Angimex muốn vay 500 tỷ đồng trái phiếu: Nợ tăng đột biến, dòng tiền âm nặng
Ghế Tổng Giám đốc Angimex lại biến động “Ông lớn” lúa gạo Angimex bị “tuýt còi” vì vi phạm nghĩa vụ với cổ đông |
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã CK: AGM) vừa thông báo nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 24 tháng.
Lãi suất dự kiến 7%/năm, kỳ tính lãi 3 tháng/lần. Đây là lần đầu tiên AGM huy động thêm vốn thông qua phát hành trái phiếu.
Theo đó, trái phiếu phát hành là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bằng bất động sản và cổ phiếu do bên thứ ba thế chấp và bảo lãnh cho Angimex. Thời điểm dự kiến phát hành trong năm nay.
Đối tượng được tham gia mua trái phiếu là các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bên đứng ra tư vấn, đại lý phát hành, đăng ký lưu ký, thanh toán và quản lý chuyển nhượng là Công ty Cổ phần Chứng khoán BETA.
Về mục đích sử dụng, với 500 tỷ đồng thu về thì 150 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư mua nhà máy gạo tại Định Thành (An Giang) và 350 tỷ đồng còn lại được Angimex đầu tư mua nhà máy gạo tại Đồng Tháp.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã CK: AGM) |
Đáng chú ý, Angimex công bố phát hành trái phiếu trong bối cảnh nợ phải trả của công ty này đã tăng rất mạnh trong thời gian qua, từ con số 320 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2021 lên 1.114 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9/2021, tương ứng tăng 248%.
Trong đó, cơ cấu nợ của Angimex chủ yếu là nợ ngắn hạn, chiếm 99,7% tổng giá trị nợ phải trả. Nợ của công ty tăng cao chủ yếu do sự tăng vọt của vay tài chính ngắn hạn, với giá trị tăng từ 274 tỷ đồng hồi đầu năm, lên 945 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2021, tương ứng tăng 245%.
Mặt khác, tính tại thời điểm ngày 30/9/2021, vốn chủ sở hữu của Angimex ở mức 455,7 tỷ đồng, chưa bằng nửa số nợ phải trả. Như vậy có nghĩa là nguồn vốn của công ty chủ yếu được tài trợ bằng nợ.
Cơ cấu nợ của Angimex chủ yếu là nợ ngắn hạn, chiếm 99,7% tổng giá trị nợ phải trả |
Cũng tại thời điểm ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Angimex ở mức 1.569 tỷ đồng, cao gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, cơ cấu tài sản chủ yếu của công ty lại nằm ở khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tỷ trọng hàng tồn kho lớn luôn là mối quan ngại ít nhiều với nhà đầu tư, do tính chất tồn lâu, chôn vốn, chi phí phát sinh. Trong khi đó, tài sản cũng nằm ở khoản phải thu cũng có yếu tố rủi ro, bởi thực tế chỉ được ghi trên sổ sách chứ không nằm ở công ty.
Về kết quả kinh doanh, 9 tháng năm 2021, doanh thu của Angimex đạt 2.322 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 17,8 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, công ty khả năng khó đạt kế hoạch lợi nhuận đặt ra trong năm 2021.
Về dòng tiền, trong 9 tháng năm 2021, dòng tiền thuần trong hoạt động kinh doanh của Angimex âm 804 tỷ đồng. Trước đó, dòng tiền thuần kinh doanh 9 tháng 2020 cũng đã ghi nhận âm hơn 131 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Nếu dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về.
Trong một diễn biến khác, tháng 9/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã có văn bản nhắc nhở gửi Angimex nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật trên thị trường chứng khoán về hoạt động chi trả cổ tức năm 2020.
Theo đó, ngày 17/8 vừa qua, HOSE nhận được Nghị quyết số 41/NQ-HĐQT của Angimex về việc thông qua việc tạm hoãn cổ tức năm 2020 để tập trung nguồn vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian chi trả cổ tức năm 2020 sẽ được thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.
Theo khoản 4 Điều 135, Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên; đồng thời phải chốt danh sách cổ đông và tỷ lệ chi trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.
Tuy nhiên, việc Angimex chưa chốt danh sách cổ đông và tỷ lệ chi trả cổ tức đã vi phạm quy định này. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của cổ đông của Angimex và các nhà đầu tư, HOSE nhắc nhở công ty nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật trên thị trường chứng khoán.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục đưa ra cảnh báo việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thời gian qua đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia. Vì vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ. Đồng thời, Vụ Tài chính ngân hàng cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất. Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật. |