Bắc Giang: Đồng bộ các giải pháp cho vấn đề lao động, việc làm
Bắc Giang: Triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp |
Chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động ở Bắc Giang |
Duy trì và mở rộng việc làm
Chương trình cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, các phòng giao dịch ngân hàng chính sách các huyện, tỉnh đã thực hiện cho vay đối với 2.602 khách hàng với số tiền 190 tỷ đồng; Qua đó giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động của địa phương. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 76 phiên (gồm 42 phiên định kỳ; 12 phiên online; 11 phiên lưu động và 11 phiên chuyên đề) với số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm 18.600 người.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phát huy đầy đủ vai trò, lợi ích của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Năm 2022, toàn tỉnh Bắc Giang có 1.731.147 người tham gia bảo hiểm y tế (tăng 35.953 người so với năm 2021), 385.733 người tham gia bảo hiểm xã hội (tăng 17.651 so với năm 2021), 329.608 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (tăng 5.452 người so với năm 2021).
Bước sang năm 2023, tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến cuối năm có khoảng 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 5,3% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; Khoảng 38,4% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Trong giai đoạn mới, Bắc Giang đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc được tư vấn miễn phí khi có nhu cầu; 90% người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu.
Giai đoạn đến năm 2030, 100% người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu, trong đó có từ 70% được giới thiệu việc làm thành công; Tiếp tục tăng tỷ lệ người hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng kỹ năng, tỷ lệ người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm.
Đồng thời, tỉnh đặt mục tiêu thực hiện việc chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, tài chính, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý và thực thi chính sách bảo hiểm thất nghiệp; 100% trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh được hiện đại hóa; Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt mức trên 90%.
- Người lao động được quan tâm duy trì việc làm |
Chỉ đạo sát sao
Để thực hiện những mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang đã đưa ra một loạt giải pháp đồng bộ. Hằng năm, tỉnh sẽ thực hiện tổ chức rà soát, đánh giá và tổng kết tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; Kịp thời đề xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các nội dung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, quy trình thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện và ngăn ngừa, hạn chế trục lợi.
Tỉnh Bắc Giang cũng sẽ đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nhằm phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Tỉnh Bắc Giang cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, hoàn thiện phần mềm bảo hiểm thất nghiệp, tích hợp với các phần mềm về quản lý lao động, thông tin thị trường lao động, thông báo biến động lao động. Đồng thời, tỉnh tập trung hoàn thiện và thống nhất cơ sở dữ liệu về quản lý lao động để thực hiện chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu liên ngành tài chính, thuế, lao động, bảo hiểm xã hội của tỉnh nhằm tăng hiệu quả quản lý đối tượng tham gia và thực thi chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tăng cường việc rà soát trước khi chi trả trợ cấp thất nghiệp để tránh trường hợp phải thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp vì số lượng người lao động bị thu hồi do có việc làm hiện nay vẫn tiếp tục gia tăng.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành và đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo nghề; Đẩy mạnh hiệu quả hoạt động giao dịch việc làm, thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ chỉ đạo sát sao Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang trong việc tuyên truyền Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013 của Quốc hội, Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ; Đa dạng hóa phương thức phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người sử dụng lao động và thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp.