CR 809321 và CR 809324. Tài sản bảo đảm của lô trái phiếu được định giá ở mức 882,5 tỷ đồng.
Được biết, số tiền thu được từ đợt chào bán trái phiếu sẽ được Công ty Cổ phần Sao đỏ Đà Nẵng sử dụng để hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Kreves Halla Land thực hiện dự án Halla Jade Residence.
Trái chủ của lô trái phiếu là một công ty chứng khoán trong nước và một nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Thương vụ được thu xếp bởi Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SBS) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Bất chấp cảnh báo rủi ro qua việc phát hành trái phiếu, Công ty Cổ phần Sao đỏ Đà Nẵng vẫn vay được 450 tỷ đồng |
Được biết, trước đó, ngày 7/10/2020, đối tác của Công ty Cổ phần Sao đỏ Đà Nẵng, Công ty TNHH Kreves Halla Land đã huy động được 300 tỷ đồng từ kênh trái phiếu. Đáng chú ý, lô trái phiếu này cũng có kỳ hạn 1 năm, lãi suất cố định 10,5%/năm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Sao đỏ Đà Nẵng và Công ty TNHH Kreves Halla Land có mối quan hệ khá mật thiết với nhau.
Theo đó, cả hai pháp nhân này đều có trụ sở chính tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Đáng chú ý, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Sao đỏ Đà Nẵng và Công ty TNHH Kreves Halla Land đều do ông Nguyễn Thành Lân (SN 1972) nắm giữ.
Công ty Cổ phần Sao đỏ Đà Nẵng thành lập vào tháng 8/2003, hiện có vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Ngoài ông Lân nắm giữ vị trí Chủ tịch, Hội đồng quản trị công ty này còn hai thành viên khác là ông Đinh Ngọc Lộc (SN 1970) và bà Đinh Thị Kim Dung (SN 1973). Trong đó, ông Lộc chính là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Kreves Halla Land.
Trong khi đó, Công ty TNHH Kreves Halla Land được thành lập tháng 7/2008. Công ty có 2 cá nhân góp vốn gồm ông Nguyễn Thành Lân 206 tỷ đồng (chiếm 92,7%) và bà Lê Thị Thu Hiền góp 16,16 tỷ đồng (tương đương 7,3%).
Theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hồi tháng 3/2018, phần góp vốn và tỷ lệ vốn góp của ông Nguyễn Thành Lân giữ nguyên, trong khi phần còn lại của bà Hiền chuyển sang ông Đinh Ngọc Lộc. Ở thời điểm hiện tại, ông Lộc đang là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Kreves Halla Land.
Dự án Halla Jade Residence. (Ảnh: CTV) |
Về dự án Khu phức hợp Halla Jade Residence tọa lạc tại khu vực Đông Nam Đài tưởng niệm, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Kiểm toán Nhà nước khu vực III phát hiện dự án đã điều chỉnh công năng so với quy hoạch ban đầu được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.
Cụ thể, tại Khu đô thị phức hợp Halla Jade Residence do Công ty TNHH Kreves Hallaland làm chủ đầu tư, dự án đã không lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, theo quy định tại Điều 7 Luật Quy hoạch đô thị 2009; chưa đúng phê duyệt quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 khu vực dự án là đất cây xanh.
Dự án này cũng thực hiện chưa đúng theo quy hoạch phân khu trung tâm được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 1545/QĐ-UB ngày 27/3/2017, quy hoạch khu vực trên là quy hoạch thành 3 khu vực xây chung cư cao tầng; chưa lấy ý kiến cộng đồng dân cư và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường.
Đồng thời, dự án cũng chưa đảm bảo quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng QCXDVN: 01:2008/BXD về khoảng cách tối thiểu giữa các công trình.
Cụ thể, tại 14 lô đất xây dựng căn hộ, khách sạn cao tầng (Khu A2), thiết kế đô thị chưa đảm bảo khoảng cách đầu hồi và khoảng cách hai cạnh dài của các dãy nhà; các dãy nhà vượt 60m chưa đúng quy định; không bố trí một số công trình xã hội (nhà sinh hoạt cộng đồng, công viên, cây xanh đã bố trí 5.475m2, chưa đảm bảo mức tối thiểu là 2m2/người - tương ứng với diện tích tối thiểu cần bố trí là 7.000m2
Việc điều chỉnh quy hoạch không thoả mãn các quy định tại Điều 47 Luật Quy hoạch đô thị 2009.
Theo đó, khi điều chỉnh lần đầu (tổng thể đồ án) đã điều chỉnh từ 3 khu vực xây dựng nhà cao tầng thành 235 lô đất ở diện tích 34.956m2; 14 lô chung cư, khách sạn có diện tích 22.595m2 (25,55%); 1 lô xây dựng nhà cao tầng diện tích 4.587m2 (5,19%), diện tích còn lại là trường mẫu giáo, cây xanh và đường giao thông nhưng điều chỉnh cục bộ hoán đổi vị trí trường mẫu giáo (2.927m2) sang vị trí B2-1, đồng thời, điều chỉnh đất trường mẫu giáo thành đất phân lô.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước khu vực III, dự án chưa xây dựng hạ tầng xã hội, tuy nhiên, các lô đất đã được chuyển nhượng, chưa đảm bảo quy định tại khoản 1B Điều 41 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai.
Mặt khác, phần diện tích đất dự án tăng thêm 245m2 theo quy hoạch chi tiết điều chỉnh, chưa ban hành quyết định giao đất nhưng đã xác định giá, chuyển thông tin qua cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính là chưa đúng với quy định tại khoản 3 Điều 108 Luật Đất đai năm 2013.