Bài 2: Đất đai lãng phí, chìm nổi phận đời
TP Hồ Chí Minh: Khốn khổ vì quy hoạch “treo” TTTĐ - Không biết từ bao giờ, người dân TP Hồ Chí Minh đã quen với khái niệm “quy hoạch treo” nhưng khái niệm này ... |
Để có cái nhìn toàn cảnh hơn với thực trạng quy hoạch "treo" trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã khiến đời sống người dân khốn khó ra sao, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tìm hiểu và ghi nhận một số hình ảnh tại các khu vực quy hoạch này.
Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa, thuộc Phường 28, quận Bình Thạnh được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt từ năm 1992, đến nay đã 33 năm nhưng vẫn nằm im lìm đó và… chờ đợi. Trên diện tích quy hoạch gần 430ha đang tồn tại là những dãy chung cư ngả nghiêng theo thời gian; Là những cánh đồng cỏ mọc không hoa màu; Là những khu xóm nghèo xập xệ và không được đầu tư hạ tầng cơ sở… Tất cả chỉ vì dòng chữ “có quy hoạch”.
Theo lời ông Nguyễn Ngọc Hùng, cư ngụ tại số 558/64/27/2, Phường 28, quận Bình Thạnh, người dân ở đây mãi đến năm 2000 mới biết đèn điện. Những hộ dân trong con hẻm trước nhà ông thì năm 2023 mới đưa được nước sạch đến nhà.
“Trước đây, muốn có nước sạch sinh hoạt, người dân phải đẩy xe đi mua cách nhà hàng cây số. Giờ có nước sạch nhưng công ty cấp nước chỉ kéo đồng hồ đến trước nhà thôi. Người dân phải tự mua ống đấu nối để đưa nước sạch về. Mỗi nhà tốn khoảng 4 triệu đồng tiền ống, đồng hồ…”, ông Hùng cho biết.
Hệ thống nước sạch được kéo nửa chừng nên thay vì đường ống nằm dưới đất lại được các hộ dân gá nhờ vào hàng rào ngôi nhà đầu hẻm |
Công tơ cũng được gá chi chít trên những cột điện |
Không chỉ nước sạch mắc ngổn ngang trên hàng rào, công tơ cũng mọc chi chít trên những cột điện ven theo các tuyến hẻm nhỏ trong khu vực này. Chỉ cần nhìn thôi cũng thấy rợn người, không biết “an toàn điện” sẽ ra sao?
Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (Ảnh: ST) |
Một góc khu Bình Quới - Thanh Đa hiện nay |
Nhìn từ trên cao, cách nhau chỉ một con sông, trong khi TP Thủ Đức đang vươn mình phát triển, bán đảo Thanh Đa vẫn chỉ là những cánh đồng bạt ngàn, lác đác vài nhà, vài xóm làng nho nhỏ với cuộc đời chìm nổi theo dự án treo.
Hạ tầng do người dân cùng nhau làm “xã hội hóa hẻm” để trẻ em bớt gập ghềnh khi đến trường |
Trong khi đó vẫn còn những con đường chưa được xã hội hóa khang trang vì mọi người đã hết kinh phí |
Bảng thông báo về dự án |
Khu công viên sinh thái, văn hóa, hồ điều tiết huyện Bình Chánh được quy hoạch theo Quyết định số 1104/QĐ-TTg ngày 26/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến nay cũng tròm trèm gần 24 năm.
Suốt thời gian áp quy hoạch, gần 370ha đất thuộc các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và xã Phạm Văn Hai gần như trở nên hoang hóa. Nhiều người không dám xây nhà hay canh tác để chờ quy hoạch nên đất bỏ hoang, phải thuê nhà để ở.
Nhiều gia đình “liều mạng” về dựng chuồng nuôi gia cầm, làm xưởng cho thuê kiếm tiền sinh sống; Cũng không ít người kinh tế khó khăn, phải che chắn tạm trên ngôi nhà cũ để có chỗ "chui ra chui vào"…
Ông Đỗ Văn Quên, ngồi trước ngôi nhà cũ do cha mẹ để lại |
Ngồi trước ngôi nhà cũ do cha mẹ để lại, ông Đỗ Văn Quên cho biết, ngôi nhà được dựng từ những năm trước giải phóng. Trước đây vốn là ngôi nhà 3 gian nhưng sau này cũ bị sập đi một. Từ khi có quy hoạch, chính quyền không cho xây dựng lại hay mua bán. Kinh tế khó khăn, bản thân ông dù từng là bộ đội nhưng do có bệnh nặng không làm được gì ra tiền nên cũng chẳng sửa được nhà.
“Cách đây vài tháng, tôi trở bệnh nặng. May có người hàng xóm mua giúp miếng đất mới có tiền chạy chữa. Cũng may nhờ có số tiền đó nên giờ tôi mới ngồi được ở đây. Người ta là hàng xóm mới dám mua, chứ người khác mua giấy tay thì ai chịu cho…”, ông Quên than thở.
Ông Nguyễn Văn Hết đang ngồi băm chuối cho đàn vịt xiêm |
Do kinh tế khó khăn, ông Nguyễn Văn Hết “đánh liều” dựng khu nhà tôn làm chuồng chăn nuôi bò, vịt. “Biết là không được dựng nhà nhưng khó khăn quá nên tôi dựng tạm lên để chăn nuôi kiếm tiền sinh sống. Quy hoạch kéo dài chẳng biết lúc nào làm, trong lúc chờ thì mình làm trên đất của mình thôi…”, ông Hết nói.
Anh Nguyễn Văn Tới là con trai ông Hết. Năm 2006, do tai nạn lao động anh bị mất một ngón tay cái bàn tay trái và 2 ngón của bàn tay phải. Sau tai nạn, anh mất sức lao động nên về phụ cha chăn nuôi bò. Anh Tới cho biết, giờ 2 đứa con trông chờ vào nguồn thu nhập từ nuôi bò và đồng lương công nhân may của vợ.
Đằng sau tấm bảng quy hoạch là sự thiệt thòi của đông đảo người dân có đất nhưng không được đảm bảo quyền sử dụng của mình. Họ sinh sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, tạm bợ để chờ cái gọi là quy hoạch bị “treo”. Họ như bị lãng quên ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Nếu người dân trong vùng quy hoạch phải sống trong cảnh lầy lội, nhếch nhác thì ngay phía bên kia đường, cách nhau chỉ khoảng 10m, khu không bị quy hoạch được đầu tư hạ tầng đường sá trải nhựa, thông thoáng.
Một góc xóm nhỏ nằm trong khu quy hoạch công viên hồ điều tiết huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, nhà cửa tạm bợ, con đường lầy lội...
Dự án khu đô thị Sing Việt nằm trên địa bàn xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, có diện tích hơn 331ha. Dự án có chủ trương quy hoạch từ năm 1997 với tổng vốn đầu tư dự kiến 300 triệu USD. Năm 2009, dự án bắt đầu triển khai song đến năm 2021 mới có khoảng 50% số hộ dân được chi trả bồi thường.
Dọc theo 2 bên tuyến đường Trần Đại Nghĩa dài hàng cây số, dự án vẫn chỉ là khu đất hoang hóa cỏ lau, lác đác vài mái nhà của người dân cố cựu.
Sau 26 năm quy hoạch, khu đô thị Sing Việt vẫn chỉ là những tấm bảng cắm rải rác ven đường.
Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5000 năm 1996, với tổng diện tích 930ha, bao gồm khu đô thị mới (770ha) và khu tái định cư (160ha). Khu đô thị bao gồm các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An và Bình Khánh.
Dự án tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện trung tâm Quận 1. Khu đô thị là dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính, văn hóa, thương mại, dịch vụ cao cấp, giải trí... với nhiều công trình điểm nhấn quan trọng... Sau ngần ấy năm quy hoạch, ngoài những hạ tầng cơ bản, khu đô thị vẫn chỉ là những khu đất trống bỏ hoang, chờ đầu tư xây dựng.
Liên quan dự án, suốt thời gian dài đã vướng không ít những bất cập về xác định ranh giới, đền bù giải tỏa, tái định cư… khiến khiếu kiện tập thể kéo dài, phức tạp. Cùng với đó, bao cảnh khổ của người dân cũng neo theo dự án.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao là các khu đất trống hoang hóa nằm cạnh những con đường khang trang.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh nhưng đến nay bên trong khu đô thị vẫn là những ao nước, bụi rậm...
Những khu đất hàng triệu đô vẫn đang nằm chờ các nhà đầu tư xây dựng.
Khoản 1, Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị 30/2019/QH12 ngày 17/6/2009 của Quốc hội quy định: Quy hoạch đô thị phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn; Thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là 5 năm, quy hoạch chi tiết là 3 năm, kể từ ngày quy hoạch đô thị được phê duyệt. Luật định là vậy nhưng sau 5 năm, khi người dân tiến hành thực hiện các quyền của mình thì lại bị “vướng” do đất vẫn thuộc diện quy hoạch, vì dự án ban đầu có thể bỏ nhưng quy hoạch không bỏ và chờ dự án mới. Trái khoáy, phức tạp, chồng chéo trong quy định, thực hiện và thực tế phải chăng cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng xây dựng không phép, sai phép do nhu cầu bức thiết về chỗ ở của người dân? |
(Còn nữa)