Bài 2: "Đạn pháo" dư luận phản ứng mạnh mẽ với nhạc bát nháo
Bài 2: Dư luận lên án gay gắt những hành vi vô văn hóa bên hồ Tây thơ mộng |
Khán giả thể hiện quyền của mình
Sau khi ra mắt, sản phẩm “Thích Ca Mâu Chí” đã bị cộng đồng Phật tử tại Việt Nam, khán giả phản đối và lên án gay gắt, vì nội dung quá thô tục, có hướng xuyên tạc, phỉ báng hình ảnh Phật giáo. Nhiều người nghe yêu cầu tác giả phải gỡ ngay lập tức nội dung trên và các cơ quan quản lý phải vào cuộc xử lý để chấn chỉnh tình trạng này.
Trên các diễn đàn, khán giả, người thụ hưởng các sản phẩm âm nhạc thể hiện quyền của mình một cách quyết liệt khi phê phán kịch liệt, chỉ mặt đặt tên những “rác văn hóa” để báo chí, truyền thông vào cuộc mạnh mẽ. Chính bởi vậy, lắng nghe ý kiến khán giả, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gửi công văn đề nghị Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý các rapper viết nhạc có nội dung phản cảm, xúc phạm tôn giáo.
Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị Thanh tra Bộ xem xét, có biện pháp xử lý đối với các cá nhân, tổ chức lưu hành bản ghi theo quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Theo đó, mức phạt cao nhất với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo là 50 triệu đồng (khoản 4, Điều 13). 50 triệu đồng cũng là mức phạt cao nhất đối với hành vi trong lĩnh vực văn hóa. Hành vi sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội có mức phạt cao nhất là 40 triệu đồng (khoản 3, Điều 13).
Cũng theo nghị định này, văn hóa phẩm có nội dung độc hại buộc phải tháo gỡ (trên môi trường mạng), tiêu hủy; Buộc nộp lại số lợi ích hợp pháp có được do thực hiện các hành vi vi phạm. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc xử lý những kênh đăng tải các sản phẩm có nội dung trên.
Rapper Chí |
Trước sự phản ứng dữ dội của dư luận, bản thân các rapper, kênh YouTube đăng tải cũng đã xóa các bài nhạc và nhận lỗi sai về mình. Chí - tác giả bài “Thích Ca Mâu Chí” - lên tiếng xin lỗi về tranh cãi nổ ra những ngày qua. Rapper cho biết ngày anh cùng các thành viên trong nhóm Rap Nhà Làm tới trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để sám hối và xin tha thứ.
Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - đã giảng dạy, phê bình những sai lầm của nhóm Rap Nhà Làm. Thượng tọa cũng chỉ ra những hành động của họ có tác động xấu thế nào tới cộng đồng và xã hội.
“Các Thượng tọa đã cho chúng tôi cơ hội được sám hối những lỗi lầm. Đây là bài học xương máu cho tôi để sau này không mắc phải sai lầm nghiêm trọng”, rapper Chí cho biết.
Rapper Chí nói thêm: “Tôi gửi lời xin lỗi chân thành vì hành động sai trái, cụ thể là sử dụng hình ảnh và ngôn từ nhạy cảm, gây ảnh hưởng xấu và kích động cho cả cộng đồng. Lỗi hoàn toàn của tôi và tôi rút kinh nghiệm”.
Theo rapper, anh đã xóa ca khúc trên YouTube, tuy nhiên vẫn có nhiều tài khoản đăng lại bài nhạc để gây kích động và hiểu nhầm. Rapper khẳng định đang làm việc với phía YouTube để gỡ những bản chia sẻ lại và các nền tảng khác sớm nhất có thể. Đó là những cái giá thích đáng cho người làm nghề một cách không nghiêm túc, không dựa trên quan niệm nghệ thuật chân chính, không dựa trên thuần phong, mĩ tục, văn hóa của đất nước mình.
Người trong nghề cũng “không chịu đựng nổi”
Trước hiện tượng âm nhạc bát nháo, phản cảm tràn lan đã có rất nhiều nhạc sĩ lên tiếng phản đối cực gắt. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng các ca khúc có nội dung phản cảm có thể ảnh hưởng đến một bộ phận khán giả.
Nam nhạc sĩ lo ngại về mức độ ảnh hưởng của những sản phẩm độc hại này, đồng thời dự đoán và cảnh báo hệ lụy nếu như các sản phẩm tương tự tiếp tục tiếp diễn. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ quan điểm: “Năm 2018, tôi đã nói nếu chúng ta cứ dễ dãi, xuề xòa với những tên bài hát gây sốc thì rồi sẽ có những bài hát gây sốc toàn diện cả nội dung ca từ. Đến hôm nay, giới trẻ lại chia sẻ giai điệu “Censored” viral trên TikTok nói về mối quan hệ bố chồng - nàng dâu theo cách cực kỳ dung tục và phản cảm”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung |
“Là nghệ sĩ đúng nghĩa, nên định hướng khán giả chứ đừng hùa theo, rồi biện minh rằng “do mọi người nhạy cảm, suy diễn chứ tôi chẳng ý gì. Với tôi, một bài hát là phải đẹp, đẹp từ giai điệu, đẹp đến ca từ, đẹp đến nội dung ý nghĩa, đẹp đến cả cái tên, đó mới là sự hoàn mỹ. Nếu có quyền, tôi sẽ cấm phổ biến các ca khúc kiểu này vì làm mất đi cái đẹp của âm nhạc, dù là nhạc giải trí”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc.
Nhạc sĩ Dương Cầm cho biết: “Sự sáng tạo, phá cách nên trong phạm vi cho phép. Đặt tiêu đề là "Như lời đồn", tất cả chúng ta đều hiểu là nhằm mục đích gì, rõ ràng nó không đẹp. Đây cũng không phải là lần đầu tiên đặt tựa như vậy sau "Như cái lò" của Khắc Hưng. Tôi không bao giờ đồng tình với kiểu đặt tên kích động như vậy”.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng cho biết những ca khúc với tựa đề như “Như lời đồn”, “Nắng cực”, “Như cái lò”… là cách nói lóng của những người thích nói bậy. Anh khẳng định: “Đó là sự thiếu văn hóa, vô văn hóa khủng khiếp”.
Như vậy, rõ ràng, những sản phẩm này chóng nổi cũng chóng chìm. Dù “công phá” mạnh mẽ người xem nhưng chỉ một thời gian ngắn nó nhanh chóng bị loại bỏ ra khỏi đời sống âm nhạc của nước nhà. Điều đó càng khẳng định những sản phẩm phi văn hóa không bao giờ có chỗ đứng vững bền trong lòng công chúng.
(Còn nữa)