Bài 71: Cô gái “kỳ lạ” và giấc mơ nước Việt Nam sạch như Nhật Bản, Singapore
>> Thanh niên với vấn đề hội nhập - Khát vọng vươn xa
Bài 70: Chàng trai 9X và giấc mơ “truyền lửa” cho giới trẻ Việt Nam
Nguyễn Hoàng Thảo là người sáng lập và điều hành fanpage “Nói không với túi nylon” thu hút rất đông sự theo của các bạn trẻ. Cô cũng chính là nhân tố truyền cảm hứng mạnh mẽ, tạo ra một trào lưu mới trong một bộ phận bạn trẻ sống hòa thuận với thiên nhiên.
Giấc mơ lớn của cô gái nhỏ
Từng có nhiều năm sống tại Nhật, Thảo đã rất ngưỡng mộ những gì mà người Nhật đã làm với môi trường. Chỉ khoảng những năm 1950-1960 thôi, nước Nhật cũng không mấy sạch sẽ, ngăn nắp như Việt Nam hiện nay nhưng giờ đây quốc gia này là một trong những nước có môi trường sạch sẽ, không khí trong lành nhất trên thế giới. Từ chỗ ngưỡng mộ người Nhật và yêu thích chất lượng môi trường tại đây, cô gái Hà Nội đã âm thầm nhen lên giấc mơ một ngày Việt Nam cũng sẽ sạch sẽ như Nhật Bản. Trở về nước sau khi đã có trong tay tấm bằng thạc sĩ tại Nhật, Thảo tiếp tục sự nghiệp của mình với vài trò là một cô giáo và lập tức bắt tay vào kế hoạch thực hiện giấc mơ lớn của mình.
Hoàng Thảo trong một buổi hướng dẫn mọi người làm quen với việc sử dụng túi vải thay vì túi nylon
Hiểu rằng hành động xuát phát từ nhận thức, muốn tạo ra sự thay đổi trong hành động thì phải cung cấp kiến thức, Thảo đã cùng với hai bạn trẻ khác lập ra fanpage “Nói không với túi nylon”. Ra đời từ giữa năm 2016, nhóm “Nói không với túi nylon” chỉ có ba thành viên, thay nhau điều phối các hoạt động xây dựng thông tin trên fanpage, tổ chức hội thảo, vận động các cửa hàng… Cho đến nay, fanpage “Nói không với túi nylon” đã thu hút sự quan tâm của hơn 12 nghìn người, chủ yếu ở lứa tuổi từ 18-35. Không chỉ cung cấp thông tin liên quan đến tác hại của túi nylon và đồ nhựa dùng một lần, dự án còn là nơi chia sẻ thông tin nổi cộm về môi trường trong nước và quốc tế.
Gần đây, nhóm của Thảo hàng tháng tổ chức các buổi sinh hoạt hay hội thảo với mục đích kêu gọi mọi người “nói không với túi nylon”. Dự án này hướng những người tham gia làm quen với túi vải, giảm thiểu sử dụng chất liệu nylon trong cuộc sống. Hoàng Thảo đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên về vấn đề thay thế túi nylon trong cuộc sống thường ngày. Nhóm của Thảo giúp người tham gia tiếp cận sự tiện lợi, thoải mái của túi vải bằng cách trang trí chúng với màu sắc theo ý thích. Túi vải mà nhóm lựa chọn làm bằng vải hemp (vải có nguồn gốc từ cây gai dầu), không khó kiếm, lại thoáng khí, dễ giặt, bền. Nhóm cũng hướng dẫn cách thức biến một chiếc áo phông thành túi đeo thời trang, bình nhựa bỏ đi thành chậu cây, ống cắm bút…
Cùng với đó, Thảo cũng vận động thử nghiệm thay thế túi nylon bằng túi vải tại một số cửa hàng bán đồ lưu niệm, cửa hàng thực phẩm… Đến nay đã có hơn 20 cửa hàng đã cam kết giảm thiểu việc sử dụng túi nilon. Tại các cửa hàng này, nếu khách hàng đồng ý không sử dụng túi nilon khi mua hàng sẽ được giảm giá sản phẩm. Bước đầu, các cửa hàng này nhận được sự ủng hộ tích cực từ nhiều khách hàng.
Nhìn vào những thành quả đầu tiên này, Thảo xúc động lắm. Cô nhớ những gian nan ngày đầu, khi mới tiếp cận với các cửa hàng để trình bày kế hoạch của mình và kêu gọi tham gia. Tại nhiều cửa hàng Thảo đã bị mắng, bị xua đuổi bởi việc làm “dỗi hơi” của mình. Bao vất vả và cả buồn tủi chẳng làm mai một chút tinh thần nào của cô gái bé nhỏ. Thảo vẫn ngày ngày kiên trì vận động, thuyết phục, từng chút một. Nước chảy thì đá cũng phải mòn. Chứng kiến tâm huyết của Thảo với môi trường cũng như sự kiên nhẫn phi thường của cô gái bé nhỏ mà đầy nội lực, nhiều chủ chửa hàng đã bị “lung lay”. Từ chỗ “khó chịu ra mặt”, một số người đã bắt đầu muốn được ghé vai vào giấc mơ làm cho môi trường sạch hơn của Thảo. Họ đã muốn đóng góp sức mình cùng với Thảo nhưng điều họ không ngờ đến là cũng kể từ khi họ thực hiện chương trình giảm giá cho khách hàng không sử dụng túi nilong thì lợi nhuận của họ cứ “nhích” dần lên từng ngày.
Mộng ước không xa vời
Khi được hỏi mục tiêu tiếp theo mà dự án “Nói không với túi nylon”, Hoàng Thảo cho biết, kế hoạch tiếp theo của cô là mở rộng thêm mạng lưới các cửa hàng cam kết giảm tiêu dùng túi nilon bởi đây chính là nguồn phát của túi nylon rất lớn. Thảo muốn một sự thay đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, thói quen sống của đông đảo người Việt. Thảo biết, khát vọng của cô là rất lớn, con đường chinh phục giấc mơ là rất gian lan và lâu dài nhưng cô rất tự tin vào một sự thay đổi mạnh mẽ về ý thức bảo vệ môi trường của người Việt trong tương lai gần. “Tạo ra sự thay đổi để cuộc sống tốt đẹp hơn không phải là cái gì đó quá to tát. Sự thay đổi lớn có thể đến từ chính từng người dân bé nhỏ, từng việc làm bé nhỏ” – Thảo nói. Niềm tin này đã giúp Thảo – một cô gái bé nhỏ - rất lạc quan với giấc mơ lớn của mình cho môi trường. Cô gái ấy lúc nào cũng cười và cười thật tươi. Không ngạc nhiên là Thảo trẻ quá so với cái tuổi 35 của cô, một sự tươi trẻ toát ra từ một trái tim ham mê cống hiến và một tinh thần lạc quan mạnh mẽ.
Thảo cho biết, tại gia đình của cô, bố cô hiện nay chỉ đi xe đạp như một cách để góp phần bảo vệ môi trường. Còn mẹ cô dù ban đầu rất phiền lòng vì cô con gái “rượu” cứ tối ngày mải mê “vác tù và hàng tổng”, “lảm nhảm” về túi nilon suốt ngày nhưng nay đã bắt đầu học theo con gái, ngày ngày xách làn hoặc túi vải đi chợ và không quên nhắc những người bán hàng không dùng túi nilon để bao gói hàng hóa bà mua. Sự thay đổi này không chỉ diễn ra ở trong ngôi nhà của Thảo. Nhiều người đang cùng cô gái này tạo nên sự thay đổi cho môi trường.
Chắc hẳn, trong số những bạn trẻ tham gia vào những buổi sinh hoạt của Hoàng Thảo; những bạn trẻ tìm kiếm thông tin trên fanpage “Nói không với túi nylon” hay những chủ cửa hàng cam kết giảm tiêu dùng túi nilon và các khách hàng của họ, sẽ có nhiều người bắt đầu nghĩ về tái sử dụng, tiết kiệm nguyên liệu và giảm thiểu rác, không hoặc hạn chế sử dụng chất liệu có hại. Từ những người đầu tiên được kích thích tạo ra sự thay đổi này, chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng sự đổi thay tích cực này sẽ lan truyền rộng rãi tới bạn bè của họ, người thân của họ, con cái họ… Cứ như vậy, sự đổi thay ấy sẽ vươn mãi ra, như vết dầu loang. Khi ấy, giấc mơ về một Việt Nam sạch hơn, giống như Nhật, Singapore… đâu phải quá xa vời. Giấc mơ đẹp ấy sẽ trở thành hiện thực nhờ vào chính sự đổi thay nhỏ của mỗi chúng ta, ngay bây giờ.
(còn nữa)