Bài 3: “Dọn đường phong quang” để Nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững
Bài 2: Nhanh chóng nối lại chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm Nhân lên những “vùng xanh” nông nghiệp an toàn |
Hiệu quả từ liên kết chuỗi
Thời gian gần đây, khi dịch Covid-19 làm đứt gãy hoạt động tiêu thụ nông sản, nhiều hộ nông dân ở các huyện ngoại thành Hà Nội phải trông cậy vào sự trợ giúp của chính quyền, các hội, đoàn thể, người dân… để tiêu thụ nông sản.
Vượt lên khó khăn dịch bệnh, rất nhiều hộ nông dân, cơ sở sản xuất nông nghiệp vẫn tiêu thụ nông sản bình thường, thậm chí lượng hàng hóa bán ra thị trường còn tăng gấp đôi. Lý do là bởi các hộ dân, cơ sở sản xuất này đã liên kết lại tạo thành chuỗi giá trị, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức bán hàng và giao hàng tới tận tay người tiêu dùng. Sự khác biệt rõ rệt đó đã cho thấy hiệu quả của việc liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.
Hà Nội hiện có 82 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật |
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, hiện thành phố có 141 chuỗi liên kết, trong đó, 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh; Bảo đảm điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.
Dẫn chứng về tính hiệu quả của chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ cho biết: Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp song chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch của công ty vẫn duy trì ổn định. Hiện công ty có mối liên kết chặt chẽ với hơn 100 cơ sở sản xuất và 90 cửa hàng phân phối trên thị trường, giúp Organic Green bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
“Dịch bệnh lây lan phức tạp, nhiều chợ dân sinh tạm đóng cửa nên người mua có xu hướng tìm đến sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Cùng với đó, để kích cầu mua sắm, công ty có chương trình giảm giá 15% tất cả các mặt hàng, hỗ trợ giao hàng miễn phí với đơn hàng từ 800.000 đồng trở lên. Từ đó, lượng hàng bán ra tăng gấp đôi so với giai đoạn chưa có dịch”, ông Nguyễn Văn Chữ thông tin.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh song các chuỗi liên kết vẫn hoạt động thông suốt trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội |
Tương tự, Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (huyện Hoài Đức, Hà Nội) mỗi ngày vẫn tiêu thụ được hơn 10 tấn rau nhờ mô hình liên kết chuỗi. Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Hợp tác xã cho hay: Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên trước đó, hợp tác xã đã liên kết với Công ty TNHH An toàn thực phẩm Hà Nội (quận Cầu Giấy) và Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Liên Anh (huyện Hoài Đức) nên bảo đảm được khâu tiêu thụ. Hiện nay, hợp tác xã vẫn duy trì ổn định sản xuất rau xanh trên diện tích 33ha, mỗi ngày cung cấp hơn 10 tấn rau các loại.
Hướng tới sự phát triển bền vững ngành Nông nghiệp Thủ đô
Có thể thấy rằng, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song các chuỗi liên kết vẫn hoạt động thông suốt trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, góp phần bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn cho người dân.
Mặc dù đem lại nhiều hiệu quả tích cực song thời gian qua nhưng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế nên chưa phát huy tối đa lợi thế.
Việc tập trung sản xuất theo chuỗi là giải pháp hướng tới sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp |
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Điểm yếu chung của hầu hết các chuỗi nông sản, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp chính là sản xuất nhỏ lẻ dẫn tới khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như thương hiệu sản phẩm.
Do đó, để thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo mô hình chuỗi liên kết. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô chú trọng việc đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
“Trước mắt, để hỗ trợ các chuỗi phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố và địa phương tăng cường công tác kết nối, tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn. Về lâu dài, Chi cục và các chuỗi liên kết sẽ phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo…”, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Không chỉ đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần nhanh chóng rà soát quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh; Thúc đẩy đăng ký và quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đồng thời, ngành tăng cường kết nối với các doanh nghiệp có khả năng đầu tư lâu dài, sẵn sàng chia sẻ lợi ích với nông dân để xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị, ổn định đầu ra cho nông sản Thủ đô.
Hà Nội cần sớm xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích hợp tác, liên kết, từ đó tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản |
Thông tin về những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi liên kết, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để các chuỗi liên kết tiếp tục phát triển, Hà Nội sẽ sớm xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích hợp tác, liên kết, từ đó tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Về phía các doanh nghiệp, hợp tác xã, cần nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, phát triển sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ trong quá trình sản xuất, chế biến... Đây là vấn đề cốt lõi đối với việc phát triển các chuỗi liên kết cũng như sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp Thủ đô.
Người nông dân cần tích cực tham gia vào các chuỗi liên kết, từng bước thay đổi phương thức sản xuất; Chủ động tích lũy kiến thức, nghiệp vụ xây dựng chuỗi thông qua tự học tập cũng như các lớp tập huấn, hội thảo do các cơ quan, ban, ngành, địa phương tổ chức.
Như vậy, có thể thấy rằng, thúc đẩy liên kết chuỗi chính là giải pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề đã và đang đặt ra từ thực tế, hướng tới sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp.