Quản trị tài chính nhằm hạn chế rủi ro tranh chấp trong kinh doanh
Ngày 30/10, tại khách sạn Riverside, Quận 1, TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản trị tài chính và đảm bảo an toàn pháp lý đối với doanh nghiệp” do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam (VTA) tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Khắc Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp nhấn mạnh: Lĩnh vực pháp lý và quản trị tài chính đóng vai trò quan trọng trong quản trị doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong quá trình quản trị, quản lý.
Ông Hà Khắc Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp phát biệu tại hội thảo |
Trong phần đầu của hội thảo, chủ đề “Chiến lược quản trị tài chính trong doanh nghiệp” được bàn luận bởi 3 diễn giả là nhà lãnh đạo, chuyên gia tài chính, gồm: Ông Phạm Xuân Hoà - Giám đốc Khối Tài chính - Kế toán, Tập đoàn Hưng Thịnh; bà Nguyễn Thị Bảo Khuyên - Giám đốc Tài chính, Công ty Giá Kho Group và ông Đinh Ngọc Triển - Kế toán trưởng, Công ty Cổ phần Searefico.
Theo ông Phạm Xuân Hoà, Giám đốc Khối Tài chính - Kế toán, Tập đoàn Hưng Thịnh, nhận đinh: "Tài chính là nguồn lực của doanh nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tập trung kinh doanh, doanh thu mà quên đi tầm quan trọng của việc quản trị tài chính. Trong khi đó, việc quản trị dòng tiền, doanh nghiệp cần xây dựng bộ máy quản trị chặt chẽ để tránh thất thoát, tránh thâm hụt nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh".
Ông Hòa cho biết, doanh nghiệp nào cũng có thời điểm phát triển mạnh mẽ và giai đoạn khủng hoảng. Trong những giai đoạn khó khăn như vậy, doanh nghiệp mới nhìn nhận và đánh giá đúng về nguồn lực nội tại.
Đơn cử như Tập đoàn Hưng Thịnh, trong những năm trước đây, doanh nghiệp phát triển tốt trong kinh doanh và có doanh thu cao trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, sau đại dịch, trong cơn khủng hoảng kinh tế chung, Hưng Thịnh cũng gặp khó khăn và phải tái cấu trúc bộ máy quản trị, tái cơ cấu hệ thống tài chính, do đó, doanh nghiệp mới vượt qua những thử thách trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Ông Phạm Xuân Hoà, Giám đốc Khối Tài chính - Kế toán, Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ tại Hội nghị |
Còn theo bà Nguyễn Thị Bảo Khuyên - Giám đốc Tài chính, Công ty Giá Kho Group, cho hay: "Doanh nghiệp chúng tôi hiện đang tập trung kinh doanh các thiết bị công nghệ, việc quản trị tài chính hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực, đỡ tốn tiền bạc, công sức hơn trong công việc.
Cụ thể, trong giai đoạn đầu, Giá Kho ít họp thống nhất giữa các phòng ban, do đó, mỗi phòng ban triển khai một kế hoạch theo hướng riêng, không có sự thống nhất, dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao, phân tán nguồn lực doanh nghiệp. Sau quá trình quan sát, doanh nghiệp đã giải quyết vấn đề bằng cách thống nhất kế hoạch, họp chung tất cả quản lý các phòng ban để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp".
Theo bà Khuyên, sau khi tìm hiểu và nắm được mô hình kinh doanh của Giá Kho, công ty đã lập ra những dự báo, nhằm quản trị rủi ro, giúp doanh nghiệp hạn chế những khó khăn trong kinh doanh.
Ông Đinh Ngọc Triển - Kế toán trưởng, Công ty Cổ phần Searefico, chia sẻ, công ty xây dựng những quy trình, quy định khung để ban hành đến các cơ sở. Trong bối cảnh thị trường luôn thay đổi thì phải xây dựng kế hoạch ngân sách, kế hoạch kinh doanh theo nhiều kế hoạch khác nhau. Khi xảy ra các trường hợp cụ thể, công ty sẽ có chiến lược phù hợp để quản lí doanh nghiệp hiệu quả.
Ông Phạm Xuân Sang, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam (VTA) phát biểu nêu bật chính sách pháp luật mới tại hội thảo về chủ đề “Chiến lược quản trị pháp lý trong doanh nghiệp" |
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp và VTA đã mời đến chương trình các diễn giả là nhà lãnh đạo, luật sư bao gồm: Bà Nguyễn Thị Cẩm Ninh - Giám đốc Pháp lý và Tuân thủ, Công ty Nestle Việt Nam; luật sư Jian Tan - Văn phòng Luật sư TAHOTA; luật sư Nguyễn Hoàng Chương - Trưởng phòng Pháp lý Cấp cao, Công ty Cổ phần Quốc tế Việt Thái để cùng chia sẻ về chủ đề “Chiến lược quản trị pháp lý trong doanh nghiệp”.
Câu hỏi đầu tiên đặt ra cho các diễn giả "Thế nào là quản trị pháp lý cho doanh nghiệp?”
Bà Nguyễn Thị Cẩm Ninh - Giám đốc Pháp lý và Tuân thủ, Công ty Nestle Việt Nam, cho rằng, mặc dù việc quản trị pháp lý không trực tiếp mang lại doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp nhưng tính bền vững và khả năng phát triển của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ việc quản trị và kiểm soát rủi ro pháp lý. Để doanh nghiệp tồn tại, hệ thống pháp lý đầy đủ sẽ góp phần quan trọng trong việc hạn chế những tranh chấp, rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Ninh - Giám đốc Pháp lý và Tuân thủ, Công ty Nestle Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo |
Luật sư Nguyễn Hoàng Chương, Trưởng phòng Pháp lý Cấp cao, Công ty Cổ phần Quốc tế Việt Thái, bổ sung thêm, trong quá trình kinh doanh có thể phát sinh khả năng xảy ra những tranh chấp, những rắc rối về pháp lý như sở hữu trí tuệ, hợp đồng, sử dụng lao động, rủi ro từ đối tác, bên thứ 3....
Khi có những vấn đề phát sinh, nếu doanh nghiệp xây dựng được bộ máy pháp lý hoàn chỉnh thì sẽ hiệu quả đáng kể trong quá trình giải quyết tranh chấp. Một số lĩnh vực pháp luật mà các cán bộ cấp quản lý bắt buộc phải nắm bắt và cập nhật thường xuyên gồm: Pháp luật doanh nghiệp; pháp luật hợp đồng; pháp luật về thương mại; pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội; pháp luật thuế; pháp luật về sở hữu trí tuệ...
Luật sư Nguyễn Hoàng Chương cho rằng cần nhận định rõ pháp lý mình đang cần nằm trong lĩnh vực nào, để có thể thuê, hoặc xây dựng đội ngũ pháp lý phù hợp |
Tương tự, luật sư Jian Tan, Văn phòng Luật sư TAHOTA, cho rằng: Doanh nghiệp nên tạo điều kiện tốt cho bộ phận pháp chế để xây dựng hệ thống pháp lý chặt chẽ, phù hợp để góp phần quản trị rủi ro doanh nghiệp. Những người quản lý cấp cao, chủ doanh nghiệp cần có ý thức chú trọng và xây dựng bộ phận pháp lý hoạt động hiệu quả.
“Nếu người quản lý không tạo điều kiện, không có sự kết nối giữa các phòng ban thì sẽ tạo rào cản lớn trong quá trình hoạt động của đội ngũ pháp lý trong doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp với ngành nghề hoạt động đặc thù của mình đều cần tập hợp và hệ thống đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan, tạo thành thư viện pháp luật của doanh nghiệp để bất kỳ cán bộ, nhân viên nào cũng có thể truy cập và tra cứu thuận tiện nhất phục vụ công việc”, Luật sư Jian Tan chia sẻ.
Luật sư Jian Tan, Văn phòng Luật sư TAHOTA cho rằng: “Doanh nghiệp nên tạo điều kiện tốt cho bộ phận pháp chế để xây dựng hệ thống pháp lý chặt chẽ..." |
Luật sư Jian Tan cũng cho biết thêm, ngoài bộ phận pháp chế, các doanh nghiệp cũng nên phối hợp với các luật sư bên ngoài để giải quyết những trường hợp riêng biệt, vì trong một số trường hợp, các văn phòng luật sẽ có chuyên môn sâu, chuyên biệt hơn để có hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.
Cuối buổi thảo luận các diễn giả đã đưa ra một số lời khuyên gửi tới các doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Ninh, để dịch vụ pháp lý được đẩy mạnh, khi quản trị doanh nghiệp, hãy chuẩn bị bộ phận pháp lý, ít nhất là 1 đến 2 người để doanh nghiệp có thể đi được đường dài, đảm bảo sự ổn định.
Còn luật sư Nguyễn Hoàng Chương đặt ra 3 từ khóa chính mà doanh nghiệp có thể sử dụng để quản trị pháp lý cho doanh nghiệp của mình: Chuẩn hóa quy trình, đầu tư bộ phận chuyên trách về pháp lý và luôn sẵn sàng tâm thế, chuẩn bị cho mọi hoàn cảnh, để từ đó giảm thiểu rủi ro pháp lý tại doanh nghiệp.