Bài 1: Đổi thay Phú Giáo
“Mắt thần” góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại huyện Phú Giáo |
Từ vùng đất thuần nông
Huyện Phú Giáo, nằm ở phía đông bắc của tỉnh Bình Dương, có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với những thăng trầm của vùng đất Đông Nam Bộ. Ban đầu, vùng đất này chủ yếu là rừng nguyên sinh và nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số như người Stiêng, người Khmer. Qua thời gian, người Việt đến khai hoang, lập làng và mở rộng diện tích canh tác, hình thành các khu dân cư mới.
Qua các giai đoạn, Phú Giáo từng bước phát triển từ một huyện thuần nông thành một địa phương có nền kinh tế đa dạng hơn, bao gồm cả công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Huyện đặc biệt chú trọng vào phát triển nông nghiệp bền vững, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Cơ sở hạ tầng huyệt Phú Giáo được đầu tư đồng bộ |
Theo ông Trần Đức Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo: "Trước đây, nông nghiệp huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, chủ yếu dựa vào lao động thủ công với các cây trồng truyền thống như cao su, điều và lương thực. Mặc dù có lợi thế đất đai màu mỡ và khí hậu thuận lợi, phương thức canh tác truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế, từ năng suất thấp, thu nhập bấp bênh đến khai thác tài nguyên thiếu bền vững".
Nông dân tại đây gặp khó khăn về vốn và kỹ thuật canh tác tiên tiến, khiến sản xuất chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ và dễ bị tác động bởi biến động giá cả. Sản phẩm nông nghiệp phần lớn là hàng hóa thô, chưa qua chế biến, dẫn đến thu nhập không ổn định. Thêm vào đó, dịch bệnh thường xuyên gây thiệt hại cho mùa màng do thiếu hiểu biết về phòng chống và quản lý chất lượng.
Nhận thấy những thách thức này, Phú Giáo đã định hướng chuyển mình sang mô hình nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng và phát triển bền vững. Việc áp dụng công nghệ mới không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn tạo đà phát triển dài hạn cho nông nghiệp địa phương.
Đến thủ phủ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Với định hướng phát triển lâu dài, Phú Giáo giữ vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Bình Dương. Cơ sở hạ tầng được huyện chú trọng đầu tư, nhất là cơ sở hạ tầng về giao thông. Cụ thể, từ năm 2000 đến nay, huyện đã chi hơn 6.600 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Toàn huyện hiện có 815 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 1.400ha |
Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, trường học đạt chuẩn chất lượng giáo dục chiếm tỷ lệ cao (33/37 trường, đạt 89,2%) và trường đạt chuẩn quốc gia là 36/37, chiếm 97,3%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân không ngừng được đầu tư, nâng dần chất lượng. Công tác xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm được thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh giảm còn 1,38%.
Vượt qua không ít khó khăn, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn và nâng cao giá trị gia tăng, đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng lợi thế.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết: “So với ngày đầu tái lập, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng hơn 38 lần; công nghiệp từng bước hình thành và phát triển, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2024 ước đạt hơn 6.600 tỷ đồng.
Thương hiệu dưa lưới Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo) đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao vào năm 2020 |
Trên địa bàn huyện có 871 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích hơn 1.500ha, tăng 692 cơ sở so với năm 2020; có 117 cơ sở sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tăng 4 cơ sở so với năm 2023”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, Chương trình OCOP đã trở thành một giải pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện. Toàn huyện có 25 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, gồm 23 sản phẩm 3 sao, 2 sản phẩm 4 sao.
Về xây dựng Nông thôn mới, đến nay 10/10 xã của huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025, mang lại những thay đổi rõ rệt đời sống người dân nông thôn.
Huyện đang phấn đấu có 4 xã đạt Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024, hướng đến xã Nông thôn mới thông minh.
(Còn nữa)