Bài 3: “Dẹp loạn” lòng, lề đường - quá khó khi loay hoay giữa lý và tình
“Chợ chạy” - câu chuyện chưa có hồi kết tại TP Hồ Chí Minh Bài 2: "Chợ chạy" cho công nhân và cuộc mưu sinh |
Khó từ lý…
Có thể nói, việc ra quân chấn chỉnh trật tự lòng, lề đường được các địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục. Hình ảnh lực lượng liên ngành phối hợp giải tỏa, dọn dẹp các khu buôn bán trái quy định trên địa bàn không còn là cảnh hiếm gặp.
Người dân TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh hẳn đã quen với cảnh người buôn gánh bán bưng chạy hối hả mỗi khi lực lượng chức năng đi kiểm tra. Ấy thế mà lực lượng có mặt thì đường sá thông thoáng, lực lượng vừa đi thì cảnh mua bán tấp nập lại diễn ra bình thường.
Nghịch cảnh này khiến không ít ý kiến cho rằng lực lượng chức năng không thực hiện hết nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Thậm chí có ý kiến “nặng nề” cho rằng có tiêu cực trong công tác lập lại trật tự lòng, lề đường. Cái nhìn của dư luận là vậy, tuy nhiên thực tế việc chấn chỉnh vấn nạn lấn chiếm lòng, lề đường là không phải dễ, thậm chí còn quá nhiều cái khó, nan giải.
Đội trật tự đô thị đang xử lý khu chợ tự phát trên đường Lã Xuân Oai, phương Trường Thạnh, TP Thủ Đức |
“Chúng tôi hiện chỉ có 2 cán bộ trật tự đô thị, một cán bộ công chức, còn lại là nhân viên hợp đồng của Phòng Quản lý đô thị được cắt cử giao về phối hợp cùng địa phương. Khối lượng công việc thì rất lớn, mà lực lượng quá mỏng nên khó có thể quản lý bao quát hết địa bàn”, một lãnh đạo phường Tam Bình (TP Thủ Đức) cho biết.
Việc nhiều, người ít nên lực lượng nơi đây chủ yếu chỉ tập trung vào những điểm nóng trên địa bàn, như tuyến đường Suối Ba Bột, đường Gò Dưa, chợ Tam Bình… Không thể lập chốt nên chuyện dẹp lòng, lề đường cứ mãi theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”.
Cái khó không chỉ nằm ở chuyện việc nhiều, người ít, ngay cả lực lượng liên ngành đi thật đông nhưng đôi khi cũng chỉ “đóng vai” giữ an ninh là chính, còn việc xử lý thì… vướng. Theo quy định, người lập biên bản vi phạm phải là công chức, nhiều khi cán bộ thực thi chỉ là nhân viên hợp đồng nên danh không chính, việc cũng không thuận mấy.
Lực lượng đi làm nhiệm vụ gồm cán bộ trật tự đô thị (TTĐT), công an, dân quân, bảo vệ dân phố, nhưng chỉ duy nhất có cán bộ TTĐT được phép thu giữ tang vật vi phạm, còn lực lượng công an, dân quân, bảo vệ dân phố chỉ làm nhiệm vụ giữ an ninh, điều phối xe lưu thông.
“Nếu công an hay dân quân, bảo vệ dân phố tham gia thu giữ là làm trái quy định. Thế nên, nhiều khi nhìn lực lượng tham gia đông nhưng thực chất chỉ có 1 - 2 người đủ chức năng xử lý”, một lãnh đạo phường Tam Bình chia sẻ thêm.
Vì nhu cầu mưu sinh, nhiều người bất chấp quy định pháp luật nên buôn bán trên lòng lề đường |
Cái khó không chỉ ở địa bàn phường Tam Bình mà là cái chung của tất cả các địa phương. Nhiều địa phương thậm chí chỉ được biệt phái về 1 cán bộ TTĐT (như phường Tam Phú) nên cái khó lại nhiều hơn.
Không chỉ khó về người, thực tế hiện nay, lực lượng TTĐT một số địa phương hiện không có phương tiện, chế độ… cho cán bộ đi làm nhiệm vụ. Để có thể thực hiện nhiệm vụ được giao, các địa phương phải vận dụng tất cả những gì mình có, thậm chí đưa cả xe đặc chủng của lực lượng công an vào để giải quyết công việc.
Rồi câu chuyện kho bãi, thiết bị để chứa và bảo quản những tang vật tạm giữ hiện cũng là vấn đề chưa có “lối thoát”. “Nếu thu giữ những mặt hàng tươi sống mà không bảo quản, để hư hỏng thì mình sai, phương tiện thu giữ để hư hỏng cũng sai. Theo quy định, những tang vật đó chỉ tạm giữ, sau khi người vi phạm đóng phạt thì phải trả lại cho người dân. Với điều kiện hạ tầng thiếu thốn như hiện nay, địa phương rất dễ phạm “lỗi” khi thực hiện công tác”, một lãnh đạo phường Tăng Nhơn Phú A trăn trở.
… nặng chữ tình
Trong những chuyến đi thực tế, theo tìm hiểu, hầu hết những người tham gia mua bán lấn chiếm lòng, lề đường là người dân có hoàn cảnh khó khăn từ các tỉnh tìm về thành phố này mưu sinh.
Theo những hoàn cảnh này tính toán, chi phí cơ bản của một gia đình sống nơi đây ít nhất 150.000 đồng/ngày, trong đó 50.000 đồng là tiền nhà trọ, 50.000 đồng tiền ăn và 50.000 đồng là tiền học. Chắt chiu, tằn tiện nên vốn kinh doanh chỉ từ vài trăm ngàn (hàng rau) đến vài triệu đồng (mặt hàng thực phẩm tươi sống).
Họ chấp nhận cảnh “chạy chợ” đầy dẫy khó khăn, bấp bênh, chỉ mong đắp đổi bữa cơm hàng ngày. Nhiều người kiếm việc làm không có, cũng không thể quay về quê nên chọn cách mưu sinh lòng, lề đường.
Mặc dù biết khi làm công việc đó là đang vi phạm các quy định về trật tự đô thị, phải đối mặt với rất nhiều rủi ro nhưng có lẽ vì các khoản cơm áo gạo tiền, chuyện học hành con cái nên họ cam chịu đánh đổi.
Chính tình cảnh của họ khiến không ít cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ cũng cảm thấy nao lòng. “Lúc trước, khi còn làm cán bộ TTĐT, trong một lần đi dẹp lòng, lề đường khu chợ công nhân trên địa bàn phường Linh Trung, khi thấy lực lượng chức năng đến, người buôn bán bung ra chạy tán loạn, một vài người trong số họ đã gặp tai nạn. Lúc đó, cả tổ công tác chùng lại. Nhiệm vụ vẫn phải thực hiện nhưng hình ảnh vụ tai nạn đó khiến tôi cứ mãi day dứt khi nhớ lại.
Có lần, chúng tôi dẹp sạp rau của một chị bày bán trên vỉa hè của đường Gò Dưa, đang lúc dọn tang vật lên xe đưa về phường xử lý theo quy định thì người chồng về đến. Mấy đứa con thấy cha về chạy ra hỏi cha nay có mua được gì ăn không? Nghe vậy, anh em hỏi thăm mới biết nhà tận dụng trồng rau nên bày trước nhà bán. Tiền bán rau cũng chính là bữa cơm chiều cho cả gia đình. Thay vì xử lý, mọi người đưa rau trở lại và chỉ nhắc nhở…
Nói thật, chẳng có việc nào khó như việc dọn dẹp trật tự lòng, lề đường, nếu căng lý ra thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ thì đẩy nhiều hoàn cảnh vào đường khốn khó, mà nếu để chữ tình lên thì sẽ bị xử lý kỷ luật vì không làm tròn nhiệm vụ được giao. Khó lắm!…”, một cựu cán bộ TTĐT tâm tư.
Bán hàng bày ra giữa đường cạnh Công ty PouYuen Việt Nam |
Có rất nhiều trường hợp, sau khi bị tạm giữ phương tiện, tang vật mua bán, họ bỏ luôn không quay lại xử lý, vì số tiền phạt vi phạm nhiều khi còn lớn hơn cả số tiền mua lại phương tiện. “Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp vi phạm lúc đầu dùng phương tiện, vật dụng tốt để bán đồ tươi sống, bị bắt riết họ đổi qua dùng những vật dụng thô sơ. Lúc đầu, anh em tưởng là họ đối phó, nếu bị bắt thì bỏ luôn, sau mới biết họ không còn khả năng để mua sắm lại. Bắt riết nhìn họ cũng tội, nhiều anh em cũng ngại bắt”, một cán bộ đội TTĐT TP Thủ Đức tâm sự.
Với những cái khó hiện hữu, chuyện chấn chỉnh “làm sạch” lòng, lề đường là chuyện không hề dễ nếu không muốn nói là không thể làm được ngay. Nếu đổ hết trách nhiệm cho địa phương, cho cán bộ thực thi thì e rằng chưa công tâm trong cái nhìn hay đánh giá. Việc chấn chỉnh lòng, lề đường rõ ràng cần phải có sự đồng tâm hiệp sức và giải pháp đồng bộ từ các cấp chính quyền mới có thể thực hiện hiệu quả.
Nhu cầu mua bán trang trải cuộc sống từng ngày của một bộ phận người dân lao động nghèo là có thật, nên dù có biện pháp chế tài nào cũng không đủ sức cản được câu chuyện mưu sinh bức thiết. Một chủ trương đúng là một chủ trương có thể đi sâu sát vào đời sống xã hội và được đa phần người dân ủng hộ.
Với câu chuyện chấn chỉnh lòng, lề đường nên chăng cần có lộ trình bài bản, có sự chuẩn bị về hạ tầng cơ sở, có chính sách hỗ trợ cho người thực thi pháp luật và người dân sinh sống mua bán nơi hè phố, có mục tiêu, kế hoạch rõ ràng trong việc thay đổi thói quen của người dân đã hình thành từ lâu…
Trong thực tế, đã có rất nhiều buổi hội nghị, hội thảo của những cơ quan hữu trách nhằm tìm ra giải pháp cho câu chuyện “làm sạch” lòng, lề đường nhưng hình như chưa có cuộc hội thảo nào để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân đang mưu sinh nơi đây.
Ông Trần Nguyên Đán - chuyên gia kinh tế, giảng viên trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh Đã đến lúc cần phải có quy hoạch vỉa hè Theo tôi, thay vì dẹp vỉa hè thì nên thừa nhận nó như một loại hình văn hoá, đồng thời quy hoạch lại vỉa hè thành một thứ có thể cho thuê nhưng có quy cách, cho thuê có hợp đồng và tùy khu vực chứ không phải tràn lan. Dưới góc độ xã hội, việc mưu sinh trên vỉa hè giải quyết được kinh tế cho những gia đình khó khăn. Lâu nay chúng ta quá tập trung vào câu chuyện cần vỉa hè, lề đường đi lại nhưng quên mất nhóm người cần lề đường để ngồi ăn, uống. Nhu cầu này có thật và rất lớn. Có một thực tế là tâm lý của người đến du lịch tại TP Hồ Chí Minh họ vẫn thích những con đường sôi nổi, vui nhộn chứ không muốn lang thang trên những con đường không người. Lâu nay chúng ta quy hoạch toàn dự án, quy hoạch mở rộng đường giao thông… nhưng giờ đã đến lúc cần phải có quy hoạch vỉa hè để dung hòa nhu cầu xã hội. Vỉa hè cho thuê phải đủ lối cho người cần đi và đủ chỗ cho người cần thuê, vi phạm thì xử lý nặng. Việc buôn bán tại các con hẻm là tuyệt đối cấm. Chỉ cho phép thuê vỉa hè tại những trục đường lớn đủ điều kiện. |