Bài 5: Khơi dậy “ngọn lửa” kinh doanh, cống hiến cho đất nước
KINH TẾ TƯ NHÂN CHÍNH LÀ DÂN, TỪ DÂN VÀ VÌ DÂN
Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đều khẳng định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất”, là lực lương tiên phong, là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng. Điều này, đang được kỳ vọng sẽ tạo nên xung lực mới, sức sống mới cho khu vực kinh tế này cũng như của cả nền kinh tế của đất nước trong giai đoạn bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương), người được xem là “kiến trúc sư trưởng” các phiên bản xây dựng Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam, cho rằng, cứ sau mỗi lần lãnh đạo Đảng, Nhà nước có những đánh giá mới, khách quan về kinh tế tư nhân thì thành phần kinh tế này lại có thêm những điều kiện để đóng góp nhiều hơn cho phát triển.
![]() |
Tổng Bí Thư Tô Lâm gặp mặt doanh nhân tiêu biểu Thái Hương, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE), tháng 10/2024. Ảnh: TTXVN. |
“Những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đã thay đổi cách nhìn về kinh tế tư nhân, tức là cách nhìn động. Nhìn vào tiềm năng của kinh tế tư nhân có thể nói đây là thời kỳ có 1-0-2, mà bây giờ không làm được thì khó có thời kỳ nào làm được", TS. Nguyễn Đình Cung nhận định.
TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá vai trò của doanh nghiệp tư nhân là rất quan trọng, không chỉ qua các con số, bởi khối doanh nghiệp này có mặt ở khắp các vùng miền kinh tế, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, từ vùng kinh tế thuận lợi đến vùng kinh tế khó khăn và xuất hiện trong các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân có mặt ở tất cả các ngành nghề. Ở những ngành nghề trước đây chúng ta thường nói mà chỉ có doanh nghiệp Nhà nước có thể làm thì bây giờ doanh nghiệp tư nhân làm được, làm tốt hơn.
Trong bối cảnh mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, một chiến lược rõ ràng để phát triển kinh tế tư nhân là điều tất yếu. Chiến lược này phải xác định sứ mệnh của kinh tế tư nhân không chỉ là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế, mà còn là lực lượng tiên phong, chủ lực trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong thực hiện những công trình quan trọng của quốc gia nhằm nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, để phát triển kinh tế trước hết phải khơi thông 2 trụ cột. Thứ nhất là cải cách thể chế; phải tháo được “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tạo “đột phá của đột phá”. Trong đó, phải tháo bỏ, chuyển đổi hệ thống pháp luật chồng chéo, trùng lặp, không rõ ràng, không hiệu quả, không cụ thể, không minh bạch.
“Hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay thiên về quản lý nên cần phải được chuyển sang một hệ thống pháp luật thông thoáng, tạo môi trường thực sự tự do kinh doanh, tự do sáng tạo, kinh doanh bình đẳng với một chi phí tuân thủ thấp, không gặp rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
![]() |
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương), người được xem là “kiến trúc sư trưởng” các phiên bản xây dựng Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam. |
Cũng theo ông, khi được chuyển sang hệ thống pháp luật thông thoáng, doanh nghiệp được thể hiện hết khả năng của mình để cống hiến, để làm giàu cho bản thân và đất nước. Kết quả của trụ cột này là xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng. Ở đó, mọi người được tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, tự do sáng tạo; trong đó, quyền tài sản, tài sản được bảo vệ chắc chắn, được đối xử một công bằng. Nếu xảy ra tranh chấp, được xử lý công bằng, hiệu quả và nhanh chóng.
Thứ hai, về dòng vốn của doanh nghiệp. Chúng ta phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn, đất đai, khoa học - công nghệ, dữ liệu… kịp thời, đủ lớn về quy mô và đồng bộ để họ bứt phá lên một cấp độ mới, từ siêu nhỏ đến nhỏ, từ nhỏ đến vừa, từ vừa đến lớn - một ngưỡng rất khó của doanh nghiệp.
“Nguồn vốn để doanh nghiệp tư nhân phát triển không chỉ là vốn tín dụng ngân hàng, mà còn là vốn đầu tư dài hạn. Như vậy, Nhà nước cần mở ra thị trường vốn đầu tư đa dạng hơn, giảm gánh nặng cho phía ngân hàng mà phải phát triển thị trường vốn có các loại quỹ, điều mà hiện nay chúng ta đang thiếu rất nhiều”, TS. Nguyễn Đình Cung phân tích.
Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Đình Cung, kinh tế tư nhân chính là dân, từ dân và vì dân. Đây là nguồn lực không giới hạn, có sức mạnh phát triển vượt bậc nếu được kích hoạt, thôi thúc khát khao kinh doanh, cống hiến. Thậm chí, trải qua nhiều biến động như dịch COVID-19, bất ổn kinh tế toàn cầu, cạnh tranh thương mại, căng thẳng địa chính trị… doanh nghiệp tư nhân vẫn thể hiện sự dẻo dai và khả năng thích nghi tuyệt vời.
![]() |
Đây chính là thời điểm thực hiện cuộc cách mạng cho kinh tế tư nhân cùng với cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy, khoa học và công nghệ. |
“Kinh tế tư nhân xứng đáng là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Để xây dựng một nền kinh tế hùng cường, không còn cách nào khác là phải dựa vào kinh tế tư nhân. Việc này cũng đánh dấu bước ngoặt về vai trò của kinh tế tư nhân so với giai đoạn trước, khi Việt Nam chủ yếu dựa vào doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài”, TS. Nguyễn Đình Cung nhìn nhận.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã phải chịu lép vế với khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước. Họ gần như không được hỗ trợ hay nâng đỡ, ưu đãi về đất đai, thuế, nên yếu về công nghệ và quản trị. Kết quả là họ khó gia nhập thị trường và không đủ năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước. Do đó, đây chính là thời điểm thực hiện cuộc cách mạng cho kinh tế tư nhân cùng với cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy, khoa học và công nghệ.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, doanh nghiệp tư nhân chịu thiệt thòi về thể chế, thực thi của nhà điều hành; với các điểm nghẽn về pháp lý, họ chưa thực sự được quyền tự do kinh doanh, bảo đảm quyền tài sản nên chưa yên tâm đầu tư.
Ông dẫn chứng các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện chính là một loại rào cản, hạn chế doanh nghiệp gia nhập thị trường. Hay Luật Đầu tư đưa ra các quy định về cấp giấy chứng nhận, chủ trương đầu tư, trong khi câu chuyện “làm thế nào, do ai” lại do thị trường quyết định, nghĩa là Nhà nước không nên can thiệp vào mục đích, quy mô đầu tư của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là quy trình thủ tục hành chính quá nhiêu khê và tốn rất nhiều thời gian. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, nhóm thủ tục về đất đai, môi trường và xây dựng là điểm nghẽn đối với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng việc tiếp cận đất đai vẫn gặp khó khăn do sự chồng chéo trong quy định, sự trì trệ trong phê duyệt dự án và tâm lý sợ trách nhiệm của cán bộ địa phương.
Theo sơ đồ thực hiện dự án mà một doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng tại Đà Nẵng cung cấp (thời điểm tháng 6/2024), quy trình nhóm thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường và xây dựng kéo dài 28 tuần (khoảng 196 ngày).
Đây là một khoảng thời gian rất dài, đặc biệt với các dự án cần triển khai nhanh để bảo đảm hiệu quả đầu tư. Với quy trình tổng cộng gần 7 tháng, doanh nghiệp phải dành nhiều nguồn lực để theo dõi, điều chỉnh và bổ sung các yêu cầu hồ sơ trong từng giai đoạn. Vậy thì có bao nhiêu doanh nghiệp đủ kiên nhẫn để làm?
Đặc biệt, nhiều ý kiến cũng phân tích thực trạng các doanh nghiệp, doanh nhân chọn dừng lại ở mức “đủ ăn, đủ tích lũy” mà chưa có khát vọng vươn lên, cống hiến cho đất nước. Một bộ phận khu vực kinh tế tư nhân là hộ kinh doanh, họ có tâm lý e ngại khi phải công khai các thông tin tài chính, kế toán. Đó là một trong những lý do của thực trạng hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh “không muốn và không thể lớn” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu.
“Tôi hy vọng sẽ có cuộc cách mạng tinh giản về quy định như cách làm, tư duy sắp xếp bộ máy vừa rồi. Việc này không dễ dàng, song cải cách cần có đột phá trong tư duy, tư duy thông thì hành động mới thông. Khi đó, các quy định pháp luật về kinh tế sẽ được thiết kế theo hướng quản lý mục tiêu, thay vì quy trình như hiện nay”, TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ.
Khi tháo nghẽn được thể chế và có những chính sách đột phá để khu vực kinh tế kinh tế tư nhân bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận với các nguồn lực quan trọng như vốn, đất đai, nhân lực, công nghệ thì lúc đó doanh nhân doanh nghiệp được thổi bùng lên ngọn lửa đam mê kinh doanh, khiến họ khao khát đầu tư, phát triển và cống hiến cho đất nước và kinh tế tư nhân sẽ thực sự là một đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng.
CẤT CÁNH KINH TẾ TƯ NHÂN PHẢI GẮN VỚI KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ
Ở góc độ là doanh nghiệp, đặc biệt là tập đoàn lớn, bà Nguyễn Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet bày tỏ, với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, với sự đồng hành của Chính phủ và tinh thần doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp dân tộc sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ, phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, có vị thế vững chắc trên trường quốc tế.
Theo bà Nguyễn Phương Thảo, để kinh tế tư nhân thực sự trở thành “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế thì hãy tin tưởng ở doanh nghiệp dân tộc, giao các chương trình, dự án trọng yếu mang tới những bước tiến dài trong lịch sử phát triển đất nước, tạo nên giá trị tăng trưởng cao, ảnh hưởng kinh tế xã hội lớn và hội nhập quốc tế.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm chúc mừng Vietjet Air khai trương đường bay Phú Quốc – Singapore, ngày 11/3/2025. |
Chúng ta cần một chiến lược đồng bộ từ Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội, tập trung vào 3 trụ cột chính: Thể chế thuận lợi, nguồn lực mạnh mẽ và tinh thần doanh nhân đổi mới sáng tạo gắn với đột phá khoa học công nghệ như nhiều lần Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định “Phát triển khoa học công nghệ là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển”; Nhà nước và doanh nghiệp nếu không đổi mới nghĩa là tự thụt lùi và đi sau so với các nước và các doanh nghiệp nước ngoài.
Nhìn từ thực tiễn phát triển của nhiều doanh nghiệp tư nhân khác, có thể thấy rằng một môi trường chính sách thuận lợi, minh bạch, ổn định chính là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững. Khi có một cơ chế bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, doanh nghiệp tư nhân sẽ mạnh dạn đầu tư dài hạn, đổi mới sáng tạo và đóng góp tích cực vào nền kinh tế.
“Việc xây dựng Nghị quyết về kinh tế tư nhân trình Bộ Chính trị ban hành là một bước tiến quan trọng, giúp hoàn thiện hành lang pháp lý và tháo gỡ những rào cản về thủ tục, vốn, thị trường. Tôi tin rằng, với những giải pháp đột phá, có tính cách mạng, các doanh nghiệp tư nhân sẽ có động lực mạnh mẽ để phát triển, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia”, bà Nguyễn Phương Thảo chia sẻ.
Bên cạnh thể chế, con người và nguồn vốn là hai yếu tố quan trọng để doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững. Ví dụ từ trong câu chuyện của Vietjet – một hãng hàng không tư nhân khởi đầu với khát vọng đưa hàng không trở thành phương tiện phổ thông, bà Thảo thấy rằng con người là yếu tố quan trọng nhất cùng với khoa học, công nghệ.
![]() |
Bà Nguyễn Phương Thảo bày tỏ, với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, với sự đồng hành của Chính phủ và tinh thần doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp dân tộc sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ, phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, có vị thế vững chắc trên trường quốc tế. |
Từ đội ngũ chuyên gia hàng không quốc tế đến những nhân sự trẻ tài năng được đào tạo bài bản trong nước, chính sự đầu tư vào nguồn nhân lực đã giúp Vietjet phát triển mạnh mẽ, vươn ra thế giới. Do đó, Việt Nam cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính và quản trị doanh nghiệp để giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân.
Bà Nguyễn Phương Thảo cũng bày tỏ hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc hình thành các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, doanh nghiệp dân tộc, đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực, dẫn đầu trong chuỗi giá trị của nền kinh tế trong nước và quốc tế.
Theo bà Thảo, hàng chục năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã chứng minh vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, không chỉ đóng góp đáng kể vào GDP mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, Việt Nam cần những doanh nghiệp dân tộc có đủ tiềm lực để vươn tầm khu vực và quốc tế, dẫn dắt các ngành kinh tế chiến lược và xây dựng một hệ sinh thái mạnh mẽ, giúp đất nước phát triển bền vững.
Cùng quan điểm, ông Don Lam, Tổng Giám đốc và cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital (một trong những tập đoàn quản lý đầu tư hàng đầu tại Việt Nam) cho rằng, kinh tế tư nhân không chỉ là trụ cột mà còn là động lực tăng trưởng then chốt của Việt Nam trong tương lai.
Theo ông Don Lam, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá. Cụ thể phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 8%, tạo đà để những năm tiếp theo tăng trưởng hai con số. Chính vì vậy, vai trò của khối kinh tế tư nhân lại càng quan trọng với quá trình thực hiện mục tiêu này.
Tuy nhiên, hiện nay khu vực kinh tế tư nhân có một điểm yếu cố hữu là sự phân tán và thiếu liên kết ngành, khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó hình thành chuỗi giá trị bền vững. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn hoặc khối FDI thường có ưu thế vượt trội về nguồn lực và công nghệ. Đồng thời, khối doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp phải những rào cản trong tiếp cận vốn, tài nguyên, công nghệ và hạ tầng hỗ trợ.
Do đó, bên cạnh việc nhanh chóng hoàn thiện các chính sách, tháo gỡ cơ chế xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá cho thành phần kinh tế quan trọng này, Việt Nam cần có chính sách thúc đẩy liên kết ngang giữa các doanh nghiệp nội địa, tạo ra cụm ngành hợp tác để cùng chia sẻ công nghệ, nhân lực và thị trường – từ đó nâng cao sức cạnh tranh nội tại, thay vì quá phụ thuộc vào các “cánh chim đầu đàn” nước ngoài.
Ông Don Lam cũng đánh giá rất cao tầm nhìn dài hạn của Chính phủ khi ban hành các chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Đây là bước đi chiến lược để tạo ra một nền kinh tế tri thức, giảm phụ thuộc vào tài nguyên và lao động phổ thông. Theo đó, điều then chốt là Việt Nam phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt.
![]() |
Chúng ta tin tưởng kinh tế tư nhân với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp dân tộc sẽ nhanh chóng trở thành lực lượng kinh tế hùng mạnh, thực hiện thành công vai trò đòn bẩy cho một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, đem lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Ảnh: TTXVN. |
Những chính sách đang dần hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nơi Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, còn giới học thuật và đầu tư tư nhân là các lực đẩy quan trọng. Nếu được triển khai hiệu quả, đây sẽ là bàn đạp giúp Việt Nam đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030 và xây dựng năng lực công nghệ tự chủ, như tinh thần được đề ra trong Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Hiện nay, tình hình kinh tế - chính trị thế giới đang diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định, nhưng cũng đưa đến nhiều thời cơ, vận hội mới cho phát triển. Công nghệ 4.0, X.0 cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế chi phối sâu sắc tiến trình phát triển của tất các quốc gia. Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, xác lập trật tự thế giới mới, với những đột phá, những thay đổi mang tính thời đại.
Trong bối cảnh mới với thách thức mới, cơ hội mới, đặt ra yêu cầu mới trong xác định quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao mà còn phải tăng trưởng xanh, bền vững; không chỉ duy trì các động lực tăng trưởng hiện có, mà phải tạo dựng các động lực tăng trưởng mới dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, chúng ta phải cơ cấu lại nền kinh tế, tạo dựng mô hình tăng trưởng mới ưu việt, phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế thế giới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Kinh tế nước ta có độ mở lớn, phụ thuộc khá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu và thị trường tiêu thụ bên ngoài. Để vượt qua những khó khăn, thách thức, nắm bắt và tận dụng kịp thời, hiệu quả thời cơ, vận hội đòi hỏi chúng ta phải huy động sự vào cuộc của tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt đối với kinh tế tư nhân.
Trước đó, tại Đại hội lần thứ XI, Đảng khẳng định: "Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế". Vai trò của doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân lần đầu tiên được ghi trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013: "Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa".
Đổi mới tư duy cần có quá trình nhận thức, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ra Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết xác định: "Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển".
Đến thời điểm hiện nay, với tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới quan điểm kinh tế; thực hiện cách mạng tinh gọn bộ máy gắn với đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước quản trị liên thông hiệu lực, hiệu quả, phục vụ doanh nghiệp, phụng sự đất nước của Đảng và Nhà nước, người đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta tin tưởng kinh tế tư nhân với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp dân tộc sẽ nhanh chóng trở thành lực lượng kinh tế hùng mạnh, thực hiện thành công vai trò đòn bẩy cho một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, đem lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2025

Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước

Cần chính sách đặc thù, vượt trội, hiện đại, cạnh tranh

Có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống

Tìm giải pháp dữ liệu tối ưu cho khu thương mại tự do

Thủ tướng đề nghị Standard Chartered hỗ trợ Việt Nam xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế

Quý đầu năm, kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng vượt bậc

Bài 3: Thời điểm vàng để hành động, kiến tạo giúp kinh tế tư nhân bứt phá

Bài 2: Tháo nghẽn thể chế, “căn bệnh” kìm hãm kinh tế tư nhân
