Bài 4: Cùng nông dân phát triển nông nghiệp bền vững
nông
15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô: Những công trình “đánh thức miền quê” Bài 2: Giao thoa văn hoá Thăng Long ngàn năm văn hiến Bài 3: Nối gần ngoại thành cùng “Áo xanh sư phạm”
|
Đưa khoa học vào thực tiễn
Nhiều năm nay, cứ đến Chiến dịch “Mùa hè xanh” Đội “Chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp”, khoa Sinh học trường Đại học Sư phạm Hà Nội lại có mặt ở các huyện ngoại thành Hà Nội hướng dẫn nông dân làm nông nghiệp. Hè năm 2022, các thành viên trong đội có mặt tại xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân.
Bạn Phạm Minh Đức, Đội trưởng Đội “Chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp” khao Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, trước khi về Thọ Lộc, thành viên của đội đã đi tiền trạm, tìm hiểu điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, đội xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm đáp ứng nhu cầu áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân nơi đây.
Thành viên đội “Chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp”, khoa Sinh học trường Đại học Sư phạm Hà Nội hướng dẫn nông dân xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ ủ phân hữu cơ |
Thực tế tìm hiểu về các hoạt động nông nghiệp tại Thọ Lộc cho thấy, nông dân chủ yếu trồng rau màu (hành lá, rau cải, mùng tơi,…) và hoa (hoa ly, hoa cúc, hoa đào…) theo phương pháp canh tác truyền thống. Các mô hình nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch chưa phát triển. Vì thế, thành viên đội tình nguyện đã lên kế hoạch tập trung vào một số hoạt động chuyển giao gồm: Hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; Cách ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt ở quy mô hộ gia đình; Giới thiệu về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; Hướng dẫn một số quy trình phát triển nông nghiệp phù hợp với địa phương.
“Muốn nông dân làm, trước tiên phải giúp họ hiểu. Vì vậy, chúng mình đã đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn. Từ việc phân loại người nông dân sẽ tận dụng rác thải hữu cơ như đồ ăn thừa, rau củ quả bị hư hỏng… để tạo ra phân hữu cơ. Để nông dân “mắt thấy, tai nghe” đội thực hành ngay chương trình tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật”, Đức cho biết.
Chuyên gia nông nghiệp đến từ trường Đại học Sư phạm giới thiệu về mô hình phát triển kinh tế” |
Việc chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cho nông dân xã Thọ Lộc không chỉ thu hút các bạn sinh viên mà cả thầy cô của khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham gia. Thầy cô cũng chính là các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn nông dân các mô hình phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường như: Mô hình trồng nấm linh chi thương phẩm; Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), rau an toàn VietGAP; Mô hình sản xuất nấm ăn (mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm…); Mô hình nuôi lươn, cá, dế…
Phát triển nông nghiệp bền vững
Chương trình tập huấn luôn thu hút đông đảo thanh niên và người dân tham gia |
Thực hiện đề án “Tuổi trẻ Thủ đô chung tay xây dựng nông thôn mới” Thành đoàn Hà Nội thành lập đội hình chuyên chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Địa điểm tập trung tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Tham gia đội hình là đoàn viên, thanh niên, sinh viên ưu tú được chọn cử từ các trường cao đẳng, đại học, học viện; Chuyên viên sở, ban, ngành là kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các đội hình tập huấn phương thức ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất phù hợp với từng ngành, nghề tại địa phương: Giới thiệu các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi nhờ chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng; Kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh cho cá giống; Chuyển giao công nghệ thông tin; Kỹ thuật chăm sóc lợn mới sinh; Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây; Phân loại và xử lý rác; Giới thiệu thành tựu y tế tiên tiến… |
Theo anh Nguyễn Đình Sản, Bí thư Đoàn xã Thọ Lộc (Phuc Thọ, Hà Nội), các buổi chuyển giao kỹ thuật luôn diễn trong không khí trao đổi cởi mở, thân thiện giữa chuyên gia nông nghiệp với bà con nông dân. “Bà con từ chỗ quen với trồng trọt, chăn nuôi truyền thống, được tiếp cận với những kiến thức khoa học mới về nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ rất thích thú. Một số mô hình nông nghiệp mới phù hợp được chuyên gia giới thiệu đã giúp bà con thay đổi nhận thức, có thể áp dụng vào thực tế để phát triển kinh tế địa phương”, anh Sản chia sẻ.
Anh Sản cho biết thêm, làm nông nghiệp phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Vì vậy, việc chuyển giao kỹ thuật biến rác thải thành phân hữu cơ rất hữu ích với người dân trong xã Thọ Lộc chuyên về trồng hoa và rau màu. Với việc sử dụng phân hữu cơ tự chế, người nông dân không chỉ tiết kiệm chi phí, hạn chế xả rác ra môi trường mà còn tăng năng suất cây trồng và cho ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Vì vậy, từ kiến thức do thành viên đội chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cung cấp, nhiều hộ gia đình đã thử nghiệm, ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Cũng với mong muốn hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp bền vững, các bạn trẻ trong Câu lạc bộ True Action, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân ngoại thành Hà Nội ủ rơm rạ thành phân Compost. Hoạt động này xuất phát từ thực tế, dù đã được tuyên truyền nhiều nhưng vấn đề đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch của người dân vẫn diễn ra. Thậm chí, nó gần như trở thành thói quen và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thành viên “Đội hình chuyên chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật” hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn |
Dự án được các bạn trẻ chia thành từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu tiên câu lạc bộ triển khai thí điểm tại các hộ gia đình thuộc thôn Kim Âu (Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội). Các thành viên trong dự án trực tiếp hướng dẫn các hộ gia đình ủ phân từ rơm rạ, cách sử dụng và đánh giá hiệu quả. Sau khi phân bón đã ủ thành công được đem mẫu đi phân tích thành phần dinh dưỡng, đồng thời thử nghiệm thực tế tại vườn rau Green Green Garden. Kết quả phân tích cho thấy phân có hàm lượng hữu cơ khá đến cao, rau tại vườn thử nghiệm cũng lên rất tốt. Từ kết quả này, dự án được nhân rộng ra các địa phương khác của thành phố Hà Nội.
Các thành viên trong dự án không chỉ hỗ trợ tối đa cho người dân về quy trình kĩ thuật mà còn giúp họ hiểu được tác hại của việc đốt rơm rạ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người dân cũng như gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động thiết thực của câu lạc bộ đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất lớn của chính quyền và người dân. Nhiều hộ gia đình còn cam kết tận dụng rơm rạ biến thành phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bền vững.
Nhiệm kỳ 2017- 2022, toàn Đoàn tổ chức 246 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 23.000 thanh niên nông thôn; Phấn đấu thực hiện hiệu quả chương trình OCOP – mỗi xã một sản phẩm gắn với phát triển các mô hình kinh tế, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế và thông tin thị trường cho thanh niên nông thôn. Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội tổ chức các chương trình xúc tiến, kết nối với các tỉnh, thành khác trên cả nước nhằm quảng bá sản phẩm trong cũng như ngoài địa phương; Đào tạo, hướng dẫn, tập huấn chuyên sâu các kiến thức về các chương trình gắn với OCOP. Các sản phẩm tiêu biểu được hỗ trợ như: Đoàn thanh niên xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên đã hỗ trợ sản phẩm tò he nặn hình con giống trong mẹt, tò he nặn hoa hồng cắm lọ gốm; tò he bút chì, tò he que, tò he truyền thống hình nặn bánh cổ. Đoàn Thanh niên xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai đã hỗ trợ mô hình sản phẩm bột ngũ cốc min min… Những hoạt động này góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống thanh thiếu nhi và người dân ngoại thành Hà Nội. |
(Còn nữa)