Bài 4: Sức sống xanh giữa mặn mòi biển cả
Thẻ xanh đầu tiên cho khách hàng sống xanh mỗi ngày Những “cột mốc sống” ở Trường Sa Bài 2: Lớp học đặc biệt giữa trùng khơi sóng gió Bài 3: “ Mắt biển ” không bao giờ tắt |
Biểu tượng của người lính đảo can trường
Bước chân lên đảo, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ lạ của những bông hoa bàng vuông. Loài cây này có chiều cao từ 7 đến 25m. Hoa màu trắng, tím, mọc thành chùm và dài gần cả gang tay. Đáng yêu hơn chuỗi nhuỵ từ giữa hoa mọc dài ra như những dây ngọc vàng trong ánh đèn đêm. Những ai đến đây đều mong muốn mang quả bàng vuông, hay một cây về đất liền làm kỷ niệm.
Những ngày xuân về, hoa bàng vuông như tô thêm bức tranh sinh động trong hương sắc Trường Sa. Nói về hoa bàng vuông, Trung sĩ Nhan Nguyễn Giàu Sang kể với niềm tự hào: Ở Trường Sa, gió cũng mang hơi mặn của biển, nên đến vật liệu bê tông cốt thép còn phải gia cố thường xuyên. Trong cái khốc liệt ấy, những cây bàng vuông vẫn vươn lên tươi tốt. Nơi đây có những cây bàng vuông hơn cả tuổi đời của người lính. Chính vì vậy, việc được giao chăm sóc cây chính là niềm vinh dự, gắn liền với trách nhiệm xây dựng hệ sinh thái cây xanh ngày càng dịu mát.
![]() |
Sắc hoa bàng vuông ở Trường Sa |
Những cây bàng vuông bén rễ, cắm sâu vào đá san hô, hiên ngang trổ cành, đơm hoa, kết trái đã trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người lính nơi đây. Nó cứ lặng thầm, hiền dịu, chắt chiu tinh tuý của đá san hô; vươn mình giữa cái mặn mòi của biển, của những cơn gió đại dương tới cấp 14-16 và cái nắng hầm hập suốt từ 5 giờ đến tận 18 giờ, toả bóng mát, xua đi thời tiết khốc liệt giữa trùng khơi.
Thượng úy Trần Lê Tiến Dũng, Trợ lý phòng không trên đảo Sinh Tồn Đông cho biết: “Thực hiện Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, trên đảo đã có vườn ươm thanh niên, chuyên ươm giống cây tra, bàng vuông và một số loại cây khác, ngoài trồng trên đảo Sinh Tồn Đông, còn cung cấp cho các đảo khác chưa kịp thời có giống và gửi tặng khi có các đoàn công tác ra thăm đảo. Cây bàng vuông được xem là loài cây biểu tượng của Trường Sa nên mỗi năm trên đảo ươm được 200 - 300 cây”. |
Trung tá Lương Tú Đa, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông cho biết: Cùng với cây phong ba, bàng vuông là loại cây trụ vững được trước nắng gió và bão tố trên quần đảo Trường Sa. Cây còn có những tên gọi khác là “Bàng bí”, “Chiếc bàng” hay “Cây thuốc cá”, thuộc loài thực vật rừng ngập mặn ven biển nhiệt đới và rất hiếm có ở Việt Nam. Bàng vuông là loại thân gỗ, có chiều cao từ 7 đến 25m. Những chiếc lá cây hình trứng ngỗng ngược dài khoảng 20 đến 40cm, bề ngang khá to có khi tới cả gang tay như muốn hứng trọn cả không khí vừa trong lành, vừa đậm hương vị của đại dương mênh mông.
Những người lính Trường Sa kể rằng, hoa bàng vuông nở thành chùm như lớp lớp cán bộ, chiến sĩ luôn đoàn kết thành một khối thống nhất. Hoa bàng vuông nở về đêm tượng trưng cho sự mạnh mẽ của cán bộ, chiến sĩ nhưng lại như có chút “e thẹn” trước phái yếu.
Quả bàng vuông to tròn thể hiện sự đầy đặn, sức sống mãnh liệt, nhiệt huyết của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Hoa bàng vuông có sợi màu tím như muốn nói lên sự thủy chung, sắt son trong tình yêu của người lính đảo đối với vợ, người yêu của mình và trên hết là sự thủy chung đối với Tổ quốc.
![]() |
Những trái bàng vuông căng tràn nhựa sống |
“Cột mốc xanh” vững vàng trong sóng gió
Cùng với loài cây bàng vuông, trên các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông…, những cây phong ba, bão táp, mù u, vẫn ngày đêm rì rào kể chuyện đời thường nơi đây, về sức sống mãnh liệt từ mầm xanh nơi biển đảo khắc nghiệt mà vẫn vươn mình khoe sắc bên những người lính kiên cường, bền bỉ...
Các loài cây này được mệnh danh là cây di sản trên quần đảo Trường Sa, với sức sống khỏe mạnh, vươn mình trước sóng gió, tiết trời khắc nghiệt. Trong số loài cây đó, có điều đặc biệt nữa là lá và quả của cây tra có thể ăn được. Lá cây tra có vị bùi bùi, chan chát, ngòn ngọt. Trái tra khi chín có vị ngọt thanh, vị mặn mòi của biển và mùi thơm như quả nho trong đất liền. Những người lính đảo thường gọi quả tra là nho biển và dùng làm đặc sản đãi khách.
![]() |
Những hàng cây tra xanh ngát ở Trường Sa |
Cây tra là giống cây gỗ, có nguồn gốc từ Trung Mỹ, cây cao tầm khoảng từ 10-20 mét, có nhiều tán, tỏa rộng uốn cong, trên những tán cây lại mọc ra các nhành nhỏ đầy lá, vươn mình hướng ra nắng. Vỏ cây xù xì cứng ráp, thân cây to, không mọc theo hướng thẳng đứng mà oằn mình sát xuống mặt đất. Lá cây tra mọc um tùm, chen nhau theo tầng lớp, kết thành tán lá dày.
Từ âu tàu nhìn vào các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, hiện lên như những khu vườn thu nhỏ xanh ngắt. Ông Cao Văn Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây cho biết, để có được thành quả này là công sức, mồ hôi của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã dày công chăm sóc, ươm trồng, nhân giống những cây phong ba, bão táp, mù u, bàng vuông, cây tra...
![]() |
Một trong những cây phong ba trở thành cây di sản ở Trường Sa |
Để trồng được cây xanh ở Trường Sa rất gian nan. Có những cây chăm sóc nhiều năm mới lớn lên được nhưng cứ mỗi đợt bão là hàng loạt cây xanh lại gãy đổ, bật gốc. Cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo lại phải thu dọn, dựng lại cây, chăm sóc. Chính vì vậy, cây ở Trường Sa có nhiều hình thù lạ, có cây mọc lên từ chính vết gãy đổ từ bão tố, kiên cường như đất và người nơi đây.
Trung tá Hoàng Văn Cường, Chính trị viên đảo Sinh Tồn chia sẻ, việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo. Các cây đều được chăm sóc cẩn thận, đảm bảo sinh trưởng tốt nhất. Hằng ngày, hằng tuần, cán bộ, chiến sĩ đều quét dọn, cắt tỉa để các cây phát triển tốt nhất. Đặc biệt, cây mù u có tuổi đời trên 100 năm là “tài sản” quý của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo.
![]() |
Bộ đội Trường Sa tặng cây bàng vuông trong vườn ươm cây đến phóng viên từ đất liền ra đảo tác nghiệp |
“Sức sống bền bỉ, mãnh liệt của những cây di sản như chính sức mạnh của dân tộc Việt Nam bao đời nay kiên cường giữ biển, giữ đảo, giữ gìn từng tấc đất, chủ quyền thiêng liêng. Giữ gìn và phát huy những giá trị của cây di sản cũng như bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng mà cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên huyện Trường Sa luôn khắc ghi.
Dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi luôn khắc phục khó khăn, tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ biển, đảo của Việt Nam”, Trung tá Hoàng Văn Cường khẳng định.
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Bài 3: “ Mắt biển ” không bao giờ tắt

Bài 2: Lớp học đặc biệt giữa trùng khơi sóng gió

Những “cột mốc sống” ở Trường Sa

Những người lính quân hàm xanh vững vàng nơi biên cương

Hương Tết "làng" chổi đót

Bài 4: Gửi niềm tin, yêu thương ở lại

Bài 3: Vững vàng cánh sóng Ra đa

Bài 2: Tô thắm lý tưởng cao đẹp của người chiến sĩ Thủ đô

Hà Nội nghĩa tình ở Trường Sa
