Bài 3: Gỡ vướng những vấn đề mang tính chiến lược
Bài 2: Tiên phong trên mặt trận khôi phục kinh tế In đậm dấu ấn cấp ủy trong thực hiện “nhiệm vụ kép” |
Liên tiếp làm việc với các bộ, ngành
Suốt một thời gian dài, người dân sinh sống trên địa bàn phường Điện Biên (quận Ba Đình) bất bình trước những vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng tại công trình số 8B Lê Trực, cũng là chừng ấy thời gian các vi phạm không được xử lý dứt điểm.
Ngày 7/5, khi lực lượng cưỡng chế của quận Ba Đình tiến hành kiểm kê, tháo dỡ và niêm phong vật dụng, đồ đạc… các căn hộ tầng 18 tại dự án số 8B Lê Trực trước sự chứng kiến của đại diện Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân quận, các tổ chức chính trị - xã hội... đặc biệt là việc UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố hỗ trợ điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những người lợi dụng tình hình để gây mất an ninh trật tự, người dân nơi đây mới thấy phấn khởi phần nào. Bởi đây có thể là tín hiệu tích cực, chấm dứt hoàn toàn sai phạm kéo dài trong thời gian qua, để cuộc sống của người dân đã mua nhà tại dự án số 8B Lê Trực nói riêng và người dân sống trong khu vực ổn định trở lại.
Để đi đến được giai đoạn này, các quy trình quy định trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng đã được tuân thủ nghiêm ngặt; Công tác lựa chọn nhà thầu được thực hiện đúng quy định pháp luật; Đơn vị thi công có đủ điều kiện năng lực, phương án, giải pháp tháo dỡ đảm bảo an toàn kỹ thuật, được Sở Xây dựng cho ý kiến phê duyệt. Đảng ủy phường Điện Biên đã lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị phường tập trung, tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền vận động chủ đầu tư tự nguyện chấp hành; Tuyên truyền để đảng viên, Nhân dân không tụ tập đông người gây cản trở các lực lượng trong quá trình cưỡng chế.
Trước đó, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Ba Đình hồi đầu tháng 3/2020, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã lưu ý quận cần khẩn trương xử lý dứt điểm vi phạm tại tòa nhà 8B Lê trực và dự án cống hóa mương thoát nước Phan Kế Bính; Đồng thời, yêu cầu thành phố phối hợp hỗ trợ quận Ba Đình xử lý dứt điểm vi phạm tại các dự án này.
Cùng với dự án 8B Lê Trực, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu Ban cán sự Đảng thành phố và Ban chỉ đạo Nghị quyết 15, Chỉ thị 15 của Thành ủy tập trung xử lý những vấn đề phức tạp, tồn đọng, gây bức xúc trong dư luận như: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông; Khu xử lý chất thải tập trung Nam Sơn; Dự án công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước... Phương châm là đẩy mạnh giải quyết dứt điểm, làm rõ trách nhiệm của các cấp ngành, cá nhân, tổ chức; Coi đây trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách từ nay đến hết năm 2020.
Tiên phong thực hiện nhiệm vụ trên, trực tiếp Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã liên tục làm việc với các Bộ, ngành, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội để giải quyết các vấn đề, đầu tiên là các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm của TP |
Đây là dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, hiện đang vướng mắc về vấn đề thanh toán, quyết toán; Trong khi đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 làm chậm tiến độ vận hành thử và bàn giao dự án cho thành phố Hà Nội theo kế hoạch đề ra.
Trước những khó khăn đó, lãnh đạo thành phố đề nghị thành lập tổ công tác liên ngành để "gỡ" vướng dự án. Trong đó, việc gì liên quan tới Hà Nội thì thành phố sẽ giải quyết, việc gì vượt thẩm quyền sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Các vấn đề tồn tại từ nhiều nhiệm kỳ trước của Hà Nội cũng từng bước được đưa lên “bàn mổ”. Điển hình như vấn đề quy hoạch hai bên sông Hồng trong gần 30 năm qua đã nhiều lần khởi động nhưng không thành. Do không có quy hoạch nên hiện nhiều nguồn lực bị lãng phí. Các khu đất bãi ven sông nhiều năm qua không ai dám đầu tư vì không có quy hoạch vì chỉ được đấu thầu 5 năm. Trong khi đó, có quy hoạch phân lũ, Hà Nội sẽ thực hiện quy hoạch đô thị sinh thái hai bên bờ sông Hồng. Khoảng 900.000 người dân dọc hai bên bờ sông sẽ được tạo sinh kế.
Tại cuộc làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữa tháng 7/2020, Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt, tạo điều kiện cho Hà Nội triển khai quy hoạch thoát lũ. Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường cam kết sẽ cử lực lượng khoa học giỏi phối hợp với Hà Nội rà soát lại quy hoạch phân lũ, làm cơ sở cho thành phố xây dựng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Trong đó, những vấn đề bức xúc sẽ được ưu tiên đánh giá trước để xử lý riêng, trên tinh thần là phải nhanh.
Đảm bảo sự phát triển đồng đều
Cùng với đó, các cuộc làm việc liên quan đến vấn đề về môi trường, khoa học công nghệ (KHCN), công nghệ thông tin của Bí thư Thành ủy với các Bộ ngành Trung ương liên tiếp diễn ra chỉ trong vài tháng sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Vai trò trung tâm khoa học công nghệ của Hà Nội ở đâu, định vị 5 - 10 năm tới, Hà Nội nằm ở vị trí nào đã được trả lời bằng khẳng định thành phố sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu cả nước; Tiến tới là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trên một số lĩnh vực, thực sự là thành phố sáng tạo của UNESCO. Đến năm 2025, KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Hà Nội liên tục làm việc với Bộ, ngành tìm định hướng phát triển thành phố trong thời gian tới |
Việc xác định quan điểm dài hạn trong lĩnh vực phát triển thông tin, truyền thông, công nghệ số của thành phố cũng đã được xác định cụ thể đến năm 2025 Hà Nội trở thành trung tâm về an toàn, an ninh mạng, trung tâm nhân tạo lớn của cả nước và khu vực.
Không chỉ xác định cho một Hà Nội ở “tầm trung tâm” với vai trò mà vị trí Thủ đô đặt ra, lãnh đạo thành phố cũng đã xác định những đột phá để phát huy hết các tiềm lực của thành phố gần như đã bị lãng quên lâu nay.
Tại buổi làm việc với các quận, huyện về kết quả 6 tháng đầu năm 2020, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã đưa ra thực trạng, trong quá trình phát triển của thành phố thời gian qua có biểu hiện mất cân đối giữa phía Bắc và phía Nam. Trong đó, các huyện phía Nam diện tích rộng, dân số đông nhưng có nguy cơ trở thành “vùng trũng”.
Vì vậy, chính sách đột phá trong 5 năm tới cho khu vực phía Nam Thủ đô là phải hoàn thiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển, cùng với quy hoạch vùng huyện, liên huyện. Quy hoạch phát triển đô thị Phú Xuyên - Thường Tín phải định hướng là đô thị cửa ngõ phía Nam, ưu tiên đất cho các trường học, bệnh viện... Các Sở, ngành tham mưu với thành phố để có cơ chế, chính sách phát triển trục kinh tế phía Nam sôi động, tương xứng với các trục phát triển khác của thành phố, đảm bảo sự phát triển đồng đều và không để nơi đây thành “vùng trũng” phát triển.
Người đứng đầu thành phố khẳng định, Hà Nội sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện phía Nam. Trước mắt, trong năm 2020, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ cho huyện các công trình dân sinh cấp bách, nước sạch và vệ sinh môi trường cũng như một số dự án có tính chất động lực cho huyện và cả vùng.
Chưa bao giờ người dân Thủ đô được chứng kiến một sự ráo riết, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tới vậy. Dù thời gian chưa đủ để đánh giá các chỉ đạo của lãnh đạo thành phố có thật trúng và đúng nhưng sự tái khởi động lại các vấn đề đã cho thấy một tư duy, tầm nhìn của lãnh đạo cấp ủy. Sâu hơn, đó là những tâm huyết của người đứng đầu cho một Hà Nội có nhiều tiềm năng, thế mạnh…