“Đất công, lợi tư” - hệ luỵ từ một số dự án chưa được triển khai
Bài 1: Những quy định nằm trên giấy
Theo quy định hiện hành, các tổ chức, đơn vị khi được TP giao đất có trách nhiệm quản lý, sử dụng đất đúng mục đích được cấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Hà Nội, đặc biệt là nơi có tốc độ đô thị hóa cao, những quy định này vẫn chỉ nằm trên giấy.
Chợ, bãi xe, gara hàng nghìn mét vuông “tàng hình”
Theo thống kê, hiện trên địa bàn Hà Nội đang có hàng trăm dự án "ôm đất" dù đã quá thời hạn triển khai xây dựng tới hàng chục năm vẫn chưa bị thu hồi. Thậm chí, nhiều dự án chậm triển khai vẫn tiếp tục được gia hạn không những một lần mà còn nhiều lần. Điều đáng nói, trong thời gian chưa triển khai, không ít đơn vị được giao đất đã tự ý để một số cá nhân đứng ra dựng nhà xưởng, tổ chức kinh doanh, trông giữ phương tiện… sai quy định gây mất mỹ quan, an ninh trật tự.
Để minh chứng cho điều này, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có thời gian dài quan sát, ghi nhận trong tháng 7 và đầu tháng 8/2022 tại một số khu vực đang có dự án chưa được triển khai.
Cụ thể, tại khu vực ngã tư Trần Thái Tông - Thành Thái (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), hàng nghìn m2 “đất vàng” đã bị “phân lô” để dựng nhà xưởng, gara mua bán, sửa chữa ô tô... hoạt động từ sáng đến đêm. Tiếp đó, khu vực cuối đường Thành Thái (nằm trong dự án đường từ khu đô thị Cầu Giấy đến đường Cầu Giấy), một bãi xe với quy mô rộng hàng nghìn m2 với hàng trăm chiếc đậu đỗ, ngang nhiên tồn tại trong thời gian chờ dự án triển khai.
Bãi xe rộng mênh mông trên đất dự án chưa được triển khai ở cuối đường Thành Thái |
Theo ghi nhận của phóng viên, bãi xe này không niêm yết thông tin cấp phép, không trang bị các thiết bị phòng chống cháy nổ theo quy định nhưng vẫn tổ chức thu vé trong giữ xe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân quanh đây…
Khi thấy có xe dừng đỗ, người đàn ông đội mũ lưỡi trai ngay lập tức rời khỏi vị trí, ra tận nơi hỏi nhu cầu của khách |
Vào uống cà phê tại một quán trong khu vực, chúng tôi được một người đàn ông đội mũ lưỡi trai ra hỏi cặn kẽ. Theo anh này, nếu chỉ vào quán Trâu Kinh Bắc, London Restaurant để đặt món thì không lấy tiền vé xe nhưng nếu vào lâu thì giá vé là 30 nghìn đồng/xe ô tô.
Dù không có biển báo nhưng bất kỳ ai đến đây cũng phải nộp tiền gửi xe và không có vé |
Theo một chủ quán nước tại khu vực đó, bãi xe này chủ yếu phục vụ và thu vé nhân viên mấy tòa chung cư xung quanh.
Tài xế mất 30 nghìn đồng để xe ô tô được đỗ trong khu vực bãi xe không phép này |
Phóng viên ghi nhận có hàng chục xe ô tô, hàng trăm xe máy tại bãi đỗ không phép |
Tương tự, tại khu vực đường Châu Văn Liêm (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm), hàng nghìn m2 đất cũng đang bị chiếm dụng làm nơi dựng nhà xưởng, bãi trông giữ xe ô tô sai quy định.
Được biết, lực lượng chức năng phường Phú Đô đã nhiều lần ra quân xử phạt vi phạm trật tự đô thị nhưng tình trạng này vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa” khiến dư luận bức xúc về trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền phường.
Nhếch nhác, lấn chiếm vỉa hè là cảnh thường thấy ở đường Châu Văn Liêm - khu vực đất dự án chưa triển khai |
Thậm chí, tại khu vực ngõ 60 phố Dương Khuê thuộc địa bàn phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, một khu đất dự án với quy mô hàng ngàn m2 cũng đã bị chiếm dụng, dựng nhà tạm để tổ chức họp chợ.
Một khu chợ quy mô không nhỏ "mọc" trên đất dự án chưa triển khai ở đường Dương Khuê, phường Mỹ Đình 2 |
Thông tin đến báo Tuổi trẻ Thủ đô, một cán bộ phòng Kinh tế quận Nam Từ Liêm cho biết, phòng chỉ quản lý những chợ được cấp phép, còn chợ mà phóng viên phản ánh không nằm trong danh mục quản lý của phòng.
Vị này cũng đề nghị phóng viên liên hệ với UBND phường Mỹ Đình 2 để có thêm thông tin.
Vào giờ "họp chợ cóc", khu vực này còn được bao quanh bởi các hàng rong, ô dù... |
Như vậy, với câu trả lời của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động chợ thì có thể hiểu rằng khu chợ ở 60 Dương Khuê với quy mô hàng nghìn m2 nói trên chưa được cấp phép hoạt động.
Theo một người dân bán hàng tại chợ cóc này, sắp tới chợ còn "tiếp nhận" thêm nhiều tiểu thương từ chợ Xanh, đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy |
Trao đổi với chúng tôi, một số người dân sinh sống tại khu phố Dương Khuê cho biết, tình trạng dựng nhà tạm, họp chợ tại khu đất này diễn ra cách đây vài tháng. “Nghe nói chợ Xanh sắp giải tỏa nên khu chợ này sẽ đông hơn”, chị H bán hàng nước khu vực chợ cóc cạnh đó cho hay.
Trước tình trạng trên, người dân đã nhiều lần phản ánh với các lực lượng chức năng phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm nhưng không hiểu vì sao vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại. Chợ có vẫn hoạt động bình thường gây bức xúc trong dư luận.
Hệ lụy từ những công trình vi phạm
Do sử dụng đất sai mục đích nên gần như toàn bộ các tổ chức, cá nhân dựng nhà xưởng, tổ chức kinh doanh trên đất dự án chậm triển khai đều không được các cơ quan chức năng cho phép hoạt động. Do hoạt động chui, việc chấp hành các quy định về đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường của các cơ sở này là con số 0. Nếu xảy ra cháy nổ, hậu quả để lại sẽ rất nặng nề.
Khu vực chợ không phép ở 60 Dương Khuê hoạt động nhiều tháng qua và khá đông đúc |
Còn nhớ, vào 20h30 ngày 18/10/2014, tại hệ thống nhà xưởng, gara ô tô, quán ăn phía sau tòa nhà Keangnam, đường Dương Đình Nghệ, thuộc phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) đã xảy ra một vụ cháy lớn thiệu rụi hàng loạt nhà xưởng. Chưa dừng lại ở đó, 4 năm sau (khoảng 22h ngày 26/11/2018), bên trong khu nhà xưởng sửa chữa ô tô, kho chứa bàn ghế sofa tại khu đô thị Nam Trung Yên (cách tòa nhà Kangnam 200m) đã xảy ra cháy, thiêu rụi toàn bộ khu xưởng có diện tích hàng nghìn m2 được quây và lợp bằng tôn.
Gần đây nhất, khoảng 13h46 ngày 12/2/2022 tại khu vực “chợ 365”, phường Hà Cầu (quận Hà Đông) - ô đất trống tại khu đất nằm trong dự án xây dựng công trình công cộng nhưng bị một số đơn vị tiến hành dựng nhà xưởng, họp chợ gây bức xúc trong dư luận một thời gian dài - cũng xảy ra cháy. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi nhiều ki ốt và hàng hóa bên trong.
Trở lại vấn đề trên, theo những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được, ngoài sự “bánh trướng”, các khu vực trên đều không có “dấu hiệu” của việc cấp phép hoạt động. Nhân viên thu tiền không có vé, không mặc đồng phục. Lều lán được dựng lên bằng các vật liệu tạm bợ, không có thiết bị phòng cháy chữa cháy, biển hiệu…
Bên cạnh các nguy cơ về mất an ninh trật tự, tiềm ẩn xảy ra cháy nổ, sự tồn tại của những bãi xe, ki ốt, nhà xưởng "mọc" trên đất dự án chậm triển khai đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và cuộc sống của người dân trong khu vực.
Dù đã có rất nhiều sự cố xảy ra xuất phát từ các vi phạm như vậy nhưng không hiểu vì sao đến nay, những vi phạm trên vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm xử lý triệt để.
Theo số liệu tổng hợp sơ bộ của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 - 2021 vẫn còn hơn 650 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ. Cả giai đoạn, các lực lượng chức năng chỉ xử phạt vi phạm hơn 242 tỷ đồng. |
(Còn nữa)