Bà Rịa - Vũng Tàu không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia
Bà Rịa - Vũng Tàu: Hơn 5.000 hecta cây trồng ứng dụng công nghệ cao Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục là "bến đỗ" cho nhà đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm khu công nghiệp gần 2.000 tỷ đồng |
Đi đầu trong xây dựng Nông thôn mới
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (NN&PTNT), thực hiện Chương trình "Mục tiêu Quốc gia" (MTQG) xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2010, đến nay, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, diện mạo nông thôn đã trở nên khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, từng bước gắn phát triển toàn diện nông thôn với cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo nền tảng ổn định chính trị, xã hội.
Huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thay "áo mới" khang trang, sạch, đẹp, đời sống Nhân dân địa phương được nâng cao |
Theo đó, trước khi triển khai xây dựng Nông thôn mới năm 2010, trung bình mỗi xã chỉ đạt 6 tiêu chí, mức thu nhập trung bình của người dân nông thôn chỉ đạt 14,5 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn vừa yếu vừa thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn.
Đến nay, sau gần 13 năm xây dựng Nông thôn mới, toàn tỉnh đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 37 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, 7/8 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới trong năm 2024.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng, phát triển nhiều hợp tác xã sản xuất các sản phẩm chất lượng cao đạt OCOP |
Toàn tỉnh đã có 145 sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP trong đó có 83 sản phẩm 4 sao và 62 sản phẩm 3 sao. Thông qua việc xây dựng Nông thôn mới và phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, thu nhập của người dân nông thôn đã được nâng lên, đạt trung bình 80 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, đối với các xã đã được công nhận Nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người đạt 88 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo đa chiều chuẩn quốc gia, trong đó huyện Châu Đức và huyện Côn Đảo không còn hộ nghèo theo chuẩn tỉnh.
Huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu lớn
Để đạt được những thành quả trên, Sở NN&PTNT đánh giá, trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, các địa phương trên toàn tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Giao thông nông thôn được lãnh đạo địa phương quan tâm, đầu tư, xây dựng bài bản |
Sau gần 13 năm xây dựng Nông thôn mới, toàn tỉnh đã huy động được 24 ngàn tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh đã phân bổ cho các địa phương là khoảng 6 ngàn tỷ đồng và huy động từ nguồn lực xã hội đạt 18 ngàn tỷ đồng. Nổi bật là toàn tỉnh đã huy động được hơn 3 ngàn tỷ đồng từ người dân tự nguyện đóng góp cho xây dựng Nông thôn mới.
Thông qua các nguồn vốn huy động được để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng nông thôn, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, hệ thống điện nông thôn, nước sạch nông thôn... Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng sự hưởng thụ trực tiếp cho người dân.
Trong giai đoạn 2016 đến nay, sau khi hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp đáp ứng phục vụ sản xuất cho người dân nông thôn, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện sản xuất. Các địa phương trên toàn tỉnh đã tập trung vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Nhiều mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản hiệu quả đã được phát triển, xây dựng theo chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao đã được triển khai. Đến nay, toàn tỉnh có 363 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với quy mô diện tích 5.208 ha; 138 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; 23 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 429,31 ha. Các cơ sở nông nghiệp công nghệ cao đã tham gia liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi đảm bảo ổn định.
Trung tâm huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Trải qua nhiều nỗ lực, đến nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt được nhiều thành quả như hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, thu nhập người dân ngày càng được nâng cao, các địa phương tiếp tục quan tâm đến chỉnh trang cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn về mặt tinh thần bằng các hoạt động như triển khai xây dựng các tuyến đường hoa, lắp đặt các dụng cụ tập luyện thể dục thể thao, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao được các địa phương nhân rộng.