Bài học tuyệt vời từ "Những sáng kiến Phần Lan"
Giáo sư Ilkka Taipale- Chủ biên cuốn sách "Những sáng kiến Phần Lan" (ở giữa) phát biểu tại cuộc tọa đàm
Các khách mời của chương trình là ngài H.E.Mr. Kari Kahiluoto, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam; bà Annika Kaipola, Tham tán đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam; ngài Janne Oksanen, Phó đại sứ Phần Lan tại Việt Nam; bà Lê Thị Thu Hường, Điều phối chương trình (Hợp tác phát triển).
Giáo sư Ilkka Taipale- Chủ biên cuốn sách "Những sáng kiến Phần Lan" và Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành- Giám đốc điều hành CSCI Indochina; Đồng sáng lập Elite PR School đã chia sẻ xung quanh các vấn đề chính là: Những sáng kiến xã hội đã trở thành nền tảng của nhà nước phúc lợi Phần Lan và Suy nghĩ về những kinh nghiệm có thể áp dụng được ở Việt Nam.
Chuyên gia Nguyễn Đình Thành (bên phải) phát biểu tại buổi tọa đàm |
Theo Giáo sư Ilkka Taipale, suốt thời gian qua, để đưa đất nước Phần Lan phát triển như ngày nay, đất nước Phần Lan đã có 5 sáng kiến căn bản nhất. Đó là một nền giáo dục được chú trọng hết mức. Ở đó, học sinh từ 6 tuổi đến trường được miễn phí hoàn toàn. Sắp tới đất nước này sẽ tiến tới miễn phí cho hệ thống mầm non.
Cùng với đó, lực lượng giáo viên vô cùng được kính trọng và phải cạnh tranh cũng như vượt qua những tiêu chuẩn gắt gao để xứng đáng với trọng trách của mình.
Các sáng kiến còn lại cũng vô cùng quan trọng với sự phát triển của đất nước. Sự bình đẳng nam nữ, quyền tự quyết giữa các thành phố, sự thành lập và vận hành các tổ chức phi chính phủ và việc giải quyết các vấn đề phải được sự đồng thuận giữa các bên chính là những yếu tố đảm bảo cho sự công bằng và phát triển của đất nước.
Những kinh nghiệm ấy sẽ được áp dụng như thế nào, rút ra bài học gì cho Việt Nam cũng được các chuyên gia phân tích, mổ xẻ.
Phần giới thiệu về cuốn sách "Những sáng kiến Phần Lan" cũng được độc giả vô cùng thích thú đón nhận.
Một đất nước ở Bắc Âu quanh năm lạnh giá, dân cư thưa thớt. Một đất nước không hề giàu từ trong trứng, đã trải qua những năm tháng thiếu ăn thiếu mặc, những cuộc chiến khốc liệt với cường quốc, nông nghiệp lạc hậu… Đó là Phần Lan cho đến nửa đầu thế kỷ 20.
40 năm sau, vẫn là đất nước quanh năm lạnh giá và dân cư thưa thớt đó, Phần Lan đã vươn lên ghi tên mình vào nhóm đầu trong các bảng xếp hạng thế giới về mức sống, giáo dục, minh bạch, bình đẳng, tự do ngôn luận…
Cuốn sách "Những sáng kiến Phần Lan" nói về những lí do Phần Lan phát triển như ngày nay ra đời đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ khắp nơi trên thế giới và đã được dịch ra 27 thứ tiếng và dự kiến sẽ được dịch ra tiếp 10 ngôn ngữ khác.
Cuốn sách tập hợp những sáng kiến về xã hội, chính trị và cuộc sống thường ngày ở Phần Lan. Những sáng kiến được trình bày đa dạng, từ nhỏ đến quan trọng, từ các cấu trúc chính trị phổ quát đến những niềm vui thường nhật, với các chủ điểm từ quốc hội độc viện đến tủ phơi bát, từ chăm sóc trẻ ban ngày tới cầu giặt công cộng, từ công việc cộng đồng (“đàn ong thợ”) đến chủ nghĩa ba bên, từ bơi lội trong băng đến chính phủ liên hiệp, và từ hệ điều hành Linux đến Ông già Noel.
“Tôi tin rằng cuốn sách "Những sáng kiến Phần Lan" - Lý do Phần Lan phát triển như ngày nay sẽ được bạn đọc Việt Nam đón nhận và áp dụng vào cuộc sống sôi động hiện nay của đất nước đang khao khát đổi mới và phát triển,” ông Phạm Ngạc – nguyên đại sứ Việt Nam tại 5 nước Bắc Âu 1992-1994 – khẳng định.
Tại buổi tọa đàm, một cuốn sách tập hợp 100 câu chuyện về Phần Lan mang tên "Lửa trời đuôi cáo" được lấy cảm hứng từ truyền thuyết về bắc cực quang- hiện tượng thiên nhiên kì thú của quê hương ông già Noel cũng khiến khán giả vô cùng thích thú và tâm đắc.