Bài cuối: Gỡ “tường rào”, mở “cánh cổng lớn” đón phụ nữ tâm, tài
Gỡ khó trong công tác cán bộ nữ |
Bài 2: Vì sao công tác cán bộ nữ chưa được như kỳ vọng? |
Bài 3: Nữ cán bộ dám... "vượt rào" |
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu
Những hạn chế trong công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới ở nhiều ngành, địa phương thời gian qua trước hết do cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu nhận thức chưa đủ, quyết tâm chưa cao; chưa gắn trách nhiệm với mục tiêu bình đẳng giới; không ít tổ chức, cá nhân có quan điểm sai lệch, lạc hậu về công tác phát triển cán bộ, công chức nữ.
Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và những mục tiêu, chương trình về bình đẳng giới thì việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và hệ thống chính trị vô cùng quan trọng.
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc bổ sung, thực hiện có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, bản thân từng phụ nữ phải nỗ lực phấn đấu |
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ đã rất đầy đủ và toàn diện. Vấn đề hiện nay là khâu tổ chức triển khai, thực hiện. Tỉ lệ phụ nữ tham chính ở các cấp còn đang nhiều vấn đề, cấp ủy rất quyết liệt nhưng khi đi vào từng vấn đề cụ thể, xuống từng cấp cụ thể thì tỉ lệ này có sự biến động, không đồng nhất. Vì vậy, bà Nga đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa của cấp ủy, người đứng đầu để thúc đẩy các mục tiêu bình đẳng giới; trong đó có vấn đề liên quan đến phát huy vai trò của cán bộ nữ.
Thực tế, ở địa phương nào, người đứng đầu có quan tâm, quan tâm thật sự, tạo điều kiện đến công tác cán bộ nữ thì ở đó kết quả, tỉ lệ cán bộ nữ sẽ tốt.
Tại Hà Nội, công tác cán bộ nữ những năm qua có nhiều kết quả đáng ghi nhận là do sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố. Để phát triển công tác phụ nữ trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc các văn bản chỉ đạo của trung ương, thành phố; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, quan tâm, chăm lo thiết thực, cụ thể đối với công tác phụ nữ, nâng cao đời sống vật chất và đặc biệt cả về tinh thần, gia tăng chỉ số hạnh phúc cho phụ nữ.
Đặc biệt, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong lưu ý công tác cán bộ nữ phải thực hiện đồng đều; trong đó, cần rà soát lại các cơ chế chính sách đối với riêng phụ nữ Thủ đô; cân nhắc đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của thành phố tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong giao Ban Dân vận Thành ủy phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy rà soát lại về quy hoạch đối với quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ để tham mưu với Thành ủy có chỉ đạo trong cả hệ thống chính trị thành phố bảo đảm chỉ tiêu quy hoạch theo quy định.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phụ nữ |
Chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ
Là một trong những người nằm trong ban soạn thảo Luật Bình đẳng giới, bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhận định, sau 17 năm thực hiện Luật này, đến nay đã có nhiều thành tựu to lớn. Ví dụ như tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử Quốc hội khóa XV đạt 30,26%; hay như khi Quốc hội sửa đổi Hiến pháp năm 2013 có đến hơn 10 triệu phụ nữ đã tham gia đóng góp ý kiến, trí tuệ vào việc này… Những số liệu trên là minh chứng cho thấy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị đã mở rộng hơn rất nhiều, đồng thời phản ánh cán bộ nữ đã nỗ lực để tham gia nhiều hơn vào công tác tham chính. Hiện Dự thảo Luật Bình đẳng giới (sửa đổi) đang trình Chính phủ, khi được thông qua sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa hành lang pháp lý để tạo điều kiện giúp phụ nữ tham gia sâu, rộng hơn vào các hoạt động chính trị, xã hội.
“Thực tế các Luật hiện hành đã đầy đủ nhưng quan trọng là việc thực thi cần quan tâm nhiều hơn. Ví như, quy định bảo đảm 30% người ứng cử vào Quốc hội là nữ, nếu trong quá trình triển khai tốt, các cơ quan hỗ trợ đắc lực cho các nữ ứng cử viên thì tỉ lệ nữ tham gia ứng cử đại biểu quốc hội các nhiệm kì sau chắc chắn không chỉ là 30%”, bà Vân nhận định.
Bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, công tác cán bộ nữ cần tập trung vào 3 chủ thể |
Trước những vướng mắc, hạn chế của công tác cán bộ nữ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh kiến nghị, ngoài việc kiên trì, quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước thì cần xây dựng, hoàn thiện tốt hệ thống chính sách, luật pháp về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ được phát triển toàn diện. Theo bà, cần nghiên cứu kĩ các vấn đề đưa vào Luật Bình đẳng giới (sửa đổi) sắp tới và các quy phạm pháp luật liên quan, đặc biệt là các quy định liên quan tới cơ chế để đảm bảo thi hành các quy định của luật, tăng chính sách bồi đắp cho phụ nữ từng nhóm cụ thể.
Về quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, bà Oanh cho rằng, các cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị cần đảm bảo cơ cấu trong quy hoạch đúng tỉ lệ đã được quy định. Khi xét đề bạt cán bộ nữ, ngoài tiêu chuẩn chung, cần tính toán về yếu tố giới với các đơn vị có đông nữ.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc An - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nêu quan điểm, cần phải tăng số lượng cán bộ nữ được quy hoạch vào cấp ủy lên gấp đôi. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đặc điểm đội ngũ cán bộ nữ, chú trọng bồi dưỡng cán bộ nữ trẻ.
Theo ông An, ở giai đoạn 25-35 tuổi, phụ nữ thường vướng bận chăm lo gia đình. Vì vậy, nếu không được sự quan tâm, chăm lo đúng mức thì dễ bị mất nguồn lực cán bộ nữ, do chị em lựa chọn lùi lại phía sau. Ở giai đoạn 35-45 tuổi là thời kỳ nữ cán bộ đến “độ chín”, học vấn ổn định, nền tảng gia đình chắc chắn nên cần tập trung bồi dưỡng và mạnh dạn sử dụng.
Bên cạnh đó, ông An cho rằng, cần chú trọng đào tạo nguồn cán bộ nữ ngoài hệ thống chính trị. Bởi theo ông, dường như công tác cán bộ nữ mới đang chỉ tập trung vào phát triển trong hệ thống chính trị mà chưa chú trọng tới lực lượng ngoài hệ thống, trong khu vực sản xuất kinh doanh, hoạt động xã hội...; hoặc nếu có thì việc sử dụng chưa được nhiều. Những nữ doanh nhân giỏi, những nhà hoạt động xã hội xuất sắc cần được quan tâm đào tạo, phát triển, để bổ sung cho lực lượng cán bộ nữ. Ngược lại, đội ngũ cán bộ nữ xuất sắc trong hệ thống chính trị cũng cần được đưa ra những lĩnh vực khác để làm tốt hơn.
Ở góc độ khác, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, công tác phụ nữ phải sát hợp với từng đối tượng, vùng, miền, phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp phụ nữ vào sự phát triển của đất nước; đồng thời, phải chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt nhất vai trò người công dân, người lao động, người vợ, người mẹ,… Các cơ quan, tổ chức cần phân công cán bộ, bộ phận đầu mối theo dõi công tác cán bộ nữ. Hàng năm, tiến hành rà soát tình hình cán bộ, có thống kê số liệu tách biệt giới; xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước.
Song song đó, mỗi địa phương, đơn vị, cơ quan cần khảo sát, đánh giá, chỉ ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự hạn chế trong công tác phát triển cán bộ nữ. Từ đó, có chương trình hành động mạnh mẽ để tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ bảo đảm số lượng và chất lượng, cơ cấu và độ tuổi, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, ngành, đơn vị mình; có chính sách chăm lo, ưu tiên để cán bộ nữ phấn đấu. Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần coi trọng nâng cao vị thế và trách nhiệm trong công tác bình đẳng giới, để xây dựng đội ngũ cán bộ nữ cho Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội.
Tạo thế “kiềng 3 chân” trong công tác phụ nữ
Tại tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới”, bà Cao Xuân Thu Vân- Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, về tổ chức, người đứng đầu phải đặt ra các hướng và đưa ra thảo luận thì mới có nghị quyết, mới có đội ngũ cán bộ. Chúng ta không ưu ái cho cán bộ nữ theo kiểu tới đại hội thì đưa vào mà phải có sự quan tâm thật sự và được bồi dưỡng từ trước. “Tôi là một sự hiện thân của vấn đề này. Khi vào làm việc, tôi được thủ trưởng nam đặt vấn đề là hạt nhân nữ và phải phấn đấu. Từ đó tôi thấy mình phải có trách nhiệm nhưng tôi rất lo lắng về từ “ưu tiên”. Ưu tiên khiến người ta lo được vào vị trí này, vị trí nọ, liệu có làm được không? Có đủ đạo đức, phẩm chất hay không? Vì vậy, quan trọng nhất là mình có dám khẳng định mình, có dám đảm đương nhiệm vụ hay không? Tôi đã trải qua các vị trí làm việc, mỗi vị trí đều có sự khác nhau và nghiệm ra một điều: Phụ nữ phải khẳng định mình. Mình có cơ hội hơn nam là được cơ cấu, ưu ái. Tuy nhiên, nó sẽ là áp lực nếu không nỗ lực”, bà Vân nói.
Để nâng cao cả chất và lượng đội ngũ cán bộ nữ, bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, cần tập trung vào 3 chủ thể. Trước hết, mỗi cá nhân phụ nữ cần nhận ra thế mạnh của mình để nỗ lực phát huy, cùng hợp tác, phấn đấu để khẳng định mình; từ sự nỗ lực đó các cơ quan, đơn vị sẽ nhìn thấy năng lực của họ để tạo điều kiện phù hợp.
Hai là các cơ quan, tổ chức và gia đình, tạo cơ hội cho phụ nữ để họ khắc phục những khoảng trống do thiên chức của người mẹ tác động và ảnh hưởng. Các tổ chức thực thi quy định pháp luật về công tác phụ nữ phải đứng trên quan điểm công tâm, để nhìn nhận về ảnh hưởng của các biện pháp đưa ra sẽ tác động đến phụ nữ theo các chiều cạnh như thế nào. Họ cần nhìn phụ nữ trong môi trường “động” chứ không phải “tĩnh”.
“Bất bình đẳng được thể hiện dưới góc độ là người ta quy phụ nữ về chế độ rất tĩnh, tức là chỉ nhìn họ với tư cách là phụ nữ thôi, chứ không nhìn mở rộng ra. Vì vậy, giải pháp cần đưa ra là các tổ chức, gia đình và xã hội có trách nhiệm tạo cơ hội để phụ nữ và nam giới cùng có cơ hội ngang nhau.
Bình đẳng giới ở đây không có nghĩa là chúng ta cố gắng làm mọi thứ để phụ nữ bằng nam giới mà làm thế nào để giúp phụ nữ và nam giới nhận ra điểm mạnh, điểm yếu để từ đó có thể hợp tác lấy điểm mạnh của người này bù đắp điểm yếu của người kia để tạo ra các giá trị mới. Đấy mới là đích đến của bình đẳng giới”, bà Vân phân tích.
Bên cạnh đó, các cơ quan hỗ trợ cho phụ nữ như Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong các Bộ, ngành, địa phương, … cần có nhiều hoạt động, đưa ra các chính sách đặc thù trong phạm vi quản lý của mình để hỗ trợ phụ nữ.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cấp cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trong nhiều nhiệm kì qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chủ động tổ chức thực hiện cũng như phối hợp cùng Ủy ban Xã hội tổ chức bồi dưỡng cho các nữ ứng cử viên tham gia bầu cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, đặc biệt là cho những người lần đầu tham gia. Thời gian tới, cần tiếp tục có nhiều hoạt động sâu hơn nữa trong việc hỗ trợ xây dựng hình ảnh của các nữ ứng cử viên đó được lan tỏa trong cộng đồng cử tri; sau khi họ trúng cử thì tiếp tục bồi dưỡng đào tạo về kĩ năng để họ làm tốt vai trò, nhiệm vụ, từ đó tăng thêm sức mạnh về hình ảnh cán bộ nữ và đóng góp của họ trong lĩnh vực tham chính.
Làm chủ “sức mạnh mềm”
Phát triển công tác cán bộ nữ không chỉ là làm tăng số lượng cán bộ nữ mà còn cần đặc biệt lưu tâm đến chất lượng, phẩm chất, đạo đức của các cán bộ được lựa chọn bồi dưỡng.
Thực tế, nhiều cán bộ nữ có ưu thế về sự mềm mỏng trong giao tiếp nên thuận lợi hơn nam giới trong công tác ứng xử với cán bộ, Nhân dân. Thế nhưng, vì làm cán bộ nên họ còn có thêm một loại “sức mạnh mềm” mang tên “quyền lực”. Để giữ được cái tâm trong sáng, liêm chính của người cán bộ, giữ được trong ấm ngoài êm, họ cần phải làm chủ “sức mạnh mềm” ấy. Bởi thực tế, đã có nhiều vụ việc, vì không làm chủ được bản thân trước cám dỗ, nhiều cán bộ đã lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm lợi riêng.
Theo PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), từ trước đến nay, Đảng ta luôn coi công tác cán bộ là nhiệm vụ rất quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”. Trước đây, xây dựng Đảng chỉ nói đến 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đến nhiệm kỳ Đại hội XII, trước vấn đề suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng bổ sung mặt thứ tư là xây dựng Đảng về đạo đức. Tiếp đó, đến nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng tiếp tục bổ sung mặt thứ năm là xây dựng Đảng về cán bộ.
Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ phát triển số lượng cán bộ nữ, chúng ta cần đặc biệt coi trọng đến vấn đề đào tạo, nâng cao đạo đức công vụ.
Chị Đặng Thúy Vân - Chủ tịch UBND phường Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng, cán bộ nữ có ưu thế bởi sự mềm mỏng, khéo léo trong cách ứng xử, giao tiếp. “Mềm mỏng” ở đây không đồng nghĩa với yếu mềm, có những việc, những lúc không thể nhượng bộ, cần phải quyết liệt, cứng rắn.
“Hiện nay, chúng tôi đang tích cực triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”. Trong Chỉ thị có đưa ra gợi ý nhận diện biểu hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của cán bộ. Tôi đã đọc và gạch chân các biểu hiện để bản thân mình đề phòng, sau đó là truyền đạt cho cán bộ, công chức cấp dưới, để phòng tránh các biểu hiện của “bệnh sợ trách nhiệm” cũng như suy thoái đạo đức công vụ”, chị Vân chia sẻ.
Thực tiễn cho thấy, công khai, minh bạch chính là “chìa khóa vàng” trong công tác cán bộ, góp phần quan trọng bảo đảm tính pháp lý, dân chủ. Từ đó giúp lựa chọn đúng cán bộ; chống cục bộ địa phương, ngành, lĩnh vực, chống chạy chức, chạy quyền... Việc dân chủ, công khai, minh bạch còn là công cụ để kiểm soát quy trình công tác cũng như quá trình phát triển của cán bộ, ngăn chặn được các lực lượng chống đối, tìm cách khiến nội bộ không ổn định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gặp mặt đại diện nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan Trung ương và nhà khoa học |
Bà Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đặc biệt nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc bổ sung, thực hiện có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, bản thân từng phụ nữ phải nỗ lực phấn đấu, để xã hội, Đảng và Nhà nước ghi nhận, bước vào vị trí nào đáp ứng được yêu cầu của vị trí đó, cơ cấu phải gắn liền với chất lượng. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu trong công tác cán bộ nữ và mục tiêu, chương trình về bình đẳng giới. Bà cũng nhấn mạnh vai trò của Hội LHPN Việt Nam, tổ chức nòng cốt của phụ nữ Việt Nam trong việc triển khai, nâng cao hiệu quả vấn đề này.
Tăng cường công tác cán bộ nữ không phải chỉ là để có cơ cấu nữ nào đó trong bộ máy lãnh đạo mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ. Do đó, chúng ta phải coi công tác cán bộ nữ là nhiệm vụ của tất cả các thành viên của hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về cán bộ nữ và nên đưa chỉ tiêu về cán bộ nữ là một nội dung trong nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng và đoàn thể được tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá thi đua hàng năm. Bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ chỉ có được khi cả hai giới nam và nữ cùng đồng hành, chia sẻ và giúp đỡ cho nhau.
Thực tế tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới cho thấy, khi nhìn vào các số liệu về công tác phụ nữ tại một địa phương, một quốc gia, họ có thể đánh giá được công tác bình đẳng giới và tiến bộ xã hội của địa phương, quốc gia đó. Điều đó đồng nghĩa rằng, nơi nào công tác phụ nữ phát triển, nơi đó có tiến bộ xã hội.
Nói về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc đến quan điểm của Mác: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội đó tấn bộ ra thế nào?”. Người chỉ rõ, muốn giải phóng phụ nữ một cách triệt để thì phải bằng các hình thức thích hợp, đào tạo và bồi dưỡng họ trở thành những cán bộ giỏi đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trong bản Di chúc thiêng liêng, Người chỉ rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ cùng với sự cố gắng vươn lên để cán bộ nữ được bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ, từng bước góp phần giải phóng phụ nữ, giải phóng xã hội.
Vì vậy, để đạt mục tiêu như trong Nghị quyết 11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ngay từ bây giờ, các cấp, các ngành cần có phương án nhân sự hợp lý, chuẩn bị cán bộ nguồn là nữ với nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn.