Bài 2: Sự hiển thánh của Hai Bà Trưng và những điều lạ lùng mắt thấy tai nghe
Giới trẻ hào hứng "check-in" tại đền Hai Bà Trưng Người dân mong mở cửa đền Hai Bà Trưng |
Hiển thánh cứu dân, giúp nước
Trong quyển “Truyền thuyết Hai Bà Trưng” do Ty Văn hóa Vĩnh Phú ấn hành năm 1973, nhà nghiên cứu Trần Quốc Phi đề cập đến nhiều thần tích, ngọc phả... để minh chứng cho sự hiển thánh của hai vị nữ đại vương - những ngày đã “lãnh đạo toàn quân vùng dậy lật đổ nền đô hộ tàn bạo của ngoại bang, giành lại tự do, độc lập cho dân tộc, xây dựng một nhà nước do phụ nữ nắm chính quyền và tiến hành một cuộc kháng chiến chống xâm lược quyết liệt”.
![]() |
Thần tượng của nhị vị nữ vương được thờ phụng tại đền Hai Bà Trưng |
Các nhà nghiên cứu đều thống nhất quan điểm rằng trong tâm thức của Nhân dân, Hai Bà Trưng là hiển thánh của bách gia trăm họ. Với đức độ và tấm lòng trong sáng, Hai Bà đặt nợ nước lên trên thù nhà, tạm giấu khăn tang trước giờ ra trận để khỏi xúc động trước ba quân. Công lao to lớn của Hai Bà Trưng trong cuộc khởi nghĩa, giành độc lập dân tộc không có lời nào để ca ngợi tuyệt đối, mà chỉ có lòng kính trọng: “Vua chị, vua em, hào kiệt thế gian khó sánh”.
![]() |
Ảnh tư liệu về lễ hội đền Hai Bà Trưng |
Sử sách đều lưu lại những lần hiển linh của Hai Bà để cứu nhân độ thế. Tương truyền, vào đời Vua Lý Thái Tông (1028-1054), gặp năm đại hạn, dân tình điêu đứng, cỏ cây khô cằn, người chết đói rất nhiều. Nhà vua liền sai nhà thiền sư lập đàn cầu mưa suốt bảy ngày bảy đêm. Quả nhiên, lời cầu khấn ứng nghiệm, cơn mưa ào ào trút xuống, tưới khắp vùng miền, tiếng ca vui mừng nổi lên khắp nơi trong cả nước.
Nhà vua vui mừng ngắm mưa, bỗng dưng ngủ thiếp đi. Trong chiêm bao, vua mộng thấy hai người con gái đội mũ phù dung, mặc áo xanh, thắt lưng đỏ, cưỡi ngựa sắt theo gió lướt tới. Vua lấy làm lạ, bèn hỏi: “Hai vị là thần thánh nơi nào?”. Hai người trả lời: “Chúng ta là chị em họ Trưng, vì thương Nhân dân điều linh nên làm ra mưa”. Nói xong, hai bà cưỡi ngựa sắt bay lên trời. Nhà vua tỉnh giấc mộng, cảm kích trước tâm lòng của Hai Bà nên đã sắm lễ và đem đến dâng tại đền Hai Bà.
Những điều mắt thấy tai nghe
Tuế nguyệt dãi dầu, rất nhiều năm tháng đã trôi qua song những câu chuyện về sự linh ứng của Hai Bà Trưng vẫn được người dân vùng Mê Linh kể cho nhau từ đời này sang đời khác.
Ông Trần Văn Quang (SN 1955, trú làng Hạ Lôi, xã Mê Linh) đã làm công việc thủ từ tại đền Hai Bà Trưng từ năm 2002. Người đàn ông kinh qua rất nhiều biến cố trong cuộc đời, cuối cùng lại lựa chọn nghiệp phụng thờ, hương khói cho Hai Bà như một sự cầu phúc cho bản thân và gia đình. Hai mươi năm qua, mờ mịt hoặc rõ ràng, ông đã mắt thấy tai nghe nhiều sự linh ứng khó tin xảy ra tại đền Hai Bà.
![]() |
Ông Trần Văn Quang kể về những điều linh ứng lạ lùng tại đền Hai Bà Trưng |
Giọng ông Quang chậm rãi và rành rọt: “Trước đây, phía sau khu hậu cung - nơi Hai Bà ngự - có một cây đa cổ thụ, đường kính phải tới mấy người ôm. Cây đa mọc vững vàng trên tường thành đất, tán xòe rộng che cả một phần mái đền. Những tưởng cây không bao giờ đổ được, thế mà, cơn bão kinh khủng năm 2004 đã quật đổ gốc đại thụ này.
Ngay trong lúc mưa bão, người dân trong làng Hạ Lôi chạy ra đền, vì lo sợ rằng cây đổ sẽ đè lên mái hậu cung, làm hư hại nơi ngự của Hai Bà; Song điều lạ lùng là cây lại đổ dọc theo tường thành, không phạm tới hậu cung chút nào. Ai chứng kiến cũng tấm tắc cho rằng sự lạ, hẳn do Hai Bà anh linh”.
Nói thêm về thành cổ Mê Linh, nơi mà những di tích như thành Ống, thành Dền, thành Vượn còn đang chứa đựng trong lòng nhiều điều bí ẩn đã bị lớp bụi của thời gian che lấp; Đồng thời, cũng là nền móng của ngôi đền Hai Bà Trưng bây giờ hiện vẫn còn dấu vết thành cổ đắp đất, hình “con rắn uốn mình” dài 1.750m, chỗ rộng nhất là 500m, chỗ hẹp nhất là 200m. Thành đắp bằng đất luyện, dày khoảng 1 ngũ (khoảng 2m), cao 1 trượng (khoảng 4m).
Bao ngoài bờ thành là quách dày 2 ngũ (khoảng 4m), cao 1 trượng (khoảng 4m). Khoảng cách giữa thành và quách là đường “thông cù” rộng 2 ngũ (khoảng 4m). Do có con đường “thông cù” này mà thành có tên là “thành Ống”. Vòng ngoài cùng là hào cắm chông tre.
Tương truyền, xưa kia trong thành có cung điện của Trưng Vương, ngoài thành có các trại quân bộ, quân thủy. Hiện nay còn di tích các đồn quân của nữ tướng Lự Nương và nam tướng Bạch Trạch ở phía trước đền Hạ Lôi, thuộc xã Tráng Việt. Đây chính là đất Phấn Lộ, huyện Chu Diên, nơi Hai Bà Trưng cho đắp đô thành. Thành cổ đã được khai quật khảo cổ và thu được nhiều hiện vật có giá trị.
Đền Hai Bà Trưng còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý, đa dạng, phong phú về cả chủng loại và chất liệu như: Gỗ, đá, đồng, sứ, giấy… trong đó di vật gỗ chiếm đa số. Di tích Hai Bà Trưng chứa đựng những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, kiến trúc... Đây là nơi gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào dân tộc, sự cố kết cộng đồng… của cư dân Hạ Lôi.
Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ -TTg, ngày 9 tháng 12 năm 2013).
![]() |
Người dân Mê Linh cảm thấy vinh dự khi tham gia lễ hội Hai Bà Trưng |
Ngoài ra, sau nhiều năm thủ từ tại đền, ông Quang còn chiêm nghiệm hiện tượng khác thú vị. Đối với những gia đình có con trai, con gái được lựa chọn để rước kiệu hoặc phục vụ đám tế lễ vào đầu năm tại đền Hai Bà đều nhận được “lộc”, tức là học hành tiến bộ, đắt vợ đắt chồng, làm ăn tấn tới. Ông Quang nói: “Vì lẽ đó, được lựa chọn vào đội tế lễ trở thành một niềm vinh hạnh đối với thanh niên Mê Linh”.
Ông Nguyễn Viết Minh (Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh) cho biết: "Với người dân Mê Linh, Hai Bà Trưng như một điểm tựa về mặt tâm linh. Hai vị là anh linh của mảnh đất này”. Cùng chung quan điểm đó, ông Nguyễn Ngọc Liêm (Giám đốc Ban quản lý khu di tích đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh) bổ sung: "Đối với người dân địa phương, đặc biệt là người dân xã Mê Linh, đền thờ Hai Bà là điểm đến vô cùng linh thiêng và quan trọng. Bất cứ ai cũng mong mỏi vào đền lễ hai vị nữ Vương nhằm cầu cho một năm an lành, gia đạo bình an, công việc hanh thông thuận lợi”.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Đà Nẵng sẵn sàng cho mùa cao điểm du lịch và DIFF 2025

Tuần Du lịch năm 2025 kết hợp khai trương phố đi bộ

Hé lộ về quần thể du lịch văn hóa được kỳ vọng trở thành "Công viên Hoành Điếm" của Việt Nam

Loạt trải nghiệm không thể bỏ lỡ trong tháng 4 lịch sử tại núi Bà Đen

Khánh Hòa: Dự báo khách du lịch tăng mạnh dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5

Hải Phòng kỳ vọng phát triển du lịch đường thủy

Thế giới tiện ích dành cho trẻ em tại ALMA

Gặp gỡ Quốc Thiên trong đêm nhạc đặc biệt tại Sa Pa

Đánh thức Núi Chứa Chan - viên ngọc xanh ẩn mình
