Bài 2: Phú Mãn với chặng đường đáng nhớ
Những đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số TTTĐ - Nằm cạnh dòng sông Đà, xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) giáp ranh với 2 tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ - là ... |
Bộ mặt nông thôn mới thay đổi rõ rệt
Con đường hoa khoe sắc, tô điểm cảnh quan Phú Mãn |
Điều dễ nhận thấy ở Phú Mãn, trục chính trải dài trên địa bàn xã 10km được trải nhựa phẳng lì. Những con đường hoa uốn lượn mềm mại quanh sườn dốc thoai thoải. Hai bên đường, nhà cao tầng mọc san sát, cây cối xanh tốt; Gương mặt người dân vui mừng, phấn khởi phản ánh đời sống kinh tế, xã hội được nâng lên rất nhiều.
Đồng chí Đinh Công Nhật, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn |
Trò chuyện với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, đồng chí Đinh Công Nhật - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn vui mừng nói về sự đổi thay, phát triển của vùng đất sau 15 năm trở thành một phần của Thủ đô Hà Nội.
Đồng chí Đinh Công Nhật cho biết, Phú Mãn là một trong hai xã dân tộc miền núi của huyện Quốc Oai. Cư dân sinh sống ở đây chủ yếu là người Mường, chiếm 87,8%, còn là người Tày, Thái, Cao Lan, Kinh. Đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội nơi đây mang nét riêng biệt, đậm bản sắc dân tộc Mường.
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, trở thành một phần của Hà Nội, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến huyện, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, bộ mặt Nông thôn mới tại Phú Mãn được thay đổi rõ rệt.
Trước năm 2008, xã có đến 28 hộ nghèo nhưng đến năm 2022 không còn hộ nghèo mà chỉ còn 5 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người trước đây là 12 triệu đồng/người/năm thì nay đạt 65 triệu đồng/người/năm.
Trường học tại xã Phú Mãn được đầu tư mới khang trang, hiện đại |
Trước đây bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp với diện tích 84ha với cây lúa, hoa màu, cây ăn quả. Hiện nay, bà con sản xuất ổn định, đảm bảo an ninh lương thực. Với sự phát triển của kinh tế thị trường, nhiều doanh nghiệp hoạt động phát triển tại địa phương, tạo việc làm cho bà con Nhân dân. Tỷ lệ lao động có việc làm chiếm tới 65,7%.
Những con đường trải nhựa được người dân quan tâm dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa, đảm bảo luôn xanh, sạch, đẹp. Cơ sở hạ tầng của xã phát triển hơn xưa rất nhiều.
Người dân chăm chút cho cảnh quan, môi trường sống của mình |
15 năm về trước, đường giao thông chính trong xã chỉ là bê tông và đường đất, nay được trải nhựa và có hệ thống đèn chiếu sáng công cộng. 28km đường liên xã và ngõ xóm được cứng hóa bê tông và trải nhựa, chiếm 95%. Hệ thống đèn chiếu sáng được thành phố và huyện đầu tư đến từng ngõ xóm. Hệ thống kênh mương và giao thông nội đồng cũng đã được cứng hóa bê tông 90% phục vụ sản xuất nông nghiệp và giao thương của bà con Nhân dân thuận tiện hơn.
Phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc
Về mặt văn hóa xã hội, UBND xã đã làm công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Mường. Hàng năm, xã đều tổ chức các lễ hội cồng chiêng, biểu diễn dân ca Mường, trang phục dân tộc thu hút đông đảo người dân tham gia. Các hoạt động thể dục thể thao như bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ… cũng được tổ chức, mang lại sự hào hứng, sôi nổi cho Nhân dân trên địa bàn cũng như các vùng khác tới xem.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ giữ gìn bản sắc dân tộc của xã Phú Mãn |
Hiện nay xã đã thành lập được 6 câu lạc bộ cồng chiêng với số lượng trên 100 người. Công tác truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ được xã quan tâm, duy trì đều đặn.
Xã Phú Mãn cũng đã được đầu tư các thiết chế văn hóa. Mỗi thôn đều có quy ước, hương ước làng văn hóa. Tỷ lệ hộ dân được công nhận Gia đình văn hóa đạt 97%. Xã cũng được thành phố quan tâm, đầu tư theo Kế hoạch 253 về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
5 thôn trên địa bàn xã đều được đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang với cơ sở vật chất bàn ghế, TV, âm thanh, hệ thống internet miễn phí. Xã có 1 thư viện chung, đồng thời tại nhà văn hóa của các thôn cũng được trang bị 2 tủ sách giúp bà con Nhân dân tiếp cận các loại sách báo.
Người dân xã Phú Mãn rất hào hứng khi được thụ hưởng cơ sở vật chất văn hóa, thiết bị thể thao ngoài trời. Bà con đến tham gia rất đông. Ngoài các hoạt động chung của xã, mỗi thôn lại có những chương trình văn hóa văn nghệ riêng.
Công tác giáo dục trên địa bàn xã cũng rất được chú trọng. Xã có trường ở 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS. Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, cả 3 cấp học đã đạt chuẩn cấp độ 2 và tiến tới mức độ 3. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi được đến trường đạt 100%. Tỷ lệ giáo viên chuẩn hóa đạt 100%.
Trước năm 2008, cơ sở vật chất cũ, trang thiết bị thì thiếu. Năm 2016 cả 3 nhà trường được đầu tư xây dựng mới, khang trang, đầy đủ các cơ sở vật chất phục công tác giảng dạy và học tập.
Đội ngũ y tế của xã Phú Mãn đã đạt chuẩn, có bác sĩ đa khoa khám chữa bệnh cho bà con Nhân dân tại trạm y tế. Năm 2020, theo Kế hoạch 166, 253 của thành phố Hà Nội trạm y tế xã được xây mới với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người dân đạt 95%.
Có thể nói, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, bộ mặt tổng thể của xã Phú Mãn đã thay đổi rất nhiều. Xã đã về đích Nông thôn mới năm 2016, tiếp tục hoàn thiện đề án xây dựng Nông thôn mới nâng cao.
Nhà văn hóa của Phú Mãn |
“Trong thời gian tới, xã có hai nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể. Thứ nhất là hoàn thiện đề án Nông thôn mới nâng cao. Thứ hai là phát triển du lịch cộng đồng, giới thiệu những sản phẩm OCOP trên địa bàn xã tới thị trường, giúp bà con Nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình, đảm bảo cuộc sống, an sinh xã hội. Cán bộ và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Phú Mãn đồng lòng, cùng với Nhân dân trên địa bàn huyện xây dựng Quốc Oai giàu đẹp, phát triển”, đồng chí Đinh Công Nhật khẳng định.
Các sản phẩm OCOP trên địa bàn xã là thịt lợn rừng và mật ong rừng, thanh long ruột đỏ đang trên đà xây dựng thương hiệu. Xã đã thành lập các hợp tác xã thương mại dịch vụ và du lịch để có thể đưa sản phẩm này đến với đông đảo người dùng hơn nữa.
Lợi thế của Phú Mãn là có rừng nên các khu du lịch sinh thái rất được du khách ưa chuộng. Bên cạnh đó, 5 cơ sở homestay đang hoạt động với trải nghiệm nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực và văn hóa văn nghệ, văn hóa địa phương.
Xã đang có kế hoạch thành lập điểm du lịch tại các khu dân cư đảm bảo lượng khách du lịch đến với xã ngày càng tăng lên; Đồng thời, tăng tính kết nối với các điểm lân cận như Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chùa Thầy…
Để làm được điều đó, Phú Mãn đang có những kế hoạch, đề án triển khai thu hút đầu tư, tạo cơ chế, quy hoạch điểm khu du lịch như trồng hoa, làm bugalow để đảm bảo giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của địa phương đồng thời phát huy tiềm năng du lịch, giữ khách ở lại lâu hơn với bà con.
(Còn nữa)