Bài 1: Đặt con người vào vị trí trung tâm
Việt Nam - Vùng đất con người, văn hóa, thiên nhiên hấp dẫn Phát huy tối đa sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam Văn hóa và con người - nguồn lực quyết định sự phát triển |
Con người là chủ thể của mọi sáng tạo và tiến bộ xã hội nên sự đầu tư, tập trung này sẽ mang đến sự phát triển toàn diện và hiệu quả cho Hà Nội.
Nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô
Kết luận về Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Quy hoạch Thủ đô) nêu rõ: Trong những năm qua, Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vị thế trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế; có bề dày lịch sử, văn hóa với số lượng di sản, di tích lớn nhất cả nước, hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú và đặc sắc, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước.
Hà Nội - Thủ đô thiêng liêng, trái tim của cả nước |
Vì lý do đó, Bộ Chính trị cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch. Đồng thời, Kết luận lưu ý nhấn mạnh một số nội dung trong đó đầu tiên là: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; bám sát, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan; thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia.
Quy hoạch Thủ đô cần có "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội", tạo ra "cơ hội mới - giá trị mới" trong phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" cả trước mắt và lâu dài.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội chúc mừng các nhà khoa học nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam |
Bộ Chính trị đề nghị Hà Nội kiên định quan điểm "con người là trung tâm của sự phát triển", "văn hoá và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô"; xác định giáo dục, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, nội dung cốt lõi trong chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô...
Hà Nội là nơi tập trung nhiều trường đại học lớn của cả nước. Hàng năm lượng sinh viên ra trường, ở lại Hà Nội và tiếp tục học lên cao nữa để phát huy trí tuệ, xây dựng Thủ đô khá nhiều. Cùng với những chính sách thu hút nhân tài, các Thủ khoa được vinh danh và được trọng dụng trong cơ quan Nhà nước cho thấy Hà Nội luôn tạo điều kiện tốt nhất với các nhân tài.
Hà Nội tuyên dương các Thủ khoa |
Bên cạnh đó, mới đây trong cuộc chúc mừng các chuyên gia, nhà khoa học nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, lãnh đạo thành phố cũng bày tỏ sẽ tiến hành gặp mặt, tham vấn các ý kiến thường xuyên để trí thức đóng góp nhiều hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Như vậy, xác định con người là trung tâm, là nhân tố quyết định sự đổi mới, phát triển và xây đắp nền tảng văn hóa đặc sắc và khác biệt mà Thủ đô ngàn năm văn hiến luôn luôn chú trọng đến việc bồi đắp, phát huy kiến thức, tâm huyết của những người đến và cống hiến cho mảnh đất này.
Những giá trị cốt cách bền vững
Trong suốt quá trình phát triển của mình, đặc biệt là những năm gần đây, Hà Nội luôn tập trung vào yếu tố con người bởi đây là nhân tố quyết định làm nên sự khác biệt của Thủ đô. Chỉ thị 30-CT/TU Hà Nội 2024 về Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nêu rõ: Lịch sử văn hiến hơn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Theo đó, nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn hóa ẩm thực... Các thế hệ người Hà Nội luôn tự hào với giá trị truyền thống, quan tâm xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thông qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa con người với con người.
Con người là một vẻ đẹp quan trọng làm nên tổng hòa bản sắc văn hóa của Thủ đô |
Với vị trí, tầm vóc của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước, Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó thường xuyên nhấn mạnh vai trò gương mẫu, đi đầu trong phát triển văn hóa, con người.
Tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu Hà Nội cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc.
Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, Đảng bộ Hà Nội luôn xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.
Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được cụ thể hóa trong Chương trình công tác lớn của Thành ủy ở nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, được xác định là khâu đột phá của Chương trình số 06-CTr/TU (nhiệm kỳ Đại hội XVII).
Trong những năm qua, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch, đề án... gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua lớn như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Người tốt việc tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...
Nhiều sáng kiến, mô hình hay đem lại kết quả đáng ghi nhận như: Xây dựng phụ nữ Thủ đô “Trung hậu, sáng tạo, đảm đang, thanh lịch”; “Thanh niên làm theo lời Bác”, xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động thủ đô “Tiên tiến, sáng tạo, đoàn kết, kỷ cương, giữ gìn môi trường, thanh lịch, nhân ái”; xây dựng “Nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”...
Thành ủy Hà Nội hàng năm tổ chức thường niên Giải báo chí về “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; UBND thành phố ban hành 2 Quy tắc ứng xử: “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan trực thuộc Thành phố” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”...
Tất cả những kết quả này tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Người Hà Nội được phát triển toàn diện từ kiến thức đến tâm hồn, từ tư duy đến năng khiếu, từ công sở đến đời thường...
(Còn nữa)