Bài 118: Lụa Vạn Phúc - nơi “chắp cánh” cho thương hiệu Việt
>> Thanh niên với vấn đề hội nhập
Bài 117: Cần tư duy mới trong quản lý
Tốt về chất lượng, đa dạng về mẫu mã
Từ lâu, người dân Việt Nam đã quen với thương hiệu tơ lụa Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội). Đó không chỉ đơn thuần là một sản phẩm làng nghề mà còn mang đậm giá trị truyền thống, nét tinh hoa của dân tộc. Tuy nhiên, để lụa Hà Đông có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa và thế giới, đòi hỏi nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm này không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã.
Gắn bó bó với nghề dệt hơn 20 năm nay, chị Nghiêm Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Hương (Hà Đông, Hà Nội) lên ý tưởng và trực tiếp thiết kế, sản xuất ra ra các mẫu sản phẩm mới, bày bán tại cửa hàng và xuất khẩu sang các nước khác. “Hoàn thiện một sản phẩm thiết kế mất khá nhiều thời gian từ khâu nghiên cứu mẫu mã đến thiết kế cho ra thành phẩm. Song để mỗi sản phẩm mang nét đặc trưng của làng nghề và dấu ấn riêng của Đông Hương Silk cần sự tỉ mỉ từng đường nét”.
Được biết, Cty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Hương đi lên từ hộ kinh doanh cá thể. Ban đầu, gia đình chị có 6 máy dệt lụa, do nhu cầu thị trường nên gia đình chị đã đầu tư thêm 8 máy dệt, nâng tổng số máy sản xuất của gia đình lên 14 chiếc. Năm 2012, chị Hương thành lập công ty, tạo việc làm ổn định cho hơn mười công nhân lao động với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Kể về quá trình gây dựng sự nghiệp và phát triển thương hiệu Đông Hương Silk, chị Nghiêm Thị Thu Hương cho hay: "Cũng giống nhiều hộ gia đình khác, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong những ngày đầu mới thành lập công ty. Mặc dù có truyền thống dệt lụa hơn 20 năm nay nhưng tôi mới thành lập công ty khoảng 5 năm trở lại đây. Trước kia, tôi chỉ kinh doanh nhỏ lẻ, tự sản xuất, tự bán nên chủ động được nguồn hàng và vốn quay vòng. Tuy nhiên, đến khi thành lập công ty, khó khăn lớn nhất là nguồn nguyên liệu, vốn và thị trường tiêu thụ. Mất gần hai năm công ty mới ổn định và làm ăn có lãi. Để sản phẩm của mình làm ra thị trường chiếm được lòng tin của khách hàng trong nước và quốc tế, tôi tập trung đầu tư máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, Đông Hương Silk cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm lụa Vạn Phúc đến với các vùng miền, du khách thập phương đến với Hà Nội, thông qua tham gia hội chợ triển lãm do thành phố và Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức trên địa bàn và một số tỉnh, thành khác".
Coi trọng chữ tín hơn vàng
Những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng tơ lụa truyền thống luôn coi trọng chữ tín. “Chúng tôi luôn nỗ lực cố gắng để gây dựng thương hiệu, tập trung phát triển cơ sở vật chất, hoàn thiện dây truyền công nghệ để mỗi sản phẩm ra đời chứa đựng được nét đẹp truyền thống và tình cảm chân thành của những người thợ làm nghề", chị Hương chia sẻ.
Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, chia sẻ: Vạn Phúc là làng cổ, có thời gian hình thành và phát triển cùng với nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Người làng Vạn Phúc, không biết từ bao giờ đã làm ra sản phẩm lụa Vạn Phúc nức tiếng như ngày nay. Hiện, Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc đã thu hút trên 400 hội viên tham gia làm nghề. Mỗi gia đình làm một công đoạn, có gia đình chỉ suốt sợi, có gia đình dệt và có gia đình làm công đoạn nhuộm. Khi lụa dệt thành vải nhiều hộ lại thực hiện công đoạn cắt, may tạo ra sản phẩm cuối cùng tới tay người dùng…
Để có mỗi sản phẩm lụa Vạn Phúc đến với khách hàng, các hộ trong làng luôn động viên nhau, cùng những người trẻ chia sẻ kinh nghiệm, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Để tránh sự nhầm lẫn của khách hàng khi đến mua lụa, thời gian gần đây nhiều hộ dệt lụa đã chú trọng xây dựng thương hiệu lụa Vạn Phúc – Hà Đông bằng cách dệt chữ nổi ngay trên mép của tấm vải, tạo sự khác biệt.
Hàng năm, Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc còn mở các lớp bồi dưỡng cho các hộ làm nghề giúp họ nâng cao tay nghề sản xuất, học được cách giao tiếp với khách. Từ đó, họ có thể giúp khách hàng phân biệt được đâu là lụa Vạn Phúc sản xuất và đâu là lụa liên danh, liên kết, tạo niềm tin và thiện cảm để khách quay lại với làng nghề. Bên cạnh đó, những người trẻ đã cùng với các hộ dân ở Vạn Phúc xây dựng lõi trung tâm mua sắm, giới thiệu hàng hóa tại làng, tránh hàng nhái, hàng giả. Ngay tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm lụa của làng Vạn Phúc, khách hàng tham quan mua sắm được người bán hàng giới thiệu rõ từng chất liệu dệt. Giá bán được niêm yết công khai trên từng sản phẩm.
Không chỉ chú trọng đến sản xuất, nay các hộ sản xuất kinh doanh đã cùng với các đoàn viên, thanh niên tiếp thị, tìm kiếm thị trường, đưa sản phẩm lụa Vạn Phúc đến với bạn bè quốc tế. Mỗi năm, làng Vạn Phúc đã đón trên 10.000 lượt du khách nước ngoài đi theo đoàn đến tham quan mua sắm, chưa kể những khách quốc tế đi lẻ và khách nội địa. Nghề lụa đang tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, với thu nhập bình quân đạt từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Lụa tơ tằm được xếp trong nhóm vải quý. Đó là sản phẩm của thiên nhiên nhưng chứa đựng rất nhiều công sức và tâm tư của con người. Các nghệ nhân đã phải tỉ mẩn từ những công đoạn đầu tiên như: Trồng dâu nuôi tằm để lấy tơ, phải kén được loại tơ của ấu trùng ăn lá dâu tằm mới cho chất lượng đẹp và ổn định, tiếp đó đến công đoạn làm sợi. Trải qua các giai đoạn khác nhau như: Nhập tơ, guồng tơ, mắc cửi... tơ tằm được cửi và dệt thành miếng vải trơn. Với nhiều cách dệt có thể cho nhiều ra nhiều loại vải khác nhau. Những miếng vải dệt là lụa mộc, màu trắng ngà, mỏng sau đó được đem nhuộm bằng những nguyên liệu thiên nhiên như lá bàng và một số loại cây, củ. Bằng sự sáng tạo độc đáo của riêng mình, các nghệ nhân Vạn Phúc đã tạo ra một loại lụa độc đáo, chỉ có của riêng làng nghề này, đó là lụa vân - một loại lụa có hoa văn nổi vân trên bề mặt. Mật độ các sợi ngang, sợ dọc dày khi nhuộm, độ thẩm thấu màu cao hơn, loại hoa văn dùng trên lụa này thường là song hạc, tứ quý... |
(Còn nữa)