Bài 3: Nỗ lực thoát nghèo nhờ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP
Đời sống của người dân xã Yên Cư (Chợ Mới, Bắc Kạn) đã từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhờ sản xuất chè Shan tuyết theo tiêu chuẩn VietGAP
Bài liên quan
Làm giàu từ ổi găng Đông Dư theo hướng VietGap
Bài 1: Bước chuyển mình của vùng quê nông thôn mới Kim Lư
Bài 2: Uy tín tạo nên thương hiệu miến dong Tài Hoan
Quốc Oai đón nhận đạt chuẩn nông thôn mới
Thu nhập ổn định nhờ cây chè
Đến xã Yên Cư (Chợ Mới, Bắc Kạn) những ngày này, chúng tôi ấn tượng trước những đổi thay rõ nét của một xã vùng cao vốn nhiều gian khó. Dọc hai bên đường là cánh đồng lúa, trên những đồi cao là màu xanh của chè Shan tuyết, một trong những cây trồng đặc sản đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
Vượt qua hơn 15km đường đèo, chúng tôi đến thôn Thái Lạo, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, nơi đây có độ cao so với mực nước biển là hơn 800m. Chia sẻ về loại cây đặc sản của địa phương, đồng chí Bàn Hữu Phượng, Bí thư chi bộ thôn cho biết: Trong thôn hiện có 27 hộ, với 120 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Cây chè Shan tuyết ở đây có từ những năm 1954, khi mà người Dao hạ sơn về đây
Từ năm 1991, khi có các dự án như định canh định cư, thôn được đầu tư trồng mới khoảng 30ha chè. Mấy năm trở lại đây Thái Lạo được mở đường ô tô vào tận thôn, bà con mới có điều kiện học cách trồng và chế biến chè đúng kỹ thuật. Hiện thôn có 30ha chè Shan tuyết nhưng chỉ có khoảng 15ha được người dân chăm sóc và đang cho thu hoạch. Số còn lại bà con chưa đốn tỉa để thu hái, nguyên nhân chính là nguồn nhân lực hạn chế, nhiều diện tích chè trồng không chăm sóc lên số lượng ít và thưa.
“Chè Shan tuyết khác chè trung du là mỗi lần hái không thành lứa và hái trụi. Chúng tôi mỗi tháng hái một lần, búp chè nào đạt tiêu chuẩn mới hái, còn nhỏ phải để lứa sau mới hái. Để có chè Shan tuyết ngon, bà con ở Thái Lạo chỉ hái khi tan sương và thời tiết khô ráo, không hái khi búp chè bị ướt do mưa hay sương mù”, đồng chí Bàn Hữu Phượng nói.
Chia sẻ về cây trồng chủ lực của Yên Cư, đồng chí Ma Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Yên Cư cho hay: “Hiện toàn xã có khoảng 100ha chè Shan tuyết, được xác định là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, ưu tiên đầu tư. Thay vì sản xuất, chế biến riêng lẻ, manh mún như trước, hiện nay xã Yên Cư đã xây dựng được hai tổ hợp tác sản xuất chè tại thôn Bản Cháo và Thái Lạo. Trong đó tổ hợp tác Bản Cháo có 12 thành viên, ở Thái Lạo có 11 thành viên, bước đầu hoạt động hiệu quả, chè thương phẩm được chế biến sạch, đóng gói và đưa ra thị trường.
Đặc biệt, năm 2007, chè Shan tuyết Thái Lạo được cấp chứng chỉ VietGap, quy trình chăm sóc theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Trước đây bà con chỉ bán được từ 100.000-150.000 đồng/kg chè khô, thì nay thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, giá chè đạt 300.000 đồng/kg, không đủ cung cấp cho thị trường”.
Xây dựng vùng sản xuất chè trọng điểm
Theo thống kê, hiện toàn huyện Chợ Mới có hơn 700ha chè trung du và chè Shan tuyết, tập trung ở các xã phía đông và vùng trung tâm như: Yên Hân, Yên Cư, Như Cố, Yên Đĩnh, Quảng Chu, Nông Thịnh. Đây có thể coi là vùng sản xuất chè trọng điểm của huyện, từ bao đời nay cây chè gắn bó mật thiết với người nông dân và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình.
Để phát triển và nâng cao giá trị cây chè, những năm qua, huyện đã ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các xã cải tạo diện tích chè cằn cỗi, năng suất thấp, triển khai trồng mới bằng các giống năng suất cao. Tuy nhiên, trên thực tế cây chè chưa thực sự phát huy hết giá trị kinh tế.
Nguyên nhân do trình độ canh tác của người dân còn hạn chế, quy trình thu hoạch, chế biến, đóng gói còn thủ công vì vậy sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, giá thành không cao, không cạnh tranh được với sản phẩm chè của các địa phương khác.
Đời sống của người dân xã Yên Cư (Chợ Mới, Bắc Kạn) đã từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhờ sản xuất chè Shan tuyết theo tiêu chuẩn VietGAP |
Nói về chiến lược phát triển cây chè trên địa bàn huyện Chợ Mới trong những năm tới, đồng chí Bùi Nguyên Quỳnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, hiện nay huyện Chợ Mới đang phối hợp với cơ quan chuyên môn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ và chè an toàn theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP”.
Theo đó, huyện tập trung phát triển khoảng 10ha chè Shan tuyết tại thôn Thái Lạo, Bản Cháo, xã Yên Cư và thôn Tát Vạ, xã Yên Hân theo hướng sản xuất hữu cơ.
Đối với 700ha chè trung du tại các xã vùng trung tâm, huyện Chợ Mới tập trung phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt VietGap, bước đầu triển khai tại 3 xã: Như Cố, Yên Đĩnh, Quảng Chu. Trước mắt huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai sản xuất 10ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại hai xã Như Cố, Quảng Chu. Qua đó, cơ quan chuyên môn giúp đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng biện pháp chăm sóc, sản xuất hiệu quả, phát triển cây chè theo hướng hàng hóa đi đôi với việc tuân thủ các quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, hiện nay, nhờ nguồn vốn chương trình nông thôn mới, huyện đã hỗ trợ Tổ hợp tác chè Shan tuyết Thái Lạo, Hợp tác xã nông nghiệp thanh niên Như Cố đầu tư nhà xưởng, thiết bị sao sấy, máy hút chân không, bao bì, nhãn mác nên từng bước nâng cao giá trị sản phẩm chè của địa phương.
Đồng chí Bùi Nguyên Quỳnh cho biết: Là sản phẩm chè an toàn, có quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ... việc triển khai sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp người dân dần thay đổi những hình thức canh tác lạc hậu, kém hiệu quả, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, hạn chế những nguy cơ gây ô nhiễm ảnh hưởng tới chất lượng chè và sức khỏe con người.
Vì vậy trong năm 2019 huyện tiến hành cải tạo hơn 30ha chè theo hướng an toàn, sau khi đủ điều kiện sẽ phát triển toàn bộ diện tích này lên theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP. Đặc biệt, những năm qua, huyện đã ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các xã cải tạo diện tích chè cằn cỗi, năng suất thấp, triển khai trồng mới bằng các giống năng suất cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nhân dân.
Được biết, hiện nay huyện Chợ Mới đang triển khai liên kết với doanh nghiệp ngoài tỉnh khảo sát, đánh giá để xây dựng nhà máy chế biến chè theo hướng công nghệ tự động hóa. Huyện cũng đã trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn, có văn bản triển khai đến các xã lựa chọn những diện tích chè đạt tiêu chuẩn, những hộ có áp dụng kỹ thuật trong thâm canh chè.
Trên cơ sở đó doanh nghiệp đầu tư phân bón và thu mua toàn bộ sản phẩm lá chè tươi của nhân dân để chế biến tại nhà máy. Huyện cũng có chủ trương là mỗi xã làm điểm 1ha chè sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn từ đó nhân rộng trên địa bàn.
Đồng chí Bùi Nguyên Quỳnh cho biết: Ngoài việc khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, hợp tác xã phát triển sản xuất theo hướng an toàn với người tiêu dùng, năm 2019 huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch và phát triển thêm 19 sản phẩm nông nghiệp theo Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm". Trong đó có 16 sản phẩm mới và 3 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao.
Để sản phẩm nông sản của huyện được vươn xa rất cần có sự quan tâm của tỉnh, cơ quan chức năng trong việc đầu tư nguồn lực để hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP, tăng cường phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp để thông tin về thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương