Án mạng tại trụ sở tòa án huyện Lục Ngạn, Bắc Giang - hoạt động tố tụng chưa đảm bảo an toàn!
Rúng động án mạng xảy ra tại trụ sở tòa án
Công an huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang đang tạm giữ hình sự Dư Văn Thanh (SN 1983, ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn), để điều tra, làm rõ vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại trụ sở TAND huyện Lục Ngạn vào sáng 30/10, khiến chị Lưu Thị Hiền (SN 1989, vợ của đối tượng) tử vong. Không dừng lại ở đó, Thanh tiếp tục dùng dao đâm ông Lưu Văn Lừu (SN 1961, bố vợ Thanh) khiến nạn nhân trọng thương, và gây thương tích cho vị thẩm phán đang xét xử.
Sau khi gây án, Thanh đã tới Công an huyện Lục Ngạn đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội. Nguyên nhân vụ việc bước đầu được xác định do tức giận bố vợ kiện đòi tiền nên Thanh đã gây ra vụ trọng án.
Dư Văn Thanh - đối tượng gây ra vụ án mạng nghiêm trọng tại trụ sở TAND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Những vụ án tranh chấp dân sự thường căng thẳng, xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên xảy ra ẩu đả ngay tại trụ sở tòa án, thậm chí xảy ra án mạng, gây thương tích cho cả thẩm phán đang giải quyết vụ án là chuyện hiếm gặp ở chốn công đường. Án mạng xảy ra ngay tại trụ sở tòa án là chuyện không thể chấp nhận được.
Theo thông tin ban đầu của vụ án này thì nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng và mâu thuẫn đối với khoản vay của ông bố vợ khiến vụ việc vụ việc được đưa đến tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, đối tượng Thanh không chờ phán quyết của tòa án mà "tự xử" bằng cách dùng dao đâm chết vợ; Gây thương tích nghiêm trọng bố vợ và thẩm phán đang giải quyết vụ việc ngay tại trụ sở toà án.
Sự việc diễn ra chứng tỏ mâu thuẫn rất căng thẳng, kéo dài, đối tượng cảm thấy không có lối thoát nên đã mang theo dao để “tự xử” khi sự việc diễn ra không như ý muốn. Thậm chí, đối tượng này còn ra tay với cả thẩm phán đang tổ chức hòa giải, cho thấy tính côn đồ, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác.
Thông thường các đương sự sẽ tôn trọng cán bộ tòa án khi đang giải quyết vụ việc, sẽ lắng nghe và tuân theo yêu cầu và những hướng dẫn của thẩm phán. Tuy nhiên đối tượng này còn tấn công cả thẩm phán ngay tại trụ sở tòa án cho thấy có thể đối tượng này còn bức xúc với cả người đang giải quyết vụ việc.
Với hung khí nguy hiểm, đâm vào vùng trọng yếu một cách điên cuồng, mãnh liệt như vậy thì hoàn toàn có thể sát hại tính mạng của nhiều người, đối tượng hoàn toàn có thể nhận thức được. Việc ông bố vợ và vị thẩm phán không chết là do được cấp cứu kịp thời. Bởi vậy, hành vi của đối tượng được xác định là sử dụng hung khí nguy hiểm để gây án, có tính chất côn đồ và bị áp dụng thêm tình tiết là giết nhiều người. Với diễn biến sự việc như vậy thì đối tượng này sẽ phải đối mặt với hình phạt quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Sự việc gây hoang mang trong dư luận, làm mất uy tín của tòa án, mất an toàn trong hoạt động tố tụng, tước đoạt tính mạng, sức khỏe của nhiều người. Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, hung khí nguy hiểm không những không giải quyết được vấn đề mà làm cho sự việc càng trở nên phức tạp, bế tắc và đó chính là tội ác không thể tha thứ. Bởi vậy đối tượng này sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc, có thể sẽ là tử hình.
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp |
Chưa đảm bảo an toàn cho các đương sự
Theo luật sư Đặng Văn Cường, thời gian qua không ít những vụ việc mâu thuẫn dân sự không được giải quyết kịp thời dẫn đến việc các đương sự đâm chém lẫn nhau, gây ra những vụ án mạng kinh hoàng; Còn đối những với những vụ tranh chấp dân sự đã được đưa ra tòa án để xem xét giải quyết thì đó là cách để tháo "ngòi nổ" trong vụ việc, các đương sự sẽ tin tưởng vào phán quyết công tâm của tòa án và bớt xung đột, sẽ kiềm chế cảm xúc hơn.
Trong quá trình tố tụng, tòa án sẽ tổ chức các buổi hòa giải để dung hòa mâu thuẫn, tìm ra cách giải quyết phù hợp, thấu tình, đạt lý. Nếu hòa giải không thành thì tòa mới mở phiên tòa để xét xử, phân định đúng sai giữa các bên. Các buổi hòa giải tại tòa thường sẽ diễn ra ôn hòa, với sự điều hành của thẩm phán để đảm bảo các đương sự tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau, không dùng những lời nói, hành động mạt sát, xúc phạm lẫn nhau tại trụ sở tòa án.
Khi vụ việc đã được tòa án thụ lý giải quyết mà các bên vẫn không hòa giải, thỏa thuận được với nhau thì sẽ chờ vào phán quyết công bằng của tòa án. Khi đó các đương sự thường sẽ bình tĩnh, kiên nhẫn hơn bởi đã có cách giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật.
Tòa án là cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ công lý, tại trụ sở có bảo vệ, cảnh sát hỗ trợ tư pháp, có nội quy làm việc… Để xảy ra án mạng tại tòa, khi đang tổ chức hòa giải cho thấy vị thẩm phán chủ trì phiên họp chưa đảm bảo an toàn cho các đương sự, thậm chí có thể có lỗi trong hoạt động nghiệp vụ khi không kiểm soát được tình hình, để đương sự mang theo hung khí và gây án khiến bản thân thẩm phán cũng trở thành nạn nhân.
Theo nội quy của tòa án thì các đương sự không được phép mang theo súng, đạn, dao kiếm, chất độc, chất cháy, hung khí nguy hiểm vào trụ sở tòa án. Với những vụ việc phức tạp thì tòa án có thể yêu cầu lực lượng hỗ trợ tư pháp tham gia bảo vệ phiên tòa, duy trì an ninh trật tự tại phòng làm việc của tòa án.
Ngoài ra, tòa án còn có lực lượng bảo vệ để kịp thời xử lý các đối tượng gây rối, hung hãn. Khi vào buổi làm việc, thẩm phán và thư ký cũng nhắc nhở các đường sự tôn trọng quy tắc, nội qui trong buổi làm việc.
Trụ sở TAND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nơi xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng |
“Diễn biến sự việc trong vụ án này thể hiện tính chất mâu thuẫn, căng thẳng như thế nào và thái độ, cách giải quyết, chủ trì phiên hòa giải của thẩm phán cũng là vấn đề cần phải làm rõ để xem xét trách nhiệm của thẩm phán, của thư ký trong việc phổ biến nội qui, chủ trì phiên hòa giải. Để đối tượng gây án xong bỏ trốn khỏi hiện trường, điều này cho thấy lực lượng bảo vệ của tòa án đã không hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vậy cần phải xem xét trách nhiệm của lực lượng bảo vệ tòa án, trách nhiệm của cán bộ tham gia buổi hòa giải đã làm tròn trách nhiệm của mình hay chưa mà để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy?
Án mạng xảy ra ngay tại trụ sở tòa án cho thấy hoạt động tố tụng chưa đã bảo an toàn cho đương sự và cho cán bộ tòa án. Vấn đề này tòa án sẽ phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nếu có lỗi của cán bộ tòa án đối với sự việc thì cũng cần xem xét xử lý kỷ luật theo quy định; Đồng thời cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát những người tham gia tố tụng, phổ biến nhắc nhở nội qui buổi hòa giải, nội qui làm việc tại tòa án.;Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tòa án để xử lý những tình huống có vấn đề như vậy tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra”, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.