Ấn Độ xuất hiện hình thức lừa đảo mời làm việc online tại nhà
Được biết, kẻ lừa đảo sẽ gửi những tin nhắn giả mạo các tập đoàn, công ty có tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nội dung các tin nhắn chủ yếu bao gồm thông tin ngắn gọn về công việc, thời gian làm việc, tiền lương trả theo ngày và đính kèm một đường link đăng ký. Sau khi bấm vào đường link, nạn nhân sẽ được trực tiếp trao đổi với đối tượng thông qua ứng dụng Whatsapp.
Sau khi trao đổi các thông tin về công việc, đối tượng lừa đảo sẽ gửi một đường link, yêu cầu nạn nhân truy cập nhằm hoàn tất thủ tục đăng ký và trả một khoản phí nhỏ. Đường link này sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin ngân hàng như số thẻ, ngày hết hạn, mã CVV... Những thông tin này sẽ được đối tượng sử dụng để thực hiện giao dịch chuyển tiền sang ngân hàng của bọn chúng.
Số tiền chúng chuyển sẽ tùy thuộc vào số dư trong tài khoản của nạn nhân, sau đó sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP. Nạn nhân sẽ tưởng rằng đây là giao dịch thanh toán khoản phí kể trên. Sau khi chiếm đoạt tiền thành công, các đối tượng sẽ chặn tin nhắn của nạn nhân, xóa hết các thông tin trên trang cá nhân.
Trước thực trạng lừa đảo như trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cảnh giác trước các tin nhắn lừa đảo với nội dung kể trên.
Nhận được những tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo thông qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook... người dân cần báo cáo tài khoản đó; không bấm vào bất cứ đường link nào mà đối tượng gửi, không cung cấp các thông tin cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào; Không cài đặt bất kỳ ứng dụng nào từ đường link lạ, không bật chế độ “cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định” trên điện thoại thông minh.
Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lập tức trình báo lực lượng chức năng nhằm truy vết và ngăn chặn đối tượng lừa đảo.