Bài 2: Khi trên "nóng", dưới "lạnh" trong xử lý vi phạm đất đai
“Đất công, lợi tư” - hệ luỵ từ một số dự án chưa được triển khai |
Sự quyết tâm của thành phố
Theo đánh giá của Thường trực HĐND TP Hà Nội, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND ngày 6/12/2018 của HĐND TP; Gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND TP và kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND TP, mặc dù UBND TP đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã giải quyết những tồn tại, hạn chế trong xử lý vi phạm dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai nhưng kết quả đạt rất thấp.
Các khu đất "vàng" khiến bộ mặt đô thị Hà Nội nhếch nhác, mất cân đối, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, nhất là nguy cơ xảy ra cháy nổ. Vì thế, TP Hà Nội yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng trên; Quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền để xảy ra sai phạm phải chịu trách nhiệm (Trong ảnh: Chợ cóc, chợ tạm trên khu đất dự án chưa triển khai ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) |
Để khắc phục tình trạng trên, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội”.
Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, ngành, đặc biệt là UBND quận, huyện, thị xã chấn chỉnh kỷ cương, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; Tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp để ổn định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của cơ quan, bộ phận chuyên môn làm công tác quản lý trật tự xây dựng của thành phố và các quận, huyện, thị xã.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, thống kê trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong những giai đoạn trước để xử lý dứt điểm; Thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý; Đồng thời có chế tài gắn trực tiếp trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc xử lý tồn tại cũ và phát sinh mới đối với các trường hợp vi phạm về đất đai, đặc biệt trong những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng công trình trái phép trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình hạ tầng giao thông, công trình an ninh, quốc phòng.
Các địa phương tăng cường cơ chế tự quản, phát huy vai trò của Nhân dân trong quản lý trật tự xây dựng; Chủ động rà soát các quy định của Trung ương và thành phố để ban hành hoặc sửa đổi các quy định, chế tài xử phạt theo hướng chặt chẽ, nghiêm minh, tăng tính răn đe và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Chính quyền cơ sở thờ ơ
Mặc dù TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”, trong đó có đặt ra mục tiêu, yêu cầu đối với chính quyền cơ sở từ phường, xã đến quận, huyện, thị xã nhưng đến thời điểm này, việc chấp hành các quy định của chính quyền các các cấp vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, thậm chí là làm cho qua.
Khu vực đất dự án bị chiếm dụng ở đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô đã bị báo chí phản ánh nhiều tuy nhiên vẫn chưa được lực lượng chức năng xử lý triệt để |
Đơn cử, liên quan đến tình trạng vi phạm trật tự đô thị, đặc biệt là tình trạng sử dụng đất sai mục đích diễn ra tràn lan trên phố Châu Văn Liêm (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) mà báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đề cập, ngày 18/7/2022, phóng viên đã đến trụ sở đặt lịch làm việc với UBND phường Phú Đô để có phản hồi đa chiều và thông tin chính thống đến độc giả.
Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 10/8/2022, lực lượng chức năng sở vẫn chưa có phản hồi. Trong khi đó, những vi phạm trên đã và đang tiếp tục tồn tại.
Hàng loạt ki ốt, nhà xưởng, gara ô tô đã "án ngữ" phần đất "vàng" của dự án chưa triển khai quanh Công viên Cầu Giấy làm lợi cho nhiều cá nhân, gây thất thu thuế của Nhà nước |
Tạm bợ, mất an toàn... là những gì diễn ra ở khu vực sử dụng đất dự án sai mục đích quanh Công viên Cầu Giấy |
Tương tự, đối với tình trạng sử dụng đất sai mục đích tại ngã tư Trần Thái Tông - Thành Thái; Khu vực cuối đường Thành Thái (nằm trong dự án đường nối từ khu đô thị Cầu Giấy đến đường Cầu Giấy); Việc lập chợ tạm sai quy định tại ngõ 60 Dương Khuê (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm), phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đến trụ sở và đặt lịch làm việc với đầy đủ thông tin liên hệ theo đúng quy trình tác nghiệp báo chí tại UBND phường Dịch Vọng và Mỹ Đình 2 (từ ngày 18/7/2022) nhưng đến nay, điều nhận được chỉ là sự im lặng khó hiểu từ các đơn vị này.
Chợ tạm ở địa chỉ 60 Dương Khuê, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm hoạt động ngày đêm mà không gặp khó khăn gì |
Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng các lực lượng chức năng đang cố tình làm ngơ cho vi phạm tồn tại, bất chấp Chỉ thị số 14 của Thành ủy Hà Nội?
Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đến đặt lịch với các phường - nơi để xảy ra sai phạm về lĩnh vực đất đai nhưng gần một tháng trôi qua, giấy giới thiệu cũng đã hết hiệu lực song các phường vẫn "lặng im" đến khó hiểu? |
Tính đến thời điểm tháng 5/2021, Hà Nội có 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Trong đó, 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác; 39 dự án dừng thanh tra; 17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND TP năm 2018 đến tháng 3/2021, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt. |
(Còn nữa)