Anh trai Chủ tịch Tập đoàn Nam Long vi phạm giao dịch chứng khoán
Ngày 14/10, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Nguyễn Tiến Dũng (Địa chỉ: 52 Trần Trọng Cung, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP HCM).
Theo đó, ông Nguyễn Tiến Dũng bị phạt tiền 2,5 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính giao dịch ngoài khoảng thời gian sở giao dịch chứng khoán công bố thông tin.
Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) công bố thông tin ông Nguyễn Tiến Dũng là người liên quan (anh trai) ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (mã CK: NLG) đăng ký bán 5.000 cổ phiếu NLG từ ngày 12/5/2021 đến ngày 10/6/2021.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Dũng đã bán 5.000 cổ phiếu NLG (tương ứng 50.000.000 đồng mệnh giá) vào ngày 10/5/2021.
Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Long. (Ảnh: Internet) |
Theo tìm hiểu của phóng viên, Tập đoàn Nam Long được thành lập năm 2005, địa chỉ tại số 6 Nguyễn Khắc Viện, phường Tân Phú, quận 7, TP HCM. Hiện tại, ông Nguyễn Xuân Quang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật, trong khi Tổng Giám đốc là ông Trần Xuân Ngọc.
Tập đoàn Nam Long là doanh nghiệp có thương hiệu lớn trong giới bất động sản, nhận được nhiều giải thưởng vinh danh, nhưng cũng không ít lần công ty này bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm pháp luật về thuế.
Theo đó, giữa tháng 9/2020, Tập đoàn Nam Long bị Cục Thuế TP HCM xử phạt vi phạm hành chính do khai sai thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp với số tiền165,5 triệu đồng; đồng thời công ty cũng bị truy thu thuế 827,6 triệu đồng và 39,5 triệu đồng tiền chậm nộp thuế. Như vậy, tổng cộng Tập đoàn Nam Long phải nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng.
Trước đó, cuối tháng 11/2019, Tập đoàn Nam Long cũng bị Cục Thuế TP HCM phát hiện có hành vi kê khai sai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, trong hồ sơ khai thuế niên độ năm 2017, 2018 nên xử phạt và truy thu thuế hàng trăm triệu đồng.
Cuối tháng 12/2019, Tập đoàn Nam Long lại bị Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) xử phạt, truy thu thuế xấp xỉ 7 tỷ đồng khi tiếp tục có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp.
Tập đoàn Nam Long là doanh nghiệp có tiếng trong giới bất động sản. (Ảnh: NLG) |
''Việc doanh nghiệp khai sai thuế không phải hiếm, đây là việc bình thường nhưng một công ty mà liên tục vi phạm pháp luật về thuế thì tôi nghĩ cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt mạnh hơn, đồng thời phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ tránh tình trạng trốn thuế'', Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính sau soát xét, 6 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Nam Long ghi nhận doanh thu thuần 636,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 658,1 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế đạt 414 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 184,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, 6 tháng đầu năm 2021, dòng tiền kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn Nam Long lần lượt âm 676,8 tỷ đồng và 114 tỷ đồng; trong khi đó năm ngoái cũng âm lần lượt 568,6 tỷ đồng và 495 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực tài chính, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Nếu dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về, có nghĩa là doanh nghiệp này đang gặp áp lực về dòng tiền.
Tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Tập đoàn Nam Long ở mức 19.967 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 13.642 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản tăng đó chủ yếu là hàng tồn kho, khi khoản mục này tăng từ 6.069 lên mức 13.746 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của Tập đoàn Nam Long tập trung ở các dự án Izumi với 7.039 tỷ đồng; Hoàng Nam (Akari) với 2.668 tỷ đồng; Paragon Đại Phước với 1.708 tỷ đồng; Vàm Cỏ Đông (Waterpoint) với 1.174 tỷ đồng; Phước Long B mở rộng 90,8 tỷ đồng...
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, mọi hoạt động kinh doanh bị đình trệ, các doanh nghiệp không bán được hàng nên tỷ trọng hàng tồn kho sẽ tăng nhanh, đặc biệt là khối bất động sản.
Các chuyên gia đánh giá, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nếu nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn cho doanh nghiệp.
Hiện nay, tồn kho bất động sản của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán bao gồm tồn kho thành phẩm và tồn kho bán thành phẩm. Trong đó, tồn kho thành phẩm là sản phẩm đã hoàn thiện như căn hộ, nhà ở đưa ra thị trường nhưng không được giao dịch, làm mất tính thanh khoản của doanh nghiệp, trở thành cục nợ có thể dẫn đến nguy cơ phá sản nếu không thể biến lượng hàng tồn thành tiền.
Đối với tồn kho bán thành sản phẩm hay còn gọi là bất động sản dở dang chủ yếu ghi nhận giá trị quyền sử dụng đất, chi phí lãi vay đã được vốn hóa, chi phí thiết kế, chi phí xây dựng... của các dự án đang trong giai đoạn triển khai. Tuy nhiên, đó chỉ là mặt lý thuyết còn trên thực tế rất nhiều dự án thực hiện mãi không xong vì nhiều lý do cả về thủ tục pháp lý, vốn... nên cứ nằm dài trong mục bất động sản dở dang.
Cũng tại thời điểm ngày 30/6/2021, nợ phải trả của Tập đoàn Nam Long ở mức 10.304 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 6.922 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới 6.993 tỷ đồng, còn lại là nợ dài hạn.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 30/6/2021 ở mức 9.662 tỷ đồng. Như vậy, vốn chủ sở hữu thấp hơn tổng nợ phải trả, điều này lý giải cho việc nguồn vốn của Tập đoàn Nam Long chủ yếu được tài trợ bằng nợ vay.
"Với một công ty nào những chỉ số như nợ phải trả tăng cao, dòng tiền kinh doanh âm, hàng tồn kho cũng tăng đột biến đã tiềm ẩn những rủi ro về hoạt động tài chính của công ty, các nhà đầu tư cần thận trọng khi rót vốn ở các kênh như trái phiếu, cổ phiếu vào các doanh nghiệp như vậy", một chuyên gia tài chính đánh giá.