Bài 168: Văn Miếu - Quốc Tử Giám tạo nền nếp hướng dẫn du khách mặc trang phục lịch thiệp
![]() |
>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch:
Bài 167: Đừng dễ dãi với bản thân ở nơi công cộng
Văn Miếu - Quốc Tử Giám mang ý nghĩa quan trọng đối với người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và người dân trên mọi miền đất nước nói chung. Đây là nơi thờ phụng, lưu danh những bậc hiền triết - biểu tượng của truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của đất nước. Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là một trong những địa điểm tham quan thu hút đông đảo du khách nước ngoài đến Hà Nội.
Nhằm nâng cao môi trường văn hóa du lịch, xây dựng hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt, thực sự thân thiện, mến khách, từ tháng 3/2017, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tích cực triển khai QTƯX nơi công cộng trên địa bàn thành phố, trong đó có nội dung đề nghị du khách không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, phản cảm khi tham quan di tích quốc gia đặc biệt này.
![]() |
Để áp dụng quy định, đơn vị đã thực hiện nhiều công việc như: Lắp đặt biển nội quy; truyền thông trên trang thông tin điện tử, fanpage, đặc biệt là thông qua các đơn vị lữ hành để hướng dẫn du khách mặc trang phục phù hợp khi vào di tích. Với những du khách ăn mặc chưa phù hợp, đơn vị có áo choàng cho du khách mượn, hướng tới xây dựng môi trường tham quan văn minh, lịch sự, tôn trọng thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Được biết, mẫu áo choàng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám có màu ghi xám, in logo của Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám có độ dài qua gối, phục vụ du khách khi vào các khu thờ tự như điện Đại Thành, nhà Hậu đường. Do đó, áo choàng không phải phát từ cổng chính mà tại gần nơi thờ tự.
Sau thời gian triển khai áp dụng nội quy bộ QTƯX nơi công cộng, hiện tượng khách du lịch ăn mặc phản cảm, hở hang, mặc quần ngắn, áo cộc vào Văn Miếu đã giảm rõ rệt. Đồng thời, nhờ việc niêm yết rõ ràng nội dung bộ QTƯX, người dân vào Văn Miếu đã ý thức rõ hơn việc không được phép nói to, xả rác, gây ồn ào hay có những hành vi phá hoại cảnh quan nơi đây.
Tuy nhiên, theo thực tế khảo sát của phóng viên, hiện tượng du khách ăn mặc “thoáng mát” vào Văn Miếu vẫn xuất hiện, đa phần là du khách nước ngoài. Bởi người phương Tây thường có thói quen ăn mặc có phần mát mẻ, thoải mái khi đến những nơi công cộng hay đi du lịch. Họ ít ý thức đến việc phải mặc quần áo dài tay khi đến các điểm di tích tâm linh, đền, chùa, nơi thờ tự…
Anh Quang Minh, hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Nhân viên bảo vệ có nhắc nhở nhưng một số người nước ngoài vẫn mặc quần đùi, áo cộc tay. Họ không mặc áo choàng vì tâm lý không muốn mặc chung đồ với nhiều người và không để ý nhiều đến các nội quy niêm yết ngoài cổng. Đây cũng là vấn đề do khác biệt về lối sống, văn hoá, tín ngưỡng, nếu nhắc nhở hay mời họ ra ngoài thì sẽ làm mất đi hình ảnh thân thiện, mến khách của người Việt Nam”.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Việc triển khai bộ QTƯX nơi công cộng đã đem lại những hiệu quả tích cực cho di tích, cả về phía người làm việc trong di tích và khách tham quan. Tuy nhiên thực tế triển khai cũng gặp một số khó khăn. Bởi đơn vị phải sắp xếp nhân lực biết tiếng Anh trực ở các vị trí cho khách mượn quần áo trong 10 tiếng mỗi ngày nhưng một số khách nước ngoài không muốn mặc áo này nên bỏ việc tham quan các khu vực thờ tự hoặc vẫn cố tình vào khi chưa mặc áo”.
Do đó, theo ông Kiêu, sẽ phải mất thêm một thời gian để tạo thành nếp cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến, thực hiện việc hướng dẫn du khách nước ngoài mặc trang phục đúng quy định một cách tự giác, tự nguyện. Về vấn đề người nước ngoài e ngại phải mặc đồ chung, các nhân viên Văn Miếu phải luôn đảm bảo quần áo sạch, là thẳng thường xuyên.
Trong thời gian sắp tới, giải pháp của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn du khách. Đồng thời, điểm di tích này cũng sẽ tăng cường lực lượng trực chốt tại các điểm và làm việc trực tiếp với các đơn vị lữ hành để có sự phối hợp hướng dẫn khách mặc trang phục phù hợp khi đến tham quan Văn Miếu.
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Khám phá 'con đường Phật giáo' trong khu đại lễ Vesak 2025 ở Việt Nam

Renzo Piano - Huyền thoại của ngành kiến trúc toàn cầu kiến tạo Nhà hát Opera Hà Nội

Khi nhà hát opera trở thành biểu tượng văn hóa nâng tầm vóc quốc gia

"Côn Đảo - Hùng ca ý chí Việt Nam"

Xúc động và nhân văn chương trình "Hành trình thống nhất"

Triển lãm "Thấm" - hành trình nghệ thuật đầy cảm xúc

Khúc tráng ca đầy cảm xúc về Thủ đô anh hùng, trọn nghĩa tình

Nhà Trưng bày Hoàng Sa: “Bảo tàng sống” trên không gian mạng

Tìm lại ký ức Sài Gòn xưa và nay tại ga Metro Bến Thành
