Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiếp tục đẩy mạnh, phát triển nghề truyền thống
Bà Rịa - Vũng Tàu: Hướng đến GRDP đầu người vượt 10.000 USD Siêu khuyến mãi hàng hiệu sắp diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu Bà Rịa - Vũng Tàu ra quân thực hiện đợt cao điểm bảo đảm an ninh trật tự |
Ngành nghề nông thôn giúp nâng cao đời sống người dân
Ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ngành nghề nông thôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho một số bộ phận gia đình ở nông thôn, đặc biệt góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Nghề sản xuất truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền |
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 3.407 hộ, cơ sở với hơn 11.600 lao động, trong đó số lao động thường xuyên chiếm 75%, lao động thời vụ chiếm 25% tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, được chia thành các nhóm: Chế biến, bảo quản nông thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thuê ren, đan lát, cơ khí nhỏ; xử lý chế biến nguyên vật liệu; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cư dân nông thôn. Thu nhập bình quân của lao động đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn đạt hơn 3.698 tỷ đồng; trong đó, nhóm ngành chế biến, bảo quản, nông lâm thủy sản có giá trị sản lượng lớn nhất đạt trên 1.580 tỷ đồng, chiếm 42,7%.
Hiện nay có 6 nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã công nhận gồm: Nghề làm bún Long Kiên thuộc phường Phước Nguyên, thành phố Bà Rịa; nghề sản xuất rượu Hoà Long, xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa; nghề làm bánh hỏi An Nhứt huyện Long Điền, nghề sản xuất muối An Ngãi, huyện Long Điền; nghề sò ốc mỹ nghệ, thành phố Vũng Tàu và 1 làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có nghề truyền thống khác như nghề đúc đồng xóm Chuông (huyện Long Điền), nghề chế tác đá (Thị xã Phú Mỹ), nghề chế biến chả cá Phước Hải (huyện Đất Đỏ), nghề dệt lưới Sông Cầu (huyện Châu Đức) …
Hỗ trợ vật tư để làng nghề tiếp tục mở rộng
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết thêm, để cụ thể hóa các nội dung quy định tại Nghị định số 52/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và Quyết định 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Nghề sản xuất muối An Ngãi, huyện Long Điền |
Thời gian qua ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành rất nhiều Chương trình, Kế hoạch hỗ trợ phát triển ngành nghề truyền thống, trong đó tập trung chú trọng củng cố, đầu tư về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc, xây dựng thương hiệu, cải tạo mặt bằng sản xuất, hỗ trợ tín dụng, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đào tạo nghề cho các cơ sở sản xuất.
Theo đó, trong năm 2023, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp UBND các địa phương khảo sát, bàn giao hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất cho 26 hộ là các cơ sở ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: 15 hộ thuộc nghề truyền thống rượu Hoà Long, Thành phố Bà Rịa; 10 hộ thuộc nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền; 1 cơ sở thuộc nghề truyền thống sò ốc mỹ nghệ là Cơ sở sản xuất Thanh Thêm, thành phố Vũng Tàu.
Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời đã tạo điều kiện cho các ngành nghề truyền thống hoạt động ổn định và có chiều hướng phát triển mở rộng sản xuất, đa dạng sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống người lao động; bảo tồn các giá trị truyền thống, những bản sắc văn hóa của địa phương và góp phần xây dựng Nông thôn mới phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Ông Vũ Ngọc Đăng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT) trao giấy chứng nhận, giấy khen cho các chủ sản xuất các sản phẩm đạt OCOP trên địa bàn huyện Châu Đức |
Ngoài ra, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông nhàn; cải thiện và nâng cao đời sống nông thôn; bên cạnh đó thực hiện Chương trình OCOP đã thúc đẩy một số sản phẩm ngành nghề nông thôn nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ của địa phương tạo ra hàng hoá có giá trị kinh tế cao.
Cơ hội “vàng” để nghề truyền thống phát triển
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vừa qua UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ký Quyết định số 2181/QĐ-UBND về việc Phê duyệt nhiệm vụ thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2025.
Đây là vừa là cơ hội “vàng” vừa là thách thức cho nhiều nghề truyền thống và làng nghề truyền thống để trở thành sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương đạt chất lượng cao, tiêu chuẩn OCOP, có thể cạnh tranh các sản phẩm khác trong khu vực và quốc tế.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến người dân, doanh nghiệp về thực hiện Chương trình OCOP như thực hiện các chuyên mục, chuyên đề, xây dựng nhiều hình thức tuyên truyền trực quan nhằm giới thiệu, tuyên truyền, cổ vũ những mô hình tốt, cách làm hay, những gương điển hình tiên tiến về phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Các sản phẩm đạt OCOP của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được lan tỏa tại các diễn đàn, chương trình xúc tiến thương mại của các tỉnh thành trên cả nước |
Cùng với đó người dân, doanh nghiệp được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn triển khai, nâng cao năng lực quản lý về Chương trình OCOP do các Bộ, ngành tổ chức để cập nhật những kiến thức mới, những văn bản lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về triển khai thực hiện Chương trình OCOP.
Từ đó, góp phần giúp người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm; việc duy trì các tiêu chí đánh giá của sản phẩm OCOP và phát triển sản phẩm mới như số sản phẩm được duy trì, áp dụng các tiêu chí sản phẩm OCOP và sản phẩm đang hoàn thiện và định hướng phát triển sản phẩm áp dụng các quy trình sản xuất công nghệ tiên tiến (ISO, HACCP, VietGAP, hữu cơ…) để nâng hạng sao sản phẩm…
Ngoài ra, chương trình giúp hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP được đẩy mạnh như tỉnh tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ triển lãm, sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương…