Áo dài: Nét đẹp văn hóa truyền thống của người phụ nữ Việt Nam
Lan tỏa nét đẹp áo dài truyền thống Việt Nam Hà Nội có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Thắp sáng ước mơ làm nhà thiết kế áo dài Lễ hội Thiếu nhi lần 2 sẽ có diễn áo dài, thi cờ người... |
Sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc
Khi nói đến trang phục truyền thống của người Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến “Áo dài” và khi nhắc đến áo dài Hà Nội là nhắc đến sự thanh lịch, tinh tế, nhắc đến vẻ đẹp của người Tràng An. Áo dài gắn bó với người Hà Nội trong cuộc sống thường nhật. Hơn nữa, áo dài là cả một câu chuyện lịch sử dài kỳ, đi theo những thăng trầm, biến thiên của Thủ đô và đất nước.
Trong lời ca tiếng hát từ thuở xưa, chưa bao giờ chiếc áo dài vắng bóng trên đường phố Hà Nội. Vào những ngày thời tiết đẹp, phụ nữ Hà Nội lại xúng xính, khoe sắc với muôn vẻ áo dài. Khắp các con phố từ Hồ Gươm, quanh phố Phan Đình Phùng, Phùng Hưng, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Kim Mã... đến các vườn hoa cúc họa mi, những bóng hồng duyên dáng trong tà áo dài luôn là một nét đẹp cuốn hút rất riêng của phụ nữ Hà thành mà hiếm có nơi nào có được.
Trang phục áo dài luôn được lựa chọn trong nhiều sự kiện, lễ nghi quan trọng |
Trải qua hàng trăm năm, tà áo dài truyền thống vẫn luôn được người Việt bảo tồn, phát huy giá trị qua nhiều thời kì và trân trọng truyền lại cho thế hệ mai sau. Không chỉ đơn thuần là một sản phẩm tiêu dùng, tà áo dài đã trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, biểu trưng cho vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt.
Áo dài của người phụ nữ Việt Nam được thiết kế khá đơn giản. Áo dài từ cổ đến chân, cổ áo thường là cổ tròn, ôm khít lấy cổ tạo vẻ kín đáo.Thân áo gồm thân trước và thân sau dài từ bả vai xuống mắt cá chân, dọc hai bên hông có đường xẻ từ eo xuống hết tà áo. Khuy áo thường được thiết kế từ cổ kéo sang vai rồi xuống ngang hông.
Không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài chụp ảnh kỷ niệm trên đường phố Thủ đô |
Thân áo may sát thân người để làm tôn lên những đường cong gợi cảm của người phụ nữ. Tay áo không có cầu vai, kéo dài từ cổ áo đến cổ tay. Áo thường được mặc kết hợp cùng quần lụa với đủ màu sắc khác nhau. Đặc biệt, áo dài thường được may từ nhiều loại vải khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là mềm, nhẹ, thoáng mát.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam cho biết: Áo dài Việt Nam là biểu tượng tượng trưng cho sự thuần khiết, giản dị nhưng cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa. Phát triển cùng dòng chảy lịch sử, tà áo dài truyền thống vẫn luôn được người Việt bảo tồn, phát huy giá trị qua nhiều thời kì và trân trọng truyền lại cho thế hệ mai sau.
Ngày nay, tà áo dài truyền thống đã được cách tân, biến tấu, phù hợp với đa dạng đối tượng và hoàn cảnh |
“Sứ giả” quảng bá du lịch Việt Nam
Ngày nay, cùng với xu hướng năng động, thay đổi của lối sống hiện đại, tà áo dài truyền thống đã được cách tân, biến tấu, phù hợp với đa dạng đối tượng và hoàn cảnh. Người mặc dường như có nhiều sự lựa chọn hơn trong thiết kế cũng như màu sắc và mẫu mã của chiếc áo dài. Nhờ vậy, chiếc áo dài cũng ngày càng được ứng dụng dễ dàng hơn trong cuộc sống hằng ngày.
Trong đời sống hằng ngày, áo dài được sử dụng trong nhiều sự kiện, từ những nghi lễ trang trọng trong gia đình, công sở, xã hội, ngoại giao… cho đến biểu diễn nghệ thuật, ứng dụng hằng ngày, nhất là vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền; trình diễn trong các kỳ Festival, tuần lễ thời trang, thi hoa hậu, người đẹp trong và ngoài nước…
Áo dài cũng được sử dụng biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trong các kỳ Festival, tuần lễ thời trang... |
Khác với những trang phục truyền thống của nhiều nước trên thế giới, mặc áo dài, phụ nữ Việt không cần tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch.
Có lẽ chính vì vậy mà áo dài - trang phục truyền thống đã “len lỏi” vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên và dễ dàng. Qua nhiều nghiên cứu, chiếc áo dài được khẳng định chính là một niềm kiêu hãnh của người Việt Nam, bởi không phải dân tộc nào cũng có trang phục mang vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa duyên dáng, gợi cảm như vậy.
Vì lẽ đó, ngoài việc gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, áo dài còn là “cầu nối”, là “sứ giả” trong việc quảng bá du lịch Việt. Khách du lịch khi đến Việt Nam, nhất là các nữ du khách thường chọn áo dài như món quà lưu niệm độc đáo, đặc sắc.
Áo dài cũng được sử dụng nhiều trong môi trường sư phạm |
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và cách tân cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại.
Đặc biệt, mặc dù trải qua các giai đoạn phát triển với những cải biến, cách tân, song các nhà thiết kế áo dài đã sử dụng ngày càng đa dạng chất liệu, thiết kế kiểu dáng, màu sắc, hoa văn, chiếc áo dài Việt Nam đang cho thấy sức sống mạnh mẽ. Áo dài đã vượt qua nhiều thử thách để vừa bảo lưu giá trị truyền thống tốt đẹp, tôn vinh người phụ nữ, hướng tới trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam hiện đại, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.