Bài 1: Báo động tình trạng khẩn cấp
Điểm sạt lở nghiêm trọng gần đây nhất trên địa bàn tỉnh Cà Mau chính là đê biển Tây, khu vực từ vàm Đá Bạc đến Kinh Mới thuộc huyện Trần Văn Thời
Bài liên quan
WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV
Bài 1: Hạn mặn đến sớm và xâm nhập sâu hơn
Bài 2: Dân miền Tây “khát” nước ngọt
Bài 3: Đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại
Bài 4: Kịp thời nắm bắt tình hình và ứng phó có hiệu quả với hạn mặn
Diễn biến phức tạp
Trong những năm gần đây, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Trong đó, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển có xu hướng diễn ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng hơn, đe dọa trực tiếp đến tài sản, tính mạng của người dân. Đặc biệt, thời gian gần đây có rất nhiều khu vực bị sạt lở nguy hiểm nên UBND tỉnh Cà Mau phải ban hành quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển, bờ biển.
Đánh giá tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trong những năm vừa qua, đồng chí Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: Trung bình mỗi năm, bờ biển phía Đông của tỉnh Cà Mau bị sạt lở từ 30 - 40m, có những năm bị sạt sâu tới 50 - 60m. Còn bờ biển phía Tây của tỉnh, bình quân mỗi năm bị sạt lở khoảng 20m, tuy nhiên có năm bị mất tới 40m bờ biển.
Ban đầu, tình trạng sạt lở chỉ xảy ra tại một vài điểm trên địa bàn huyện U Minh. Những năm gần đây tình trạng sạt lở đã diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn các huyện Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi…
Hiện tại những điểm trên, tình trạng sạt lở diễn ra với tốc độ nhanh, bình quân mỗi tháng lấn sâu vào bên trong khoảng 20m, thậm chí có những điểm trên 50m/tháng. Tổng chiều dài các điểm sạt lở hơn 26,7km và cần được khắc phục khẩn cấp.
Trong mùa mưa bão, triều cường năm 2019, Cà Mau đã phải dùng mọi biện pháp kè chống để ngăn vỡ, nay lại sụt lún xuống có chỗ sâu hơn 2m, dài gần 200m trong mùa khô hạn |
Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 25km cửa biển, bờ biển và hơn 1,2km bờ sông sạt lở cần khẩn cấp xử lý.
Tại những vị trí này, có nhiều nơi sạt lở đã "uy hiếp" các khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân cần được xử lý gồm: Các cửa biển Rạch Gốc, Vàm Xoáy, Hốc Năng (huyện Ngọc Hiển); khu dân cư thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn); cửa biển Hố Gùi (huyện Đầm Dơi và huyện Năm Căn).
Ngoài sạt lở bờ biển, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh cũng đang diễn biến khá phức tạp, tập trung tại các huyện ven biển phía Đông như: Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển. Từ năm 2018 đến nay, đã có trên 3,4km bờ sông bị sạt lở.
Qua khảo sát, tỉnh Cà Mau hiện có 27 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài gần 38km. Đáng chú ý là xuất hiện 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài trên 4,8km, liên quan đến hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống, kinh doanh.
Tình trạng sạt lở tại tỉnh Cà Mau nhiều năm qua đã gây thiệt hại rất lớn, không chỉ diễn ra trong mùa mưa mà mỗi khi mùa khô đến cũng rất đáng lo ngại.
Cụ thể, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời xảy ra hàng trăm vụ sạt lở, sụt lún đất tại 91 tuyến kênh, rạch, với tổng chiều dài hơn 7km. Hiện các ngành chức năng và chính quyền địa phương đang tiến hành lập rào chắn và cắm biển cảnh báo ở những vị trí nguy hiểm. Đồng thời, khảo sát, mở đường tạm tại những đoạn lộ bị hư hỏng, nhằm đảm bảo cho người dân tham gia giao thông an toàn.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình giao thông, thủy lợi
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn toàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết: Tình hình thời tiết, thủy văn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang diễn biến ngày càng phức tạp. Mực nước trên hệ thống kênh, mương trong vùng ngọt hóa bị khô cạn rất nhanh. Một số kênh trục, kênh cấp I nước còn khoảng 0,3 - 0,5m; kênh cấp II, III đã khô cạn.
Hạn hán làm cho nguồn nước bị khô cạn, thiếu nước đã làm hơn 18.000ha lúa, rau màu bị thiệt hại, gần 43.000ha rừng đang trong tình trạng báo động cháy cao, một số cống ngăn mặn đã bị soi mọi, rò rỉ đáy.
Đặc biệt, hạn hán còn khiến cho hơn 1.000 vị trí công trình ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh rạch đã bị sụp lún, sạt lở, với chiều dài gần 22km, trong đó có cả các công trình qui mô lớn như tuyến đường Tắc Thủ - vàm Đá Bạc (tuyến đường đầu tư theo hình thức BT) và tuyến đê biển Tây cũng bị sụp lún. Hiện toàn tỉnh có hơn 20.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.
Điểm sạt lở nghiêm trọng gần đây nhất trên địa bàn tỉnh Cà Mau chính là đê biển Tây, khu vực từ vàm Đá Bạc đến Kinh Mới thuộc huyện Trần Văn Thời. Trong mùa mưa bão, triều cường năm 2019, Cà Mau đã phải dùng mọi biện pháp kè chống để ngăn vỡ, nay lại sụt lún xuống có chỗ sâu hơn 2m, dài gần 200m trong mùa khô hạn.
Đồng chí Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau kiểm tra tình trạng sạt lở đê biển Tây tại huyện Trần Văn Thời |
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đoạn đê được tính toán xây dựng kiên cố, không chỉ ngăn hạn mặn mà còn là huyết mạch giao thông từ cửa biển Đá Bạc về cửa biển Sông Đốc. Tuy nhiên sau chưa đầy một năm đưa vào sử dụng, tuyến đê đã "thất thủ" với hơn 200m sụt lún và toàn tuyến báo động nguy cơ sụt lún.
“Nguyên nhân ban đầu dẫn đến tình trạng sụt lún đê biển Tây có thể do hạn hán quá mức, kênh nội đồng phía trong khô kiệt, phía dưới thân đê đoạn này có chứa túi bùn, do không chịu được áp lực nên sụt lún và trồi bùn ra ngoài. Ngay sau khi xảy ra sự cố sụt lún, các Sở, ngành của tỉnh Cà Mau đã mời các chuyên gia, Bộ, ngành Trung ương về khảo sát, đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp để khắc phục”, đồng chí Tô Quốc Nam cho biết.
Hiện nay tình trạng sụt lún, sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra đối với công trình giao thông, thủy lợi vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau và tại thời điểm này mới bắt đầu vào mùa khô trên địa bàn. Việc khắc phục sụt lún, sạt lở cần phải xử lý khẩn cấp trước mùa mưa bão.
Đối với những vị trí sạt lở bình thường, tỉnh đã chỉ đạo gia cố bằng vật liệu địa phương như: Cừ dừa, cừ tràm, cây gỗ địa phương. Đối với những vị trí sụt lún, sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm sẽ đưa các giải pháp xây dựng công trình cơ bản.
Trước mắt, phía tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ, ngành Trung ương cùng các các nhà khoa học đầu ngành có nhiều kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề sụt lún, sạt lở hệ thống công trình giao thông, thủy lợi; Hỗ trợ giải pháp kỹ thuật để khắc phục, quy hoạch bố trí lại sản xuất, bố trí lại dân cư, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi một cách đồng bộ, hiệu quả.
(Còn nữa)