Bài 4: Đề xuất không giới hạn khách hàng mua điện tái tạo không qua EVN
Bài 1: Có thể mua điện tái tạo trực tiếp không qua EVN Bài 2: Dự thảo cơ chế mua bán điện trực tiếp có gì đặc biệt? Bài 3: Thủ tướng Chính phủ ra “tối hậu thư” cho Bộ Công thương |
Mọi khách hàng được mua điện tái tạo không qua EVN
Đây là đề xuất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi góp ý vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).
Theo đó, về đối tượng khách hàng trong trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, Điều 7 của dự thảo quy định chỉ cho phép khách hàng sử dụng điện lớn được tham gia. Các khách hàng sử dụng điện khác chưa được tham gia mà phải đợi giai đoạn tiếp theo.
Theo VCCI, do các bên sử dụng đường dây riêng nên tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể nên đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 7 của dự thảo theo hướng cho phép không giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn mà mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu.
Về yêu cầu đối với đơn vị phát điện khi mua bán qua đường dây riêng, Điều 6.1 của dự thảo quy định công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực.
Đề xuất mọi khách hàng được mua điện tái tạo không qua EVN |
Hiện nay, quy hoạch điện lực khống chế công suất tối đa phát triển năng lượng tái tạo. Một trong những lý do quan trọng của điều này là lo ngại ngại công suất điện tái tạo quá lớn nhưng không ổn định sẽ gây tác động tiêu cực cho hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Tuy nhiên, trong trường hợp mua bán điện qua đường dây riêng, không sử dụng hệ thống truyền tải chung, các tác động này không đáng kể. Do đó, việc yêu cầu công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch là không thực sự cần thiết.
Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này. Trong trường hợp vẫn có lo ngại tác động tiêu cực khi công suất điện tái tạo dư thừa phát lên hệ thống thì có thể bổ sung quy định các bên phải lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới điện.
Về yêu cầu đối với khách hàng sử dụng điện khi mua qua đường dây riêng, Điều 7.2 và Điều 7.3 của dự thảo yêu cầu khách hàng sử dụng điện khi mua điện trực tiếp qua đường dây riêng phải đầu tư hạ tầng lưới điện và có đội ngũ quản lý, vận hành lưới điện.
Theo VCCI, việc đầu tư và quản lý, vận hành đường dây truyền tải riêng này có thể thuộc về đơn vị phát điện, cũng có thể thuộc về khách hàng sử dụng điện, tùy vào thỏa thuận cụ thể giữa hai bên. Do đó, cơ quan soạn thảo nên quy định theo hướng hai bên mua bán điện có quyền thỏa thuận về việc đầu tư và quản lý vận hành đường dây.
Nhu cầu được mua bán điện trực tiếp rất lớn
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư và khách hàng sử dụng điện bày tỏ sự quan tâm đến cơ chế DPPA và mong muốn cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành với kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Việc ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp là rất quan trọng và cấp bách để triển khai thực hiện hiệu quả việc đầu tư phát triển nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia |
Một số tập đoàn lớn như Samsung, Apple, Heiniken, Google, Nike... đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương thể hiện sự ủng hộ đối với cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), một số doanh nghiệp có nhu cầu tham gia cơ chế DPPA (Samsung, Heineken, Nike) có tổng sản lượng điện tiêu thụ bình quân tháng đều lớn hơn 1.000.000kWh/tháng.
Đơn cử, một số cơ sở của Heineken ở Quảng Nam và Hà Nội có sản lượng tiêu thụ khoảng từ 500.000 đến 800.000kWh/tháng. Các cơ sở này đều đấu nối ở cấp 22kV trở lên.
Đáng chú ý, kết quả của cuộc khảo sát về nhu cầu tham gia mua bán điện trực tiếp của bên bán và bên mua cho thấy, nhu cầu về hình thức này rất lớn.
Cụ thể, về nhu cầu tham gia DPPA của bên bán (các đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo) cho thấy, trong số 95/106 dự án có công suất đặt từ 30MW trở lên (42 dự án điện mặt trời và 64 dự án điện gió) tham gia khảo sát có 24 dự án (với công suất đặt 1.773MW) mong muốn tham gia; 17 dự án (công suất đặt 2.836MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng.
Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên mua điện (là các tổ chức đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22kV trở lên) cho thấy, có gần 50% số khách hàng được khảo sát trả lời mong muốn được tham gia với tổng nhu cầu ước tính 996MW.