Bài 4: Đưa nông sản địa phương vươn ra thế giới
![]() |
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành luôn mong muốn đưa nông sản địa phương vươn ra thế giới
Bài liên quan
Start-up đưa nông sản Thủ đô đến các chuỗi cung ứng
Bài 1: Bước chuyển mình của vùng quê nông thôn mới Kim Lư
Bài 2: Uy tín tạo nên thương hiệu miến dong Tài Hoan
Bài 3: Nỗ lực thoát nghèo nhờ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP
Khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương
HTX nông nghiệp Tân Thành có địa chỉ tại thôn Tân Thành, xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn, Bắc Kạn) được thành lập từ giữa năm 2017, với 9 thành viên, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất tinh bột nghệ và chế biến nông sản sạch. HTX thành lập trên cơ sở Tổ hợp tác trồng nghệ và sản xuất tinh bột nghệ nên có nhiều thuận lợi về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ. Hiện sản phẩm chủ lực của HTX là sản xuất tinh bột nghệ nếp đỏ và tinh bột nghệ nếp đen.
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành cho biết: Nhắc đến tinh bột nghệ có lẽ không còn xa lạ gì với mỗi người dân Việt Nam, vì nghệ có rất nhiều công dụng từ việc chế biến món ăn hằng ngày, làm đẹp, chữa bệnh, hồi phục sức khỏe… Tuy nhiên, những năm trước đây, bà con nông dân tỉnh Bắc Kạn luôn phải chịu cảnh được mùa, mất giá, do đó sản xuất tinh bột nghệ ở Bắc Kạn chỉ mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ và phụ thuộc rất nhiều vào thương lái, thời tiết nên cây nghệ cũng không được đầu tư và chú trọng nhiều.
Với quyết tâm làm giàu trên chính quê hương của mình và đưa cây nghệ ra với thế giới bên ngoài, sau nhiều năm ấp ủ, tháng 5/2017, HTX Tân Thành đã được thành lập do chị Nguyễn Thị Hồng Minh làm giám đốc, chuyên cũng cấp mặt hàng tinh bột nghệ.
Chia sẻ về những khó khăn khi mới thành lập HTX, chị Hồng Minh nói: "Khó khăn lớn nhất đầu tiên phải kể đến là vốn. Vì trước đây tôi và bà con nhân dân chỉ việc trồng và thu hoạch nghệ quy mô nhỏ nên chi phí đầu tư sản xuất ít, trồng bao nhiêu hưởng bấy nhiều nhưng đến khi thành lập HTX, ngoài chi phí đầu tư máy móc, công nghệ, nhà xưởng, vốn điều lệ cũng lên đến cả mấy tỷ đồng khiến tôi vô cùng lo lắng. Trong đầu tôi lúc nào cũng tự đặt câu hỏi: Sản phẩm làm ra bán cho ai?, bán ở đâu?, làm sao để mang lại thu nhập cho tất cả các thành viên nếu không có doanh thu?..."
![]() |
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành giới thiệu về sản phẩm nông sản đặc trưng của hợp tác xã |
Để ổn định vùng nguyên liệu, đầu năm 2018 HTX đã phối hợp với địa phương quy hoạch vùng trồng nghệ với diện tích khoảng 30ha tại xã Xuân La (Pác Nặm) và xã Nông Thượng (TP Bắc Kạn). HTX cung ứng trên 7 tấn nghệ giống cho bà con. Tuy nhiên tùy thuộc vào chất đất của từng địa phương, thời gian cho thu hoạch sẽ khác nhau, đối với nghệ nếp đen thường hai năm sẽ cho thu hoạch.
Riêng năm qua, HTX nông nghiệp Tân Thành thu mua khoảng 125 tấn củ nghệ tươi của người dân xã Xuân La (Pác Nặm) và xã Nông Thượng (TP Bắc Kạn), với giá 9 nghìn đồng/kg nghệ nếp đen và 7,5 nghìn đồng/kg nghệ nếp đỏ. Xuất bán được 2,7 tấn thành phẩm có đóng gói bao bì; chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Đắc Lắc... Doanh thu của HTX đạt gần 3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động tại địa phương, với mức lương bình quân 5- 6 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm thời vụ cho 16 lao động.
Theo chị Nguyễn Thị Hồng Minh, quá trình tạo ra sản phẩm tinh bột nghệ hay curcumin đã rất khó nên việc giữ vững uy tín trên thị trường được HTX đặt lên hàng đầu. Vì vậy, HTX chú trọng đến xây dựng vùng nguyên liệu, người dân tham gia trồng nghệ được tập huấn kỹ thuật, cam kết chăm sóc theo quy trình do HTX phổ biến. Đặc biệt, không sử dụng các loại thuốc như diệt cỏ, kích thích.
Để đảm bảo nghệ trồng đúng tiêu chuẩn, chất lượng, HTX đã cử thành viên giám sát và yêu cầu các hộ tham gia trồng tự giám sát chéo lẫn nhau. Trường hợp phát hiện thực hiện không đúng quy chuẩn, HTX sẽ ngừng thu mua. Cùng với đó, HTX khuyến khích người dân tận dụng bã nghệ để lót làm phân bón và trồng xen canh với cây ngô để giảm sức lao động và tăng thêm thu nhập; bởi khi cây ngô được thu hoạch cũng là thời điểm cây nghệ phát triển tốt.
Hiện các sản phẩm sản xuất từ nghệ nếp của HTX được đóng gói bao bì gồm: Đóng hộp thủy tinh và túi giấy bạc theo trọng lượng, có đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, tem chống hàng giả, chiết xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch. Giá bán được HTX niêm yết trên từng sản phẩm như: Curcumin giá bán lẻ 300.000 đồng/1 lạng, tinh bột nghệ 100.000 – 350.000 đồng/1 lạng.
Tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất
Hiện sản phẩm của HTX nông nghiệp Tân Thành có mặt tại gần 20 tỉnh, thành trên cả nước như Quảng Ninh, Hà Nội, Buôn Ma Thuật, Hải Phòng... và đã xuất khẩu sang Nhật Bản. Năm 2018 HTX đã đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư thêm hệ thống máy sấy và các sản phẩm nghệ sấy lát, bột nghệ, măng sấy các loại...doanh thu của HTX đạt hơn 5 tỷ đồng. Nhờ thực hiện ký bao tiêu sản phẩm với HTX nên người dân các địa phương yên tâm gắn bó với cây nghệ, bởi đầu ra ổn định, giá trị kinh tế cao hơn so với nhiều cây trồng khác.
Chị Triệu Thị Yến, thành viên HTX cho biết: "Gia đình tôi trồng được 1ha nghệ nếp đỏ, sau hơn 1 năm đạt sản lượng khoảng 10 tấn củ, gia đình ký hợp đồng bao tiêu với HTX với giá 7,5 nghìn đồng/kg, thu về khoảng 75 triệu đồng/năm".
Hiện nay, sản phẩm chủ lực của HTX là sản xuất tinh bột nghệ nếp đỏ và tinh bột nghệ nếp đen. Sản phẩm của HTX đều được sản xuất từ những củ nghệ được chọn lọc đảm bảo chất lượng theo hướng hữu cơ. Chất lượng sản phẩm tinh bột nghệ được kiểm nghiệm kỹ lưỡng, uy tín trong sản xuất, tinh bột nghệ nếp đỏ và tinh bột nghệ đen của HTX Nông nghiệp Tân Thành đã bước đầu được khách hàng tin dùng.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành mong muốn đưa sản phẩm nông sản của địa phương vươn ra các thị trường nước ngoài |
Điều khiến chị Hồng Minh cùng nhiều thành viên của HTX mừng vui nhất là dù mới đi vào hoạt động nhưng HTX cũng đã có doanh thu, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động và đặc biệt, sản phẩm của HTX đã được tỉnh Bắc Kạn chọn là một trong những sản phẩm để đem đi quảng bá ở các hội chợ thương mại lớn, hội chợ nông sản…
Hiện HTX Tân Thành cũng đang trồng khoảng 93,7 hecta nghệ và trung bình 1 hecta sẽ thu được 25 - 30 tấn nghệ tươi nguyên liệu, ngoài ra HTX còn đứng ra thu mua nghệ cho bà con trong vùng để sản xuất tinh bột nghệ, Curcumin nghệ... từ nay, nghệ của bà con nông dân trong vùng trồng ra sẽ không còn phải phụ thuộc vào thương lái ép giá, không còn cảnh bỏ hư hỏng ngoài đồng vì không có đầu ra.
Theo kế hoạch, HTX nông nghiệp Tân Thành sẽ đầu tư khoảng 500 triệu đồng để hoàn thiện hệ thống máy sấy băng chuyền và máy sấy lạnh, qua đó mở rộng quy mô chế biến nông sản có sẵn tại địa phương như: Măng, chuối, dược liệu… Theo đó, dự kiến HTX sẽ thu mua khoảng 200 tấn măng tại các huyện Chợ Mới, Chợ Đồn để sấy khô, đóng gói; đồng thời sẽ xây dựng thêm hệ thống nhà xưởng khang trang hơn. Chị mong muốn HTX sẽ sản xuất thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Những thành công bước đầu đã khẳng định, HTX nông nghiệp Tân Thành đang khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, tạo việc làm cho nhiều nông dân. Tin tưởng rằng với định hướng phát triển trong lĩnh vực chế biến nông sản, sản phẩm nông nghiệp của người dân Bắc Kạn sẽ ngày càng vươn xa.
(Còn nữa)
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Trồng mít Thái hiệu quả nhờ NPK Cà Mau công nghệ Poly Phosphate

Phong tặng danh hiệu cho 151 nghệ nhân và 3 bảng vàng gia tộc làng nghề

Hà Nội đủ điều kiện trình Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới

Huyện Sóc Sơn có thêm 7 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao

Trao bằng công nhận danh hiệu làng nghề, chứng nhận OCOP cấp thành phố

Phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới

Hà Nội tăng cường quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Trang bị kiến thức sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân Sóc Sơn

Vụ mới bắt đầu trên “cánh đồng đạm tự nhiên” ở Cư Jút
