Bài 3: Phạt nguội - Lời giải cho bài toán vứt rác bừa bãi?
Người dân đồng tình việc “phạt nguội” xả rác
Ngay khi Bộ TN&MT thông tin về việc một số vi phạm về bảo vệ môi trường ở nơi công cộng có thể bị “phạt nguội” giống như trong lĩnh vực giao thông tại Nghị định mới mà Bộ này đang xây dựng, dư luận đã đặc biệt quan tâm. Lý do cũng dễ hiểu, vấn đề môi trường, nhất là nạn xả rác bừa bãi nơi công cộng, sự “bức tử” sông hồ hay chất lượng môi trường sống, không khí, nước đang ở tình trạng báo động và gây bức xúc trong một bộ phận người dân Thủ đô.
Khi được hỏi, chị có đồng tình với việc xử phạt người dân vứt rác bữa bãi nơi công cộng qua camera “phạt nguội” không, chị Luận, công nhân vệ sinh môi trường thuộc Urenco Thanh Trì ngay lập tức đồng tình.
“Được thế thì tốt quá. Vì nếu hành vi này bị phạt nguội thì tôi nghĩ sẽ không ai dám vứt rác bừa bãi đâu. Chẳng nói đâu xa, đợt ở gần đây (cầu Yên Ngưu) tiến hành tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân, có lực lượng chức năng tham gia giám sát đảm bảo công tác tiêm phòng thì hầu như không ai dám vứt cả. Mặc dù họ ở đây không phải để nhắc nhở hay xử phạt về việc người dân có vứt rác hay không mà chỉ đơn giản là họ thấy sợ và cũng ngại lực lượng chức năng”, chị Luận chia sẻ.
Theo chị Luận, rõ ràng là những người vứt rác bữa bãi cũng sợ bị phạt. Nên theo chị, việc bị phạt nguột, khi đi vào thực thi được tuyên truyền một cách rộng rãi thì sẽ hiệu quả, đường làng ngõ xóm sẽ sạch đẹp hơn rất nhiều, môi trường sống cũng sẽ trong lành hơn.
Năm 2019, sau một thời gian triển khai đặt các loại biển báo, đặt camera bí mật ghi hình, chụp ảnh hành vi xả rác thải bừa bãi... , phố đi bộ hồ Gươm đã sạch đẹp hơn trước |
Ông Trần Trung Hiếu (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc xử phạt vi phạm hành chính về môi trường qua sử dụng hệ thống camera. Tôi nghĩ đây là cách làm hay và sẽ hạn chế đáng kể tình trạng người dân vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, nhất là đối với một số trường hợp tự ý ném rác ra ngoài đường mà không hề quan tâm đó có phải là nơi được phép đổ rác hay không. Nếu bị phạt tôi tin là thói quen và hành vi xấu này sẽ dần được loại bỏ”.
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường mà Bộ TN &MT đang thực hiện quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
Theo đó, Nghị định cho phép cơ quan chức năng sử dụng thông tin dữ liệu từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật là máy móc, thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình…thu được do cá nhân, tổ chức tự đầu tư, mua sắm, trang bị để phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cùng với quy định nêu trên, mức xử phạt các hành vi vi phạm môi trường nơi công cộng cũng được đề xuất giảm để tăng tính khả thi, phù hợp với thẩm quyền xử phạt của chiến sỹ công an nhân dân, trưởng công an cấp xã, chủ tịch UBND cấp xã.
Theo chuyên gia môi trường Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, việc xử phạt nguội người vứt rác bừa bãi được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Quy định này cũng phù hợp với xu thế đô thị thông minh khi hệ thống camera được áp dụng ngày càng nhiều.
Quan trọng hơn cả, quy định này sẽ tăng cường khả năng giám sát của cộng đồng; tăng đáng kể hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính, tăng tính răn đe, giảm thiểu hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng. Đặc biệt, quy định này sẽ góp phần thực hiện hiệu quả quy định mới có tính đột phá về quản lý chất thải sinh hoạt của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Vẫn cần có lộ trình với quyết tâm thực thi đồng bộ
Khi hỏi có xử lý dứt điểm được việc xả rác bừa bãi nơi công cộng bằng quy định “phạt nguội” hay không thì câu trả lời của các chuyên gia là có nhưng sẽ không dễ dàng và cần có lộ trình với quyết tâm thực thi cao, đồng bộ của các đơn vị chức năng và người dân.
Nhận định như trên là hoàn toàn có cơ sở. Thực tế, từ đầu năm 2019, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thí điểm ghi hình, xử lý các trường hợp xả rác không đúng quy định trên phố đi bộ Hồ Gươm. Khi đó quận Hoàn Kiếm đã lắp đặt một số camera ghi hình tại không gian đi bộ quanh Hồ Gươm và đã mang lại những hiệu quả nhất định.
Đại diện Urenco thông tin, chỉ trong 1 tháng thực hiện (từ tháng 4/2019 đến tháng 5/2019), 6 phường quanh khu vực có phố đi bộ đã xử phạt 13 triệu đồng. Chất lượng vệ sinh môi trường không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được cải thiện rõ rệt. Ý thức các hộ kinh doanh và các hoạt động bán hàng di động được nâng lên thông qua các hình thức tuyên truyền. Tuy nhiên, do quy trình xử lý, xác minh người bị xử phạt khó khăn, cùng việc huy động nhiều cán bộ nên việc xử phạt qua camera chỉ áp dụng được trong thời gian ngắn rồi tạm dừng.
Theo tìm hiểu của phóng viên thì lý do là lượng nhân công huy động để xử phạt rất lớn. Riêng khu phố đi bộ, Urenco khi đó đã phải tập hợp 14 công nhân để tăng cường ở các chốt camera, đồng thời tăng cường 30 cán bộ từ khối văn phòng hỗ trợ, các thiết bị camera cũng phải bổ sung để ghi hình liên tục, cung cấp cho chính quyền xử lý theo quy định. Ngoài ra, công ty cũng đã tăng cường lắp đặt thêm 10 thùng rác 240 lít so với phương án, bố trí 1 xe tải nhỏ thực hiện thu rác các thùng rác vụn và thùng 240 lít 3 lượt/ngày. Rõ ràng đó là một bài học kinh nghiệm khi quyết định triển khai “phạt nguội” trong lĩnh vực môi trường một cách rộng rãi.
"Phạt nguội" hành vi vứt rác đang được kỳ vọng là giải pháp đột phá giải quyết căn bệnh "khó chữa" xả rác bừa bãi nơi công cộng |
Để việc xử phạt mang lại hiệu quả như mong đợi, việc đầu tiên cần làm là đẩy mạnh tuyên truyền “đến nơi đến chốn”. Song song đó, việc xử phạt phải thực sự nghiêm minh nếu không sẽ gây phản ứng và tác dụng ngược trong dư luận.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên môi trường Việt Nam nhận định, vấn đề vứt rác bừa bãi nói riêng và môi trường nói chung đã đến lúc cần phải giải quyết khẩn trương, quyết liệt.
“Vứt rác bừa bãi nơi công cộng là thói quen đã ăn sâu trong một bộ phận người dân. Mà đã là thói quen thì sẽ không dễ bỏ. Vì vậy, dù áp dụng biện pháp nào cũng cần phải quyết liệt nhưng không thể nôn nóng. Chúng ta nên đi từng bước, đồng thời phải nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường đi kèm với công tác giáo dục tuyên truyền trong nhà nước nữa. Phạt nguội có thể là giải pháp mang tính đột phá nhưng để thành công trong việc xóa bỏ thói quen xấu thì cần mỗi cá nhân phải nhận thức vấn đề này một cách sâu sắc. Nếu thấy ai đó làm chưa đúng thì không phải chờ cơ quan chức năng xử phạt mà hãy mạnh mẽ lên tiếng nhắc nhở với tinh thần vì cộng đồng, vì môi trường sống trong lành chứ không phải để lên án hay phán xét. Có như vậy thì mới mong vấn đề này giải quyết triệt để”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sử dụng camera phạt nguội là phương án khả thi |
Thực tế, chúng ta đã từng xử lý những vấn đề nan giải mang tính “thói quen” như vứt rác bừa bãi thế này. Điển hình như việc đội mũ bảo hiểm. Cách đây chục năm, ra đường không mấy người đội mũ bảo hiểm. Lúc đó, báo chí cũng viết nhiều. Cơ quan chức năng cũng tốn nhiều công sức. Chỉ đến khi, các chế tài mạnh mẽ được đưa ra và các cơ quan chức năng mạnh mẽ thực thi, quyết liệt đến cùng, không nhân nhượng thì vấn đề đó được giải quyết. Thời gian đầu, người ta viện lí do, đội mũ bảo hiểm như đội nồi cơm điện, rồi nóng bí… Đến giờ thì ra đường ai nấy cũng đều đội mũ bảo hiểm. Việc đó đã trở thành thói quen. Thậm chí, giờ có ai không đội mũ thì tức khắc bị lên án là ngổ ngáo, coi thường mạng sống. Nói về ví dụ này để thấy, muốn loại bỏ thói quen xấu cũ cần phải giáo dục về thói quen mới nhiều lợi ích, để dân hiểu, dân tin thì dân sẽ làm theo.
Hay như việc thực thi Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Khi được cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ, mức xử phạt đủ răn đe kết hợp cùng biện pháp tuyên truyền rộng rãi thì hiệu quả của Nghị định trở nên rõ rệt, hành vi uống rượu bia của người dân khi tham gia giao thông giảm hẳn, số vụ tai nạn giao thông cũng được kéo giảm.
Dẫn chứng như thế để thấy rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường bằng hình thức “phạt nguội” là hoàn toàn khả thi.
Một vấn đề nữa cũng được các chuyên gia nhắc đến đó là, để áp dụng rộng rãi việc phạt “nguội” trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì việc đầu tư các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được coi là một trong những điều tiên quyết. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng cơ sở pháp lý cho việc sử dụng dữ liệu thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật do tổ chức, cá nhân cung cấp (camera an ninh, camera hành trình của các phương tiện giao thông, camera giám sát tại nơi công cộng...) làm căn cứ để “phạt nguội”.
Đại diện Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cũng cho rằng, cần phải có chế tài xử lý những hành vi mà người vi phạm không tự giác đến nộp phạt. Trong lĩnh vực giao thông, người bị phạt “nguội” nếu không nộp phạt sẽ không được đăng kiểm phương tiện, gia hạn giấy phép lái xe. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng cần phải có quy định ràng buộc, ví dụ như có thể nêu đích danh người vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo với cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú...
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sử dụng camera phạt nguội là phương án khả thi nhưng sẽ khó ở chỗ tiền đâu để lắp camera ở khắp mọi nơi. Người dân đổ trộm “linh động” chứ không cố định chỗ nào cả. Thế nên phải kết hợp giữa tuyên truyền giáo dục và quản lý đường phố bằng tổ dân phố, công an khu vực…thì việc phạt nguội mới thực hiện tốt được. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị thông minh để chụp hình, quay phim nhằm phát hiện những hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường và báo cho cơ quan chức năng. Dân tham gia làm cùng thì chắc chắn thắng lợi nhưng cần phải chú ý bảo vệ người tố giác. Ngoài ra, cần quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương cho các tiêu chí về môi trường, cùng với đó là tuyên truyền để người dân nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao ý thức, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân.
Rõ ràng, để trị “căn bệnh” xả rác bừa bãi nơi công cộng sẽ cần những giải pháp mang tính đồng bộ cũng như quyết tâm cao của cả những đơn vị thực thi và ý thức chấp hành luật pháp của người dân. Hy vọng rằng, thời gian tới, khi quy định “phạt nguội” được áp dụng, đi vào đời sống, chúng ta sẽ không phải nhắc lại câu chuyện xả rác bừa bãi nơi công cộng thêm một lần nữa.