Bài 6: “Bộ đôi đấu thầu" và chiêu trò khiếu nại khi rớt thầu ?
Huyện Thăng Bình, nơi "bội đôi" Công ty CP Xây dựng công trình Đại Lộc và Công ty CP Tư vấn và Kỹ thuật Xây dựng Đại Bình An đã trúng thầu rất nhiều gói thầu với tỷ lệ giảm thầu "cực thấp" (Ảnh: TTTĐ) |
Tại Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, "bội đôi" Công ty CP Xây dựng công trình Đại Lộc và Công ty CP Tư vấn và Kỹ thuật Xây dựng Đại Bình An hầu như đều tham gia gần hết các gói thầu có giá trị dưới 15 tỷ đồng.
Với sự tích cực đó, "bộ đôi" nói trên liên tiếp trúng nhiều gói thầu trên địa bàn Quảng Nam, đặc biệt nhiều gói thầu có tỷ lệ giảm chi phí "gần bằng 0".
Bên cạnh đó, đối với các gói thầu có hiện tượng khiếu nại thì thường xuyên xuất hiện một trong hai tên "bộ đôi" nhà thầu này. Trong khi nhiều gói thầu có lợi thế về giá nhưng "bộ đôi" này lại bị "chấm rớt" nhưng không có khiếu nại. Có thể thấy, văn hóa "khiếu nại" đã được "bộ đôi" này sử dụng linh hoạt đối với các gói thầu mà họ cảm thấy "chưa thỏa đáng".
Tích cực đấu thầu trong toàn tỉnh Quảng Nam
Thống kê từ trang dauthau.asia cho thấy, tại Quảng Nam nổi lên một số nhà thầu tích cực tham gia dự thầu và tìm kiếm việc làm. Nổi trội trong đó phải kể đến Công ty CP Xây dựng công trình Đại Lộc, Công ty CP Tư vấn và Kỹ thuật xây dựng Đại Bình An,...
Ngoài việc tham gia với tư cách độc lập, các doanh nghiệp này còn liên kết để tham gia các gói thầu khác nhau khi "không đủ năng lực".
Từ khi tổ chức đấu thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhà thầu Công ty CP Tư vấn và Kỹ thuật xây dựng Đại Bình An là nhà thầu rất tích cực, đã tham gia 260 gói thầu, trong đó đã trúng thầu 40 gói, 53 gói chưa có kết quả.
Thống kê từ trang dauthau.asia đối với Công ty CP Tư vấn và Kỹ thuật xây dựng Đại Bình An |
Nhà thầu Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Đại Lộc, mặc dù chỉ mới tham gia đấu thầu tại hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ tháng 6/2020 nhưng đã tham gia 142 gói thầu, trong đó thắng thầu 14 gói, 36 gói chưa có kết quả.
Việc tích cực tham gia đấu thầu và trúng thầu nhiều dự án, tạo công ăn việc làm cho lao động công ty là việc làm tích cực. Nếu nhà thầu liên tục trúng thầu, sau đó nhượng thầu hoặc chuyển cho doanh nghiệp khác để cắt phần trăm dự án nhằm thu lợi bất chính thì lại là một câu chuyện khác.
Thống kê từ trang dauthau.asia đối với Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Đại Lộc |
Trao đổi với nhóm phóng viên về việc tham gia đấu thầu, một doanh nghiệp tại Điện Bàn cho biết, với khả năng của công ty anh thì việc tham gia đấu thầu sẽ có giới hạn và cân nhắc. Bởi phải căn cứ vào tình hình của công ty nên cần chọn lựa và tham gia có chọn lọc.
Việc tham gia đấu thầu phải có bảo lãnh dự thầu và thường phải kèm theo thư cam kết cung cấp tín dụng. Nếu nhà thầu không có hình thức chứng minh năng lực tài chính khác. Ngoài ra, phải có đội ngũ kỹ thuật phụ trách làm hồ sơ thầu.
Chi phí “thấy liền” là bảo lãnh dự thầu và thư cam kết cung cấp tín dụng, khoản chi phí này ít nhất phải 4 triệu trở lên, cùng với đó là chi lương cho bộ phận chạy theo công tác đấu thầu. Như vậy, trung bình để tham gia đấu thầu một dự án nhà thầu phải tốn ít nhất 5 triệu đồng.
Nhà thầu phải tốn chi phí cho thư bảo lãnh để tham dự dự thầu (Ảnh minh họa) |
Như trường hợp Công ty Cổ phần Tư vấn và Kỹ thuật xây dựng Đại Bình An tham gia 260 gói thầu thì riêng khoản chi phí cho việc tham dự đấu thầu có thể lên đến 1,3 tỷ đồng.
Tại Quảng Nam, Công ty Cổ phần Tư vấn và Kỹ thuật xây dựng Đại Bình An tham gia hầu hết các gói thầu trên địa bàn toàn tỉnh với tỷ lệ trúng thầu cao ở những gói có tỷ lệ giảm thầu thấp và hầu như rớt ở những gói thầu có tỷ lệ giảm thầu cao.
Hiển nhiên thành quả thu được từ việc này là doanh nghiệp liên tiếp trúng nhiều gói thầu với tỷ lệ giảm thầu rất thấp, còn các gói thầu có tỉ lệ giảm thầu cao hầu như rớt.
Đối với Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Đại Lộc cũng vậy, việc tham gia 142 gói thầu đã tốn hết của doanh nghiệp này trên 500 triệu. Theo đó, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì khoảng tiền trên dưới 500 triệu đồng là khoản chi phí rất lớn nên cần phải tính toán để đạt được doanh thu, nếu trượt thầu, việc bù đắp khoản chi phí làm hồ sơ dự thầu cũng là vấn đề nan giải.
Thống kê một số gói thầu mà Công ty Cổ phần Tư vấn và Kỹ thuật xây dựng Đại Bình An trúng thầu |
Tuy nhiên, tại Quảng Nam doanh nghiệp “đấu tất các gói" như "bộ đôi" nêu trên là rất hiếm, có thể họ nhiều vốn để giải quyết được bài toán chi phí tham gia thầu và có bí quyết đấu trúng đa số những gói có tỷ lệ giảm thầu thấp và chỉ rớt thầu tại những gói thầu có tỷ lệ giảm thầu cao.
Vận dụng "linh hoạt" quyền khiếu nại
Hoạt động đấu thầu tại Quảng Nam thường xuyên xảy ra khiếu nại về công tác tổ chức đấu và chấm thầu.
Trước đó, báo chí cũng đã phản ánh liên tục về công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Nội dung khiếu nại hầu hết phản ánh về việc bên mời thầu (BMT) đưa ra lý do để loại nhà thầu không thuyết phục.
Tuy nhiên, không ít khiếu nại của một số doanh nghiệp là nhằm mục đích cạnh tranh thầu khi bị rớt, gây khó khăn cho đơn vị trúng thầu.
Đơn kiến nghị tại Quảng Nam của một đơn vị dự thầu (Nguồn internet) |
Mới đây, sau khi bị loại tại gói thầu xây lắp thuộc Dự án Bảo trì thường xuyên các tuyến đường đường huyện, đường xã huyện Nam Trà My năm 2021, Công ty CP Tư vấn và Kỹ thuật xây dựng Đại Bình An đã nhiều lần kiến nghị đến chủ đầu tư và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, đề nghị dừng ký hợp đồng với Liên danh nhà thầu trúng thầu (Công Ty TNHH MTV Dương Tiến - Công ty TNHH Xây dựng thương mại Trường Sơn Hải) để giải quyết kiến nghị.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc kiến nghị kiểu này thường được một số doanh nghiệp ở Quảng Nam tận dụng tối đa để “cạnh tranh” không lành mạnh, gây áp lực cho đơn vị trúng thầu nhằm mục đích nào đó.
Kết quả chấm thầu gói thầu sửa chữa hư hỏng lề đường, rãnh dọc tuyến ĐT.615, đoạn Km0 - Km8 và mương thoát nước dọc Km15+700 - Km16+700 (Ảnh chụp từ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia) |
Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu sửa chữa hư hỏng lề đường, rãnh dọc tuyến ĐT.615, đoạn Km0 - Km8 và mương thoát nước dọc Km15+700 - Km16+700 (Ảnh chụp từ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia) |
Giám đốc doanh nghiệp xây dựng tại Điện Bàn (xin giấu tên) cho biết, đa số các nhà thầu chân chính họ sẽ phải cân nhắc khi khiếu nại một vấn đề gì đó liên quan đến kết quả đấu thầu. Vì sự ảnh hưởng của việc này rất lớn đến quá trình phát triển của doanh nghiệp. Không rơi vào “thế bí” các doanh nghiệp sẽ không khiếu nại.
Khi hỏi về trường hợp Công ty CP Tư vấn và Kỹ thuật xây dựng Đại Bình An liên tục khiếu nại mỗi khi rớt thầu, thậm chí biết tham gia dự thầu là rớt nhưng vẫn cố tình khiếu nại thì vị giám đốc này nói: Khác nhau mà “anh Đại” của tỉnh phải khác...
(Còn tiếp...)