Án mạng đau lòng bắt nguồn từ mâu thuẫn trên mạng xã hội giữa các em học sinh
Công an tỉnh Nam Định vừa cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã tiến hành tạm giữ hình sự N.P.C (18 tuổi, học sinh lớp 12C6, Trường THPT An Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Đồng thời, đơn vị triệu tập một số người có liên quan để điều tra làm rõ vụ án mạng xảy ra chiều 8/5 tại xã Hải Phong (huyện Hải Hậu) khiến một nam sinh lớp 11 tử vong, một người khác bị thương.
Hiện trường xảy ra vụ việc nam sinh lớp 11 ở Nam Định bị đâm tử vong được camera nhà người dân gần đó ghi lại |
Theo thông tin từ công an, sự việc bắt nguồn từ mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook, N.P.C nghi ngờ Đ.H.A.P nói xấu mình trên mạng nên sáng 8/5, tại Trường THPT An Phúc, C đã tát P. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, một người bạn điều khiển xe đạp điện chở C về nhà.
Khi di chuyển đến xóm 4, xã Hải Phong (huyện Hải Hậu), C bị P cùng 4 người khác đều là học sinh trường THPT An Phúc chặn lại. Nhóm của P đã dùng tuýp sắt đánh C. Bị đánh, C lấy trong ba lô ra 1 thanh kim loại tự chế dài khoảng 13 cm đầu được mài nhọn đâm nhiều nhát về phía nhóm của P. Hậu quả, P tử vong trên đường đi cấp cứu còn 1 người khác trong nhóm P bị thương, đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định.
Liên quan đến vụ nam sinh Đ.H.A.P bị đâm tử vong, chiều 9/5, trao đổi với báo chí, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Nam Định, cho biết đã nhận được báo cáo của hiệu trưởng Trường THPT An Phúc (huyện Hải Hậu) về sự việc này.
"Phía nhà trường đang tích cực phối hợp với gia đình lo hậu sự cho nam sinh, đồng thời động viên người thân của nạn nhân. Nguyên nhân vụ việc đang được công an điều tra. Khi mọi việc được giải quyết, Sở GD-ĐT tỉnh sẽ làm việc trực tiếp với nhà trường, yêu cầu chấn chỉnh đối với trường này", ông Cao Xuân Hùng nói.
Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp tích cực điều tra, củng cố hồ sơ xử lý đối tượng gây án cũng như những đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.
Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), nêu quan điểm: Đây là vụ án hết sức đau lòng, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình nạn nhân và chính người thân của em học sinh gây án. Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên mạng xã hội giữa các em học sinh mới lớn dẫn tới em thiệt mạng, em bị thương.
Nam sinh gây án rồi đây cũng sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Bởi dù các em đang là học sinh, còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng theo quy định tại Điều 12, Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm”.
Khi một người 18 tuổi thực hiện hành vi tước đoạt trái phép tính mạng người khác thì người này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, đây cũng là bài học đắt giá cho các em học sinh. Những người làm cha, làm mẹ và các thầy cô giáo cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật để các em có cách ứng xử văn minh, thượng tôn pháp luật.
Luật sư Diện cho biết thêm, Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật”. Thông tin ban đầu từ cơ quan công an cho thấy, vụ án này có dấu hiệu phạm tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự, hình phạt cao nhất của tội danh này có thể là tử hình.
Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ nguyên nhân, hành vi phạm tội; làm rõ những người có liên quan dẫn tới án mạng để có căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ai phạm tội đến đâu sẽ xử lý đến đó, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật,
Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh cũng khuyến cáo các em học sinh cần tìm hiểu pháp luật và nhận thức được những hậu quả pháp lý cực kỳ nặng nề mình phải đối mặt khi thực hiện hành vi tội phạm. Các em ở gia đình còn có thể là con nhỏ của cha mẹ, ở trường là học sinh của thầy cô nhưng trước pháp luật các em là người đủ năng lực chịu trách nhiệm pháp lý với hành vi phạm tội của mình.
Các bậc cha mẹ cần quan tâm, phối hợp với nhà trường tuyên truyền nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật đặc biệt là pháp luật về hình sự với học sinh từ độ tuổi 14 trở lên. Nhà trường nên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khoá, mời cán bộ toà án, viện kiểm sát, công an về để trò chuyện, trao đổi cung cấp hiểu biết và kiến thức pháp luật hình sự cho các em học sinh; cảnh báo, hạn chế những hậu quả pháp lý đau lòng đối với các em độ tuổi học sinh.