Bài 2: Thanh niên thành phố mang tên Bác trên chặng đường đổi mới
Bài 1: Lớn mạnh từ khói lửa chiến tranh, ghi dấu son lịch sử hào hùng |
Thập kỷ tìm tòi đổi mới
Ngày 30/4/1975, cán bộ Thành đoàn theo đoàn quân Bộ Chỉ huy Tiền phương cánh Tây Nam cùng các mũi tiến công và nổi dậy của Thành đoàn về tiếp quản số 4 Duy Tân, trụ sở Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (nay là Nhà văn hoá Thanh niên TP Hồ Chí Minh). Ngày ấy hàng vạn thanh niên hội tụ nơi đây để gặp gỡ chiến sĩ giải phóng, tham gia văn nghệ, nghe thời sự…
Thành đoàn bấy giờ đứng trước vận hội mới của đất nước, đồng thời gánh trên vai sứ mệnh thế hệ trọng đại, thế hệ mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng gọi là: “Thế hệ thứ tư”.
Thấu hiểu giai đoạn vừa hân hoan vừa trăn trở ấy, ông Hoàng Đôn Nhật Tân, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Thành đoàn TP Hồ Chí Minh khi ấy vẫn là một cán bộ Đoàn trẻ tuổi với ngọn lửa nhiệt huyết dâng tràn, sẵn sàng cho những bước chuyển mình của đất nước.
Với ông Tân, thời kỳ đó, mỗi phong trào thanh niên tình nguyện luôn gắn liền với hình ảnh thân thương của đồng chí cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (từ năm 1976 là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, sau đó là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đến năm 1982), người mà lúc bấy giờ được Nhân dân trìu mến gọi là “chú Sáu Dân”.
![]() |
Ông Hoàng Đôn Nhật Tân, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Thành đoàn TP Hồ Chí Minh nhìn ngắm lại những tư liệu xưa |
Những ngày đầu tiên sau giải phóng, thực hiện chủ trương của thành phố về việc khắc phục những hậu quả do chiến tranh để lại, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh (lúc đã đổi tên từ Thành đoàn Sài Gòn) đã thành lập các đội thanh niên xung phong đi khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi… ở các huyện ngoại thành thành phố.
Các đội thanh niên xung phong đầu tiên này là tiền thân, là cơ sở để hình thành 2 Tổng đội Thanh niên xung phong: Tổng đội Thanh niên xung phong Thành đoàn và Tổng đội Thanh niên xung phong Xây dựng Kinh tế mới.
Ngày 28/3/1976, hơn một vạn thanh niên xung phong trong đội hình của 2 Tổng đội đã cùng đồng loạt ra quân đến vùng nông thôn ngoại thành thành phố, những nơi rừng sâu đầy gian khổ và vô cùng khó khăn để khai hoang, phục hóa, xây dựng những khu kinh tế mới… Đồng thời, 2 Tổng đội còn là lực lượng hậu bị quốc phòng và rèn luyện, giáo dục thanh niên thành con người có ích cho xã hội.
Ông Hoàng Đôn Nhật Tân nhớ lại, thế hệ lớp trẻ thời đó không ai không nhớ đến hình ảnh giản dị, gần gũi khi đồng chí Võ Văn Kiệt, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh lúc đó trao cờ truyền thống cho Thành đoàn trong Lễ xuất quân Thanh niên xung phong ngày 28/3/1976.
Lúc ấy, đồng chí Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt nói rằng: “Tuổi trẻ đem mồ hôi lao động của mình làm tươi xanh lại những mảnh đất căn cứ thiêng liêng mà giặc thù đã đổ bom, đổ đạn…”.
“Vinh quang thuộc về lớp trẻ đầu tiên, từ buổi giao thời phức tạp, đã xung phong đem vào hành động, đem vào đời sống lý tưởng mới, đạo đức mới. “Mình vì mọi người” rồi đây sẽ sáng chói lên trong tim mọi thế hệ lớn lên sau ở thành phố này!” Ông Tân trích lại lời của đồng chí Võ Văn Kiệt.
![]() |
Đến ngày 6/9/1977, UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập 2 Tổng đội, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ do Thành ủy, UBND thành phố giao phó; qua đó phất lên ngọn cờ đầu cho phong trào tình nguyện của thanh niên TP Hồ Chí Minh, là tiền đề để thanh niên "nối bước" tiến vào kỷ nguyên mới...
Trên tay tác phẩm “Võ Văn Kiệt - Kính chào thế hệ thứ tư” của Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (năm 2014), nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Thành đoàn kể thêm rằng, tình hình chung của thành phố sau ngày 30/4/1975 là nhan nhản thanh niên thất nghiệp, không nơi sinh hoạt tập thể, tiếp tục sống “bám víu vỉa Hè”, giết thời gian bằng văn hoá phẩm thời cũ, không thì tìm đến các quán đèn mờ…
“Không để tình hình trầm trọng, chú Sáu Dân chỉ đạo ngay: Đoàn cần hết sức chú ý đi sâu, đi sát, suy nghĩ sáng tạo ra những hình thức mới để tổ chức rộng rãi và thu hút đông đảo thanh niên ngoài Đoàn vào các họat động xã hội, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giải trí lành mạnh…”, ông Tân trích lại thông tin.
![]() |
Các phong trào văn nghệ của thanh niên, sinh viên thời kháng chiến (Ảnh: Tư liệu Thành đoàn TP Hồ Chí Minh) |
Lúc này, Thành đoàn đẩy mạnh hoạt động của các đơn vị sự nghiệp với chức năng giáo dục thanh thiếu nhi, như: Nhà Văn hóa Thanh niên thành phố, Nhà Thiếu nhi thành phố, Báo Tuổi trẻ, Báo Khăn quàng đỏ, Trường Đoàn Lý Tự Trọng… theo đúng chỉ đạo của chú Sáu Dân, lúc này đã là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Cũng nhờ vậy, hàng loạt các phong trào văn hoá cho thanh niên, thiếu nhi bùng lên mạnh mẽ, từ ca nhạc, văn thơ, sáng tác… đến các lễ hội vui chơi, tạo ra không gian giải trí, giáo dục thanh niên, lôi cuốn tuổi trẻ gắn bó chặt chẽ với hoạt động lành mạnh của Đoàn.
Sau này, những kỷ niệm ngày ấy được ông Hoàng Đôn Nhật Tân chắt lọc thành bài viết “Ngọn lửa Võ Văn Kiệt”, được đưa vào tập tác phẩm “Đồng chí Võ Văn Kiệt dấu ấn sâu đậm”, xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022).
Cái nôi giúp phong trào sinh viên lớn mạnh
Trải qua 10 năm đầu, cơ bản nhiều thách thức đã được giải quyết, song thời kỳ những năm 1990 bấy giờ, thực tế ở các huyện ngoại thành tình trạng mù chữ của bà con còn nhiều, nhu cầu xóa mù chữ rất cần thiết. Lúc này, phong trào tình nguyện xóa mù chữ đã được sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh thực hiện dưới tên gọi “Công tác hè”.
Với chỉ 35 sinh viên tham gia ban đầu, phong trào càng ngày càng lớn mạnh và lan toả sang nhiều trường khác, số lượng sinh viên tham gia theo đó cũng tăng dần qua mỗi năm. Từ thực tế phong trào, hiểu được nhu cầu bức thiết của cuộc sống, tháng 7/1994, Ban Thường vụ Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã quyết định phát động Chiến dịch tình nguyện “Ánh sáng văn hóa Hè”, tổ chức thí điểm tại huyện Bình Chánh.
Năm đầu tiên, chiến dịch thu hút được 700 sinh viên tham gia, tổ chức lớp học và trực tiếp giảng dạy trong gần 3 tháng, xóa mù chữ cho 483 người ở mức 1 và 504 người ở mức 2; qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục của thành phố.
Năm 1995, Thành đoàn mở rộng phạm vi chiến dịch đến tất cả các huyện ngoại thành của TP Hồ Chí Minh và huyện Đông Phú, tỉnh Sông Bé (nay là Bình Phước). Chiến dịch thành công, từ năm 1994 - 1996, có 5.780 người được xóa mù chữ đạt mức 1 và 15.132 người được xóa mù chữ mức 2. Cuối năm 1996, TP Hồ Chí Minh đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ.
![]() |
Các lớp xoá mù chữ trong chiến dịch "Ánh sáng văn hóa hè" (Ảnh: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) |
Sau thành công vang dội từ “Ánh sáng văn hóa Hè”, Ban Thường vụ Thành đoàn quyết định đẩy mạnh phong trào tình nguyện trong sinh viên, học sinh thành phố lên một bước cao hơn. Tên gọi, phương thức, nội dung, cách vận động hoàn toàn khác trước. Chiến dịch tình nguyện “Mùa Hè xanh” chính thức ra đời từ Hè 1997.
Chỉ trong thời gian ngắn sau đó, “Mùa Hè xanh” đánh dấu nhiều bước phát triển lớn mạnh, lan rộng đến Bến Tre và Trà Vinh vào năm 2000; tiếp nhận những thanh niên tình nguyện từ các quốc gia như Mỹ, Malaysia... cùng đến tham gia hoạt động tình nguyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2001; mở rộng sang nước bạn Lào (2004) và Campuchia (2007)…
Với phương châm: "Đi dân nhớ, ở dân thương, làm dân tin", Chiến dịch "Mùa Hè xanh" là điển hình cho vai trò "xung kích, tình nguyện" của đoàn viên, sinh viên trong tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Bên cạnh những giá trị cộng đồng, chiến dịch còn góp phần bồi dưỡng kỹ năng mềm, kỹ năng công tác xã hội, giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên, sinh viên từng thế hệ.
Về sau, rất nhiều chiến dịch tình nguyện phù hợp với từng đối tượng khác nhau được Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức, triển khai, như: Chương trình Tiếp sức mùa thi (năm 1997), Chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ (năm 1999), Chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng (năm 2002), Chiến dịch tình nguyện Hành quân xanh (năm 2007), Chương trình Gia sư áo xanh (năm 2012)…
![]() |
Các phong trào, Chiến dịch "Mùa Hè xanh" ngày càng được đẩy mạnh trong những năm sau đó |
Từ những phong trào tình nguyện đầu tiên sau ngày giải phóng, tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh đã không ngừng phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, góp phần quan trọng vào sự phục hồi, phát triển của thành phố và đất nước.
Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta thêm trân trọng những đóng góp to lớn của bao thế hệ thanh niên đi trước, truyền lửa để thế hệ trẻ hôm nay viết nên những câu chuyện đẹp về tinh thần tình nguyện, sáng tạo, viết nên một trang sử mới đầy tự hào về TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đáng sống.
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Bài 1: Lớn mạnh từ khói lửa chiến tranh, ghi dấu son lịch sử hào hùng

Bí thư Trung ương Đoàn thăm, động viên lực lượng diễu binh, diễu hành

Bài 5: Đoàn đồng hành và thúc đẩy bứt phá cùng thanh niên

Bài 4: Đoàn Thanh niên đào tạo “ba-lô số” cho người trẻ

Hát Quốc ca tại địa chỉ đỏ lan tỏa mạnh mẽ tình yêu nước

Bài 3: “Chiến binh số” khởi nghiệp từ máy tính và nghị lực thép

Sinh viên chế tạo vữa chống cháy, cách nhiệt thân thiện với môi trường

Khơi dậy lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ Thủ đô

Hành trình “Theo bước chân người anh hùng” của tuổi trẻ Bình Thuận
